Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Du lịch giữa mùa dịch: Đi đâu khi đến thăm đảo Phú Quý?

(SGTT) – Mấy năm trở lại đây, Phú Quý đã trở thành một địa danh được nhắc tới như một “đảo du lịch” tiềm năng của tỉnh Bình Thuận. Đến với Phú Quý, du khách như được về với thiên nhiên, tận hưởng sự tinh khiết của đất trời, bởi biển đảo còn nguyên nét hoang sơ với nhiều bãi tắm đẹp.

Sau một đêm nghỉ tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), chuyến tàu ra đảo Phú Quý của chúng tôi bắt đầu trong một buổi sáng nắng đẹp, biển lặng sóng yên. Giữa mênh mông biển trời chợt thấy con người thật nhỏ bé, mong manh.

Nhưng bù lại, chúng tôi được thoả thích ngắm cái xanh ngan ngát của nước biển, xanh thẳm của bầu trời như hoà làm một, ngắm những chú cá bạc thỉnh thoảng bị tốc độ của tàu đánh vọt lên cao. Hơn 6 giờ lênh đênh trên biển, hòn đảo dần hiện ra như một con cá voi khổng lồ đang bơi trên mặt nước.

Một góc bãi biển đẹp trên đảo.

Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo có diện tích 16 km² nằm ngoài khơi bờ biển Nam Trung Bộ, cách thành phố Phan Thiết khoảng 56 hải lý (hơn 100 km) về hướng Đông Nam. Mấy năm trở lại đây, Phú Quý đã trở thành một địa danh được nhắc tới như một “đảo du lịch” tiềm năng của tỉnh Bình Thuận. Đến với Phú Quý, du khách như được về với thiên nhiên, tận hưởng sự tinh khiết của đất trời, bởi biển đảo còn nguyên nét hoang sơ với nhiều bãi tắm đẹp.

Chúng tôi đến bãi tắm ở vịnh Triều Dương vào chiều cuối tuần nên khá đông khách, phần lớn là người dân địa phương. Bãi này cát phẳng và rộng, trắng mịn, nước biển trong xanh, trên bờ có một rừng dương rợp bóng thích hợp cho du lịch dã ngoại.

Ngoài khơi, các đảo nhỏ nổi lên trên biển với những hình thù khác nhau tạo nên nét chấm phá của bức tranh thiên nhiên đầy vẻ hoang sơ trên hòn đảo ngọc. Đến bãi tắm, đắm mình trong làn nước biển xanh trong mát lạnh, những con sóng vỗ nhẹ vào người tạo cho ta cảm giác thích thú, dễ chịu vô cùng.

Vịnh Triều Dương, đảo Phú Quý, Bình Thuận.

Dưới ánh nắng dịu nhẹ cùng làn gió mang vị mặn của biển, du khách cảm thấy tâm hồn tươi mát và thoải mái hơn nhất là khi hoàng hôn xuống.

Phú Quý còn được thiên nhiên ưu ái với nhiều bãi tắm đẹp khác như bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc cái doi Mộ Thầy... Ở những nơi này nhà cửa thưa thớt, còn khá hoang sơ, trên bờ quanh bãi là những mỏm đá đen với nhiều hình thù kỳ thú. Nước biển ở đây trong xanh, ít ghe thuyền neo đậu, không khí trong lành, là nơi lý tưởng cho bất cứ du khách nào muốn hòa mình vào với thiên nhiên.

Tuy là một hòn đảo nằm biệt lập giữa trùng dương nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy đảo đã được khai phá tạo nên cuộc sống ở đảo từ rất sớm. Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau.

Chùa Linh Quang còn gọi là Linh Quang Tự được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Bình Thuận.

Do đặc thù là một hòn đảo giữa biển, biệt lập với đất liền, đảo có đến 90% là ngư dân, cách ăn nói đầu sóng ngọn gió pha lẫn những âm vực của người miền Trung lâu đời, nên khách lạ là người miền Nam hay miền Bắc khó lòng hiểu đầy đủ câu chuyện mà dân Phú Quý nói. Bù lại người dân trên đảo cực kỳ dễ mến, rất hiếu khách, mang đậm nét chất phác, mộc mạc của cư dân vùng biển.

Trên đảo còn nhiều danh lam thắng cảnh có giá trị lịch sử, văn hóa mà trong đó có Chùa Linh Quang. Chùa Linh Quang còn gọi là Linh Quang Tự được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Bình Thuận. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia tọa lạc trên một đồi cao tại thôn Mỹ Khê xã Tam Thanh. Chùa được xây dựng vào thời Cảnh Hưng thứ 8 đến nay đã có hơn 250 tuổi. Chùa còn lưu giữ các sắc phong của triều Nguyễn ban tặng.

Không chỉ là một nơi có quang cảnh đẹp, mà Linh Quang Tự còn là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật về phật giáo ở trên đảo. Ngoài Linh Quang Tự, Chùa Linh Sơn – Núi Cao Cát là một quần thể thắng cảnh đẹp của huyện Phú Quý. Núi Cao Cát được dân đảo xem như ngọn núi linh thiêng, tọa lạc ở phía Bắc đảo, điểm nhấn ở đây là tượng Phật Bà Quan Âm uy nghi được đặt trên đỉnh núi. Từ trên đỉnh Cao Cát, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cả một vùng không gian rộng lớn quanh đảo.

Một góc đảo Phú Quý nhìn từ trên cao.

Trên đây có những đồi núi lồi lõm, vết tích còn sót lại của núi lửa với những hình thù kỳ bí, lạ mắt. Từ khi tạo dựng đến nay ngôi chùa trở thành nơi thu hút đông đảo tín đồ Phật tử và người dân trên đảo đến chiêm bái Phật. Ngoài ra Phú Quý còn có một số chùa và đền nổi tiếng được nhân dân sùng bái và thờ kính như Mộ Thầy Nại, Miếu Bà Chúa Bàng Tranh, Thánh thất Cao Đài Ngũ Phụng... Đây là những nơi mà du khách không nên bỏ qua khi đến với đảo Phú Quý.

Đến với Phú Quý mà không ghé qua Vạn An Thạnh quả là thiếu sót. Vạn An Thạnh nằm ở xã Tam Thanh là một trong những vạn tại đảo thờ và tín ngưỡng ông Nam Hải và ở đây cũng có một số sắc phong mà các vua triều Nguyễn ban tặng. Vạn ẩn mình dưới những hàng dừa xanh bao phủ, hướng chính quay về phía Nam nhìn thẳng ra biển khơi. Các bộ phận kiến trúc chính của vạn gồm Chính điện, Võ ca và Tiền hiền được bố trí dạng chữ Tam. Ngoài ra, trong khuôn viên còn có các bộ phận phụ khác như khu mai táng xác ông bà, công quán, cổng vào, án phong, nhà khói…

Bộ xương cá nhà táng tại Vạn An Thạnh.

Vạn An Thạnh lưu giữ gần 100 bộ hài cốt (gồm cá voi, rùa da), bà con ngư dân coi đó là hài cốt của ông bà nên tôn thờ với những nghi thức kính cẩn. Đặc biệt, tại Vạn còn lưu giữ bộ xương cá nhà táng có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới (tương truyền lúc cá mới dạt vào bờ nặng khoảng 40 tấn). Đây là bộ xương cá voi lớn thứ hai ở Bình Thuận (sau bộ xương cá Voi ở Vạn Thủy Tú, Phan Thiết).

Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên và con người, Phú Quý cũng nổi danh với những loại hải sản tươi rói từ biển như cua, ghẹ, cá mú, mực thẻ, tôm, hải sâm… Cua huỳnh đế có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn; ăn rất ngon và thơm, có lẽ chỉ có tại Phú Quý. Cá mú hấp với các vị thuốc bắc gồm đại táo, câu kỷ, mộc nhĩ, bá hạp, hột sen và một ít bún song thằng, gia thêm ngũ vị hương. Món ăn rất hấp dẫn. Mọi người truyền miệng rằng món này bổ tinh lực song ngon nhất vẫn là bộ da. Giá cả hải sản ở đảo khá rẻ, làm hài lòng thực khách thích những món ăn đặc trưng của Phú Qúy.

Phú Quý chưa có phương tiện công cộng, nhưng du khách có thể thuê xe máy rong ruổi trên những tuyến đường đang được triển khai xây dựng và nâng cấp là có thể tham quan đầy đủ thắng cảnh và di tích trên đảo. Có lẽ trong một tương lai không xa, Phú Quý sẽ là điểm đến lý tưởng của những ai đam mê du lịch sinh thái mang đậm bản sắc Việt.

Lê Quang Huy


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối