Thứ Năm, Tháng Mười 3, 2024

Dự báo giá xăng RON 95 có thể vượt mốc 32.000 đồng/lít

Nếu không có các biện pháp can thiệp khẩn cấp, dự báo trong kỳ điều hành ngày 13-6 tới, giá xăng bán lẻ trong nước có thể sẽ tăng thêm 700 – 1.000 đồng/lít, kéo giá xăng RON 95 lập kỷ lục mới vượt mốc 32.000 đồng/lít.

Do quỹ bình ổn giá đã cạn kiệt, khả năng kìm giá xăng chỉ còn trông chờ vào việc Quốc hội thông qua các biện pháp giảm các loại thuế. Hiện còn dư địa giảm thêm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng nhưng theo quy định, Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền giảm thêm 1.000 đồng với loại thuế này.

Nếu không có biện pháp can thiệp, giá xăng RON 95 sẽ vượt mức 32.000 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh vào ngày 13-6 tới. Ảnh: Lê Vũ

Theo quy định, kỳ điều hành giá xăng dầu mỗi tháng điều chỉnh ba lần, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Tuy nhiên, với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ.

Do đó, liên bộ Công Thương – Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 13-6 tới thay vì ngày mai (11-6) như thường lệ do rơi vào ngày nghỉ.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng tại thị trường Singapore cập nhật hôm 6-6 là 150,5 đô la Mỹ/thùng đối với xăng RON 92 và 157,4 đô la/thùng với xăng RON 95. Mức giá này cao hơn ngày 1-6 khoảng 3 đô la/thùng.

Tương tự, giá các loại dầu cũng tăng khoảng 5 đô la/thùng, hiện dầu diesel có giá 170,6 đô la/thùng, dầu hỏa giá 166,6 đô la/thùng, dầu mazut là 636 đô la/tấn.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá dầu Brent vào ngày 10-6 ở mức 122 đô la/thùng sau khi tăng vọt lên gần 124 đô la/thùng trong ngày 8-6, mức cao nhất 13 tuần qua.

Theo đà tăng mạnh của giá xăng dầu thế giới, giới kinh doanh mặt hàng này dự báo trong kỳ điều hành vào ngày 13-6 tới giá xăng trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng cao.

Mức tăng sẽ phụ thuộc vào việc liên bộ Công Thương – Tài chính trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG). Nhưng trong bối cảnh quỹ BOG cạn kiệt, giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, giá xăng bán lẻ trong nước có thể tăng 700 – 1.000 đồng/lít, và giá dầu sẽ tăng nhiều hơn.

Theo đó, xăng RON 95 vào ngày 13-6 tới có thể lập kỷ lục mới và vượt 32.000 đồng/lít. Do giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh nên giá bán lẻ xăng, dầu trong nước buộc phải điều chỉnh tăng theo. Điều này dẫn đến nhiều hàng hóa và dịch vụ khác cũng sẽ tăng giá theo.

Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng để “hạ nhiệt” giá xăng chỉ còn cách giảm thuế, phí.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính tại hội trường Quốc hội diễn ra vào ngày 8-6, đại biểu đặt vấn đề liệu Chính phủ có thể giảm các khoản thuế đang thu vào xăng, dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được không.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, giá xăng dầu đang tăng cao nhưng việc giảm thuế vẫn phải chờ Quốc hội đồng ý. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tư lệnh ngành tài chính cần chủ động có giải pháp cụ thể nhằm sớm kìm giá xăng dầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng dù thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ, Chính phủ hay là của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, cũng cần phải có đề xuất từ bộ quản lý nhà nước. “Cử tri và người dân đang trông chờ phản ứng chính sách này, cũng mong bộ trưởng thể hiện quan điểm nguyên tắc của mình trả lời hôm nay bằng những văn bản, những đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Tại kỳ điều hành trước, liên bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng E5 RON 92 thêm 602 đồng/lít, bán ra 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 921 đồng/lít, bán ra không cao hơn 31.578 đồng/lít.

Nếu đúng như dự báo vào ngày 13-6 tới, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 14 kỳ điều hành giá có tới 11 lần giá xăng tăng, chỉ 3 lần giảm. So với đầu năm 2022, giá xăng RON 95 hiện tăng 7.694 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.071 đồng/lít lên mức 30.230 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.

Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ 1-4 đến hết năm nay, khiến ngân sách nhà nước giảm thu 24.000 tỉ đồng. Hiện còn dư địa giảm thêm 2.000 đồng mỗi lít thuế bảo vệ môi trường. Theo quy định, Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền giảm thêm 1.000 đồng với loại thuế này.Còn thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế nhập khẩu xăng dầu (hiện là 8%), thuế VAT (10%)… thuộc thẩm quyền Quốc hội. “Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu.

Lê Hoàng
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giá xăng dầu được điều hành vào thứ Năm hàng tuần

0
(SGTT) - Nghị định số 80/2023/NĐ-CP rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, giá xăng dầu...

TPHCM: cửa hàng xăng dầu không được tự ý ngừng kinh...

0
(SGTT) - Theo Sở Công Thương TPHCM, cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được tự ý dừng hoạt động kinh doanh mặt hàng...

Giá xăng tăng mạnh, chạm ngưỡng 25.750 đồng mỗi lít

0
Từ chiều 21-9, xăng E5 RON92 tăng 726 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 877 đồng/lít, dầu diesel tăng 539 đồng/lít; dầu hỏa tăng 628 đồng/lít...

Giá xăng tăng mạnh, cao nhất tăng gần 1.300 đồng/lít

0
Từ 15:00 giờ hôm nay (21-7), liên bộ Công Thương – Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo...

Giá xăng giữ nguyên, giá dầu tăng nhẹ

0
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu của liên bộ Công Thương-Tài chính, từ 15:00 giờ hôm nay (12-6), dầu diesel tăng 85 đồng/lít,...

Giá xăng giảm mạnh, xuống thấp nhất trong 1,5 năm qua

0
Giá xăng dầu trong nước đồng loạt đi xuống từ 15:00 ngày hôm nay, 11-5, trong đó nhiều mặt hàng giảm mạnh, đưa nhiên...

Kết nối