Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Dự án thế chấp ngân hàng: Người bán giãy nảy, người mua hoang mang

 CAO BAN –

Ngay sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố danh sách các dự án được thế chấp ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã phản ứng, cho rằng danh sách này là chưa cập nhật, gây tâm lý hoang mang cho người mua nhà.

Cả hai cùng lo

duanNgười mua nhà nên chú ý tới các yếu tố pháp lý trước khi thực hiện giao dịch.  Ảnh: Mạnh Tùng

Một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, việc họ thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng, sau đó giải chấp là chuyện bình thường. Quan trọng là họ không làm sai luật như không giải chấp, không rút bớt tài sản mà vẫn bán nhà cho khách hàng.

Là một trong những doanh nghiệp có tên trong danh sách, Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát cho biết công ty có 10 căn hộ và sáu sàn thương mại thuộc cao ốc Hưng Phát được thế chấp ngân hàng. Điều khiến công ty này không hài lòng số căn hộ đang thế chấp này được công ty giữ lại phục vụ cho mục đích khác chứ hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào; còn sáu sàn thương mại cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của công ty.

Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát, cho rằng việc có tên trong danh sách các dự án cầm cố gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu công ty, cũng như các dự án công ty đang triển khai. “Phần thế chấp tài sản này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc cao ốc Hưng Phát”, ông Lực khẳng định.

Một doanh nghiệp khác cũng có ý kiến rằng, một số dự án vẫn có tên trong danh sách mà Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố, mặc dù chủ đầu tư không thế chấp dự án tại ngân hàng, mà được ngân hàng bảo lãnh việc bán nhà hình thành trong tương lai. Vị này cho hay, trên thực tế, chỉ các doanh nghiệp có uy tín, dự án có tính thanh khoản tốt thì mới được ngân hàng đứng ra bảo lãnh.

Trong khi các doanh nghiệp bức xúc thì cư dân đã mua căn hộ có tên trong danh sách trên cũng vô cùng hoang mang, lo lắng vì thông tin dự án thế chấp ngân hàng trước nay đều được chủ đầu tư “ém nhẹm”. Sau khi biết thông tin chung cư của mình ở quận 12, TPHCM nằm trong danh sách các dự án bị thế chấp, một người mua nhà tên Tố Uyên tỏ ra khá hoang mang. “Tôi vào ở chung cư này được gần một năm, chủ đầu tư hứa sẽ cấp sổ hồng vào cuối năm nay. Ai ngờ chủ đầu tư đem chung cư đi thế chấp ngân hàng, thế này không biết khi nào mới có sổ hồng”, chị Uyên lo lắng.

Nhiều trường hợp khác không biết phải làm thế nào khi mua phải căn hộ đã bị chủ đầu tư đem “cắm” ngân hàng. Anh Thanh Tâm, đang ở một chung cư tại quận Gò Vấp, cho biết anh vô cùng bức xúc vì nếu ngân hàng siết nợ chủ đầu tư thì không biết gia đình anh và các cư dân khác sẽ phải xoay sở ra sao. “Tôi ở chung cư này đã sáu năm nay nhưng vẫn chưa có sổ hồng. Khi đòi thì được chủ đầu tư cho biết là đã mang sổ hồng thế chấp cho ngân hàng, chủ đầu tư còn hứa đi hứa lại nhiều lần việc cấp sổ hồng cho cư dân nhưng đã vài năm nay vẫn chưa thấy đâu”, anh Tâm chia sẻ.

Báo phường khi chưa được cấp sổ đỏ

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết đây là lần đầu tiên sở công bố danh sách các dự án thế chấp ngân hàng để người mua nhà hiểu rõ được mình đang ở đâu giữa các thủ tục phải làm với chủ đầu tư khi thực hiện giao dịch, tránh xảy ra tranh chấp như tại một số chung cư trước đây.

Ông Liên cho hay, 77 dự án đang thế chấp mà sở công bố là chưa đầy đủ. Đây mới chỉ là những dự án đã có thông báo của Sở Xây dựng đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh, bán hoặc cho thuê nhà. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng không thể phân loại, xác định mục đích thế chấp của từng dự án vì hợp đồng thế chấp là bí mật kinh doanh của ngân hàng, sở không thể kiểm soát hết được. Hơn nữa, danh sách này được cập nhật vào ngày 8-6, từ đó đến nay cũng đã có nhiều căn hộ được giải chấp, nên mới xảy ra trường hợp doanh nghiệp bức xúc.

Ông Liên nhấn mạnh, việc các chủ đầu tư thế chấp dự án để vay vốn tín dụng ngân hàng, phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường. Vấn đề ở chỗ họ không được làm sai pháp luật khi thực hiện giao dịch như không giải chấp, không rút bớt tài sản mà vẫn bán nhà cho khách hàng.

“Trước khi tiến hành giao dịch, người mua nhà có quyền đề nghị chủ đầu tư cung cấp giấy chứng nhận đã giải chấp căn hộ. Nếu trong trường hợp chủ đầu tư chưa thể giải chấp được ngay vì dòng vốn tồn đọng trong dự án, người mua nhà có quyền yêu cầu doanh nghiệp lập bản thỏa thuận về thời điểm và cách thức rút tài sản thế chấp. Trong thỏa thuận này cũng phải có văn bản chấp thuận của ngân hàng nhận thế chấp đối đối với việc sử dụng tài sản thế chấp của doanh nghiệp”, ông Liên nói.

[box type=”warning”] Trước khi tiến hành giao dịch, người mua nhà có quyền đề nghị chủ đầu tư cung cấp giấy chứng nhận đã giải chấp căn hộ. Nếu trong trường hợp chủ đầu tư chưa thể giải chấp được ngay vì dòng vốn tồn đọng trong dự án, người mua nhà có quyền yêu cầu doanh nghiệp lập bản thỏa thuận về thời điểm và cách thức rút tài sản thế chấp.

Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM[/box]

Đặc biệt, nếu cư dân mua phải căn hộ đã thế chấp, mà chủ đầu tư chậm giao lại sổ hồng, cư dân cần phản ánh ngay đến UBND phường để phường báo cáo lên quận. UBND quận sẽ làm việc với các chủ đầu tư để xử lý sự việc.

Ông Liên cho biết, ngoài 77 dự án đã thông tin công khai, người dân đang ở các dự án khác hoặc người đang có ý định mua nhà cũng có thể liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai thành phố để được cung cấp thông tin xem dự án mình quan tâm có đang bị thế chấp hay không.

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Sở Tư pháp và Sở Xây dựng TPHCM rà soát tình trạng thế chấp của các dự án nhằm đưa lại thông tin minh bạch, chính xác nhất cho người mua nhà. Sở cũng sẽ công bố lại thông tin ngay khi dự án có căn hộ được giải chấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Hợp tác chiến lược ‘song kiếm hợp bích’: KDI Holdings và...

0
Ngày 22-4-2024, thành phố Nha Trang sôi động hơn bao giờ hết khi chứng kiến sự kiện ký kết hợp tác phân phối chiến...

Tổ chức ngày Chung tay gói quà trước thềm Caravan lần...

0
CLB Doanh nhân 2030 tổ chức Ngày Chung tay ráp 200 xe đạp, gói quà, dán decal… chuẩn bị cho hành trình về Kon...

Kết nối