Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024

Dự án cụm công nghiệp Phú Hiệp sẽ tác động nguy hiểm đến Vườn quốc gia Tràm Chim

Dự án cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Phú Hiệp được Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh đề xuất đầu tư nằm hoàn toàn trong vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim. Điều này không chỉ vi phạm quy định vùng đệm của Luật Bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tác động nguy hiểm đến vùng lõi của Vườn quốc gia được công nhận là khu dự trữ sinh quyển (ramsar) thứ 2.000 của thế giới.
Phần màu vàng là dự án đang hoạt động của Công ty Hà Thanh, phần màu đỏ là phần đề xuất đầu tư cụm công nghiệp Phú Hiệp. Nguồn ảnh: Báo cáo của nhóm chuyên gia.

Cụm công nghiệp Phú Hiệp có quy mô khoảng 60 héc ta được Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh đề xuất đầu tư và dự kiến xây dựng tại ấp K12, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp – nơi đã có nhà máy gạch với quy mô khoảng 25 héc ta, có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng đang hoạt động cũng của Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh đầu tư.

Liên quan dự án nêu trên, TS Lê Phát Quới, Phó giám đốc Trung tâm Khoa học môi trường và sinh thái, và TS Dương Văn Ni, Giám đốc Quỹ bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (MCF) đã có báo cáo “Nhận xét những tác động có thể ảnh hưởng đến cộng đồng và Vườn quốc gia Tràm Chim từ hoạt động của dự án cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp”.

Tại báo cáo nhận xét nêu trên, sau khi căn cứ vào các quy định pháp lý và đề xuất dự án của Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh, nhóm chuyên gia kết luận, việc đề xuất xây dựng dự án cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Phú Hiệp ở ấp K12, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông là chưa có cơ sở pháp lý.

Nhóm chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng kết cấu hạ tầng và các sơ đồ bố trí theo không gian cụm công nghiệp Phú Hiệp thực tế chỉ là việc “xin mở rộng” quy mô dự án đang hoạt động là nhà máy gạch của Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh và nằm hoàn toàn trong vùng đệm ở phía Bắc của Vườn quốc gia Tràm Chim.

Theo đó, khoảng cách gần nhất tính từ ranh của cụm công nghiệp Phú Hiệp và ranh của Vườn quốc gia Tràm Chim là 300 mét và xa nhất là khoảng 700 mét (tính đường thẳng hướng Bắc – Nam, đo khoảng cách từ ảnh vệ tinh Sentinel-2). “Như vậy, khu vực cụm công nghiệp dự kiến bố trí quá gần khu A5 của Vườn quốc gia Tràm Chim”, nhóm chuyên gia nhấn mạnh trong báo cáo.

Báo cáo dự án đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Phú Hiệp cho thấy, dự án tập trung vào khai thác khoảng sản, sản xuất và dịch vụ sản phẩm gạch, bê tông bên trong cụm công nghiệp.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia dẫn quy định tại khoảng 1, điều 2 của Nghị định 68/2017/NĐ-CP thì cụm công nghiệp sau khi được cấp phép có thể kêu gọi nhiều doanh nghiệp và đầu tư với nhiều loại hình khác nhau. “Do đó, một vấn đề mà địa phương, Vườn quốc gia Tràm Chim cần lưu ý là nếu có nhiều loại hình sản xuất thải ra những chất thải nguy hại sẽ ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, hệ sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước”, nhóm chuyên gia cảnh báo.

Ngoài yêu cầu phải tránh mọi hoạt động gây tác động bất lợi đối với vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim, nhóm chuyên gia cho biết, đối với phân khu A5 của Vườn quốc gia Tràm Chim – phân khu nằm gần cụm công nghiệp dự kiến sẽ xây dựng – là phân khu có môi trường đất khá chua (PH nhỏ hơn 3.0) nên thảm cỏ năng kim (Eleocharis attropurpurea) thường xuất hiện trong khu vực này, nhất là vào cuối mùa mưa- đầu mùa khô. Củ năng kim là thức ăn ưa chuộng của chim sếu (Grus antigone) nên trước đây vào mùa khô, đồng cỏ năng kim tại khu A5 là bãi thức ăn chính của chim sếu.

Nhóm chuyên gia cho biết, nhiều loại chim được ghi nhận ở Vườn quốc gia Tràm Chim, trong đó, sếu về đây hàng năm tạo nên sự nổi tiếng của Vườn quốc gia không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, từ sự quản lý không phù hợp cũng như tác động của con người đến bãi ăn và trú ngụ của chim sếu khiến mật độ loài chim này suy giảm. “Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp và Vườn quốc gia Tràm Chim đang tích cực xây dựng chương trình phục hồi đàn sếu tại đây, trong đó, khu A5 dự kiến sẽ là bãi kiếm ăn quan trọng của loài chim này”, nhóm chuyên gia cho biết.

Nhóm chuyên gia dẫn kết quả nghiên cứu của Hội bảo vệ sếu quốc tế (ICF), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và các viện, trường trong nước từ năm 1990 đến nay cho thấy, các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể đàn sếu (xếp theo thứ tự ưu tiên) bao gồm, thay đổi hệ sinh thái, kể cả việc làm thay đổi thảm thực vật như trồng thêm rừng và đặc biệt nghiêm trọng là sự xáo trộn mặt đất, ô nhiễm môi trường. Trong đó, quan trọng nhất là ô nhiễm không khí, nguồn nước, nguồn thức ăn, tiếng ồn và sự xuất hiện của vật thể lạ (đào ao, xây nhà cao tầng).

Từ những vấn đề nêu trên, nhóm chuyên gia kết luận, vị trí và các hạng mục hoạt của dự án cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Phú Hiệp vừa vi phạm nghiêm trọng vùng đệm của Luật Bảo tồn đa dạng sinh học, vừa có tác động nguy hiểm đến vùng lõi của Vườn quốc gia Tràm Chim.

Phân tích thêm về những tác động của cụm công nghiệp Phú Hiệp gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học Vườn quốc gia Tràm Chim, nhóm chuyên gia cho biết, dù chưa được chi tiết do hạn chế thời gian tham khảo dữ liệu cũng như thời gian khảo sát, nhưng có thể dự báo những tác động ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Vườn quốc gia này, bao gồm tiếng ồn, khí thải từ sản xuất, lan truyền nước ngầm sản xuất.

Vườn quốc gia Tràm Chim là khu ramsar thứ 2.000 của thế giới, có sự hiện diện của 230 loài chim, 130 loài cá và 130 loài thực vật. Vườn quốc gia Tràm Chim có vùng lõi được chia thành 5 phân khu, gồm A1, A2, A3, A4 và A5.Ngoài vùng lõi có quy mô rộng khoảng 7.500 héc ta, Vườn quốc gia Tràm Chim còn có vùng đệm có diện tích khoảng 16.800 héc ta thuộc các xã Phú Thọ, Phú Thành B, Phú Hiệp, Phú Đức, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim. Đây là khu vực bảo vệ vùng lõi của vườn quốc gia này.

Trung Chánh
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cúc Phương là ‘Vườn quốc gia hàng đầu châu Á’ năm...

0
(SGTT) - Vườn Quốc gia Cúc Phương của Việt Nam vừa được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh...

Tìm về vườn quốc gia Pù Mát, ‘điểm đến xanh’ nơi...

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, sở hữu không gian xanh mát, vườn quốc gia Pù Mát là điểm đến yêu...

Đến Côn Đảo xem loài cua cạn lớn nhất Việt Nam

0
(SGTT) - Côn Đảo không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp, những di tích lịch sử mà còn thu hút du khách...

Tour tìm về thiên nhiên hút du khách nhỏ tuổi trong...

0
(SGTT) - Ngoài biển, các điểm đến gần gũi thiên nhiên như khu bảo tồn, vườn quốc gia, các khu du lịch sinh thái...

Vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam đạt danh hiệu...

0
(SGTT) - Vườn Quốc gia Cát Tiên vừa được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công nhận đạt danh hiệu Danh...

Cháy rừng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được dập...

0
(SGTT) - Đám cháy tại phân khu A1, Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) đã được dập tắt và không gây thiệt...

Kết nối