Thứ hai, Tháng năm 12, 2025

Drone đang cần luật

KIM BA -

Bầu trời London là một trong những không gian chật chội nhất thế giới vì máy bay. Nhưng khi những thiết bị bay không người lái (drone) ngày càng phổ biến thì càng khiến cho bầu trời nơi đây thêm chật. Ngày 17-4 vừa qua, cảnh sát điều tra đã kết luận có một chuyến bay của British Airways đâm phải một drone khi đáp xuống sân bay Heathrow nhưng may mắn là không có tác hại nghiêm trọng nào.

drone-airplaneDrone là một trong những thiết bị công nghệ ngày một phổ biến nhưng khiến ngành hàng không lo âu.

Vẫn chưa có nghiên cứu chi tiết nào về tác động của drone với ngành hàng không, vì từ trước đến nay, ngành này vẫn phải đối diện với những chú chim đủ kích thước bay trên bầu trời. Nhưng có những drone nặng đến 25 kg và rõ ràng nếu va phải máy bay có lẽ sẽ gây tác hại không nhỏ. Theo Hiệp hội Hàng không Mỹ FAA, lượng drone sẽ tăng từ 1,9 triệu chiếc năm 2016 lên 4,3 triệu chiếc vào năm 2020.

Mới đây, một phi công của hãng hàng không Lufthansa cho biết khi ông vừa cho máy bay cất cánh ở Los Angeles được khoảng 1.500 m thì đã gặp phải drone bay cách đó 60 m. Còn Ban quản lý bay Airprox của Anh Quốc ghi nhận có 23 trường hợp drone gần va phải máy bay chỉ trong từ tháng 4 đến tháng 10 năm ngoái. Từ tháng 8-2015 đến tháng 1-2016, FAA cho biết có 582 ghi nhận của phi công nhìn thấy drone khi cất/hạ cánh, trong đó có khoảng 1/3 trường hợp có nguy cơ va chạm.

Vẫn chưa ai biết chắc nếu máy bay và drone va chạm sẽ như thế nào. Một số chuyên gia đề nghị nên tiến hành thử nghiệm. Máy bay chở khách được thiết kế để có thể an toàn nếu va phải chim nhưng nếu chim rơi vào trong động cơ máy bay cũng có thể gây nguy hiểm. Do đó, có thể tác động của drone sẽ trầm trọng hơn so với chim, vì drone có chứa các thành phần kim loại, trong đó có pin lithium-ion, là chất có thể gây nổ. Những máy bay loại nhẹ và máy bay trực thăng sẽ bị tác động lớn hơn nếu va phải drone.

Tại Anh và Mỹ, tuy chưa có luật chính thức nhưng chính quyền cấm dùng drone gần sân bay và không được bay quá độ cao 150 m. Đồng thời, người điều khiển drone cần giữ thiết bị trong tầm mắt mọi lúc mọi nơi. Thế nhưng, một nhà tư vấn hàng không cho rằng luật lệ không vẫn chưa đủ ngăn ngừa tai nạn, bởi vì có những trường hợp cố tình vi phạm hoặc người dùng điều khiển không thông thạo. Tại Mỹ, FAA yêu cầu người dùng drone buộc phải đăng ký thiết bị của họ qua mạng. Đến nay FAA có được hơn 400.000 drone đăng ký. Sau đó, người dùng sẽ được cấp một con số nhận diện cho thiết bị. Nếu không đăng ký sử dụng, người dùng có thể bị phạt đến 250.000 đô la Mỹ. Châu Âu cũng đang thảo luật quản lý drone.

Ngoài ra, công nghệ cũng có thể giúp drone vận hành an toàn. Vài công ty sản xuất drone cài đặt thêm phần mềm tựa như hàng rào địa lý, là chương trình GPS không cho drone bay lại gần những khu vực quan trọng như sân bay hay các trạm năng lượng hạt nhân, cũng như giới hạn tốc độ và độ cao của chúng. Một phương pháp khác là không cho drone bay khuất tầm nhìn của người điều khiển. Nhiều quốc gia nghiêng về tính năng quản lý bằng chương trình GPS hơn. Nhưng tính năng này lại không nhận diện được những trường hợp ngoại lệ như máy bay cứu hộ. Các nhà phát triển cũng đưa ra giải pháp khác là tạo một phạm vi an toàn khẩn cấp để khi bật hàng rào ấy lên thì không drone nào được phép bay vào.

Ngoài ra, cũng có những giải pháp quản lý khác được các chuyên gia trong ngành đề xuất. Ví dụ như Cơ quan vũ trụ NASA của Mỹ đang phát triển một dự án dành cho các công ty sử dụng drone cho kinh doanh, buộc họ gửi lịch bay và theo dõi thiết bị bay. Drone cũng phải giao tiếp được với nhau và nhận biết được máy bay so với vị trí của chúng. Drone cũng sẽ sử dụng các bản đồ số tựa như bản đồ của xe tự lái. Thậm chí, drone cũng có được thông tin về dự báo thời tiết của khu vực cụ thể nào đó.

Cho dù có luật hay công nghệ hỗ trợ đi chăng nữa thì drone vẫn luôn có rủi ro gây họa, ví dụ khủng bố tận dụng drone để thả chất nổ vào đám đông, hoặc biến drone trở thành một vũ khí sinh học nào đó. Rõ ràng, bất kỳ công nghệ mới nào cũng đều bị tận dụng theo chiều hướng xấu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối