Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Đợt rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện muộn

(SGTT) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm nay, tình trạng rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện muộn và thời gian diễn ra sẽ ngắn hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian gần đây, các cơn mưa lớn đã gây ảnh hưởng tại nhiều địa phương như tuyến đường ĐT 755B nối Bình Phước – Lâm Đồng bị sạt lở nghiêm trọng, 670 héc-ta lúa hè thu tại huyện Lắk hư hại, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và tình trạng sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh Gia Lai và Phú Yên.

Tình trạng sạt lở còn xảy ra ở nhiều địa phương do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: angiang.gov.vn

TTXVN đưa tin, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 12-2023 đến tháng 2-2024, hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sương muối có thể làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe người dân.

Trong đó, tình hình rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện muộn và thời gian diễn ra sẽ ngắn hơn so với trung bình nhiều năm. Trong khoảng thời gian này, dự báo có khoảng 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung bộ và các tỉnh phía Nam.

Trước mắt, trong ba tháng tới (từ tháng 9 đến 12-2023), hiện tượng El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương) tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%. Như vậy, từ nay đến tháng 11-2023, vùng Biển Đông khả năng có khoảng 5-7 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Liên quan đến ảnh hưởng của mưa lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt, hiện nay, mưa lớn đã gây nhiều ảnh hưởng đến các địa phương. Chẳng hạn như ở tỉnh Đắk Lắk, theo TTXVN, mưa lớn những ngày qua đã làm hư hại khoảng 670 héc-ta lúa hè thu tại huyện Lắk; hơn 5 héc-ta nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng…

Ngày 2-9 vừa qua, tuyến đường ĐT 755B nối Bình Phước – Lâm Đồng bị sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, tại vị trí Km18+450, tuyến ĐT 755B một phần ta luy âm bị sạt lở 15m, ăn sâu vào lòng đường nhựa khoảng 0,5 m; cống thoát nước ngang đường đã bị trôi xuống vực; một phần ta luy dương bị sạt 10m chiều ngang, khiến khối lượng lớn đất đá từ đồi sạt xuống mặt đường.

Huyện Bù Đăng đã bố trí lực lượng cắm biển, giăng dây cảnh báo hướng dẫn và hỗ trợ người dân qua khu vực trên. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng tuyến đường mới tránh khu vực sạt lở.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực tỉnh Gia Lai và Phú Yên sẽ còn có mưa với lượng mưa có nơi trên 70mm. Trung tâm cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh này.

Còn ở tỉnh An Giang, theo TTXVN, tỉnh đang kiến nghị huy động nguồn kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để thực hiện có 3 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông. Tổng kinh phí khoảng 397 tỉ đồng.

Trong đó, dự án kè xử lý sạt lở bờ bắc kênh Rạch Giá – Long Xuyên có tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng. Dự án kè khắc phục sạt lở bờ sông Tiền đoạn tiếp giáp đầu kè Tân Châu có tổng mức đầu tư hơn 270 tỉ đồng. Dự án kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ tây sông Hậu có tổng mức đầu tư 75 tỉ đồng.

Tỉnh hiện có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở. Trong tháng 8 vừa qua, An Giang có 73 vụ sạt lở, rạn nứt, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch, gây thiệt hại nhiều tài sản như nhà kho, nhà máy, lò sấy… Nguyên nhân sạt lở là do tác động của biến đổi khí hậu; sự tác động của mực nước trên sông rạch, cấu trúc địa chất bờ sông yếu…

T.Đào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối