THÙY DUNG -
Lao động đi làm việc ở nước ngoài từ ngày 1-1-2016 sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu, quy định này có thể khiến người lao động gặp khó vì họ vừa phải đóng bảo hiểm tại nước sở tại vừa đóng thêm BHXH trong nước, trong khi phần lớn đối tượng này là người nghèo.
Muốn mở rộng đối tượng đóng BHXH
Các thực tập sinh đã được doanh nghiệp tuyển chọn để sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: Trúc Diễm
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas), trước đây theo Luật BHXH năm 2006, chỉ những lao động đi làm việc ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH bắt buộc mới thuộc đối tượng tham gia BHXH. Song, hàng năm những người đóng theo hình thức này chỉ khoảng 3.000-4.000 lao động, chiếm tỷ lệ rất thấp. Vì vậy, để mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và Nghị định 115 vừa ban hành, tất cả lao động đi làm việc ở nước ngoài dù trước đó có đóng BHXH hay không đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.
Quy định trong Nghị định 115 cho thấy có bốn nhóm đối tượng đi làm việc ở nước ngoài gồm lao động đi thông qua doanh nghiệp dịch vụ, thực tập sinh, nhận thầu và lao động đi làm việc tự do.
Đối với lao động đi thông qua hình thức nhận thầu thì không có thay đổi. Vì doanh nghiệp tuyển dụng là doanh nghiệp trong nước và vẫn đóng theo cơ chế người lao động và chủ sử dụng lao động cùng đóng BHXH. Những đối tượng còn lại sẽ phải tự đóng toàn bộ mà không có doanh nghiệp sử dụng lao động nào cùng đóng với họ.
Nghị định 115 quy định, những đối tượng còn lại được chia làm hai nhóm là nhóm trước kia đã tham gia BHXH rồi thì họ sẽ đóng 22% trên mức đóng BHXH trước đó họ đã đóng. Đối với người lao động chưa tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% hai lần mức lương cơ sở.
Mức đóng trên là khá cao đối với người lao động làm việc ở nước ngoài. Hiện tại với BHXH bắt buộc trong doanh nghiệp, mỗi người tham gia BHXH phải đóng 26% lương ghi trong hợp đồng nhưng doanh nghiệp đã đóng 18%, người lao động chỉ đóng 8%.
Về phương thức thu, theo quy định họ có thể đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi người lao động đi hoặc qua các doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp tuyển dụng đưa lao động. Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì các đơn vị này thu, nộp BHXH của người lao động cho cơ quan BHXH và đăng ký phương thức thu cho cơ quan này với mức đóng trước là ba tháng, sáu tháng hoặc một năm, đây cũng là đơn vị giữ sổ BHXH của người lao động. Sau khi lao động hết hạn hợp đồng về nước, nếu thời gian trước đó chưa đóng đủ họ sẽ phải đóng bù số tiền còn chưa đóng và chốt sổ cho thời gian đã đóng BHXH cũng như thanh lý hợp đồng với đơn vị đưa đi.
Theo ông Tân, quy định này sẽ mở rộng hơn đối tượng tham gia vì hàng năm có tới 80.000 đến 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm tới 10% số lao động mới tham gia BHXH. Đồng thời, quy định này cũng đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn vì khi trở về nước, người lao động sẽ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu.
Cũng theo ông Tân, khi đóng BHXH bắt buộc, lao động làm việc ở nước ngoài được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi BHXH mà họ đóng ở nước ngoài là các chế độ về tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, thai sản… Do đó, hai loại BHXH này có tính chất bổ sung cho nhau.
Người lao động ngán ngại
Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, tức chỉ còn chưa đầy một tháng nữa nhưng tới nay nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra băn khoăn về việc thực hiện. Giám đốc một công ty dịch vụ đề nghị giấu tên cho biết khoảng năm 2008-2009 đã có quy định này nhưng sau đó doanh nghiệp và người lao động phản đối nên phải dừng áp dụng.
Theo vị giám đốc này, doanh nghiệp không ngại phát sinh bộ máy hoặc chi phí để thu hộ người lao động nhưng liệu người lao động có chịu đóng thêm một khoản chi phí trong số rất nhiều chi phí họ phải đóng để đi lao động nước ngoài. Nếu không đóng thì họ có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài không. Doanh nghiệp không thu đủ BHXH cho hàng ngàn lao động mỗi năm đi làm việc ở nước ngoài thì có bị phạt hay không…
“Trước đây, doanh nghiệp đã phải thu hộ người lao động nhưng không thu đủ nên bị cơ quan thuế, kiểm toán nhà nước và nhiều cơ quan liên quan kiểm tra, xử phạt. Sau đó quy định này phải bỏ, không hiểu sao giờ lại thực hiện”, vị giám đốc trên thắc mắc.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu lao động, người lao động làm việc ở nước ngoài cùng với doanh nghiệp phía bên kia đã phải đóng một khoản phí BHXH rất cao, giờ đóng thêm nữa sẽ ảnh hưởng đến sức chịu đựng của họ khi mà 90% người lao động đi làm việc ở nước ngoài là người nghèo.
Anh Nguyễn Văn Liệu, quê ở Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, người đang đi lao động ở Hàn Quốc theo một công ty dịch vụ, nói rằng đi xuất khẩu lao động phải chịu tốn nhiều chi phí ngoài hợp đồng, trung bình 13.000-14.000 đô la Mỹ, vì vậy thêm bất kỳ một khoản phí nào cũng là thêm gánh nặng. Mặt khác, khi trở về nước sau khoảng bốn năm làm việc, nếu như thuận lợi thì chuyện phải đóng bù BHXH với khoảng gần 24 triệu không là vấn đề, nhưng nếu công việc không thuận lợi, không trả được nợ ngân hàng, thì người lao động cũng không có tiền để đóng khoản BHXH còn nợ.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, luật sư điều hành hãng luật Giải Phóng, cho hay khi mới nghe quy định này được báo chí đăng tải, người lao động có ý định hoặc đang làm thủ tục đi xuất khẩu lao động đều bất ngờ. Vì bản thân họ khi làm việc trong doanh nghiệp ở nước ngoài, họ phải đóng bảo hiểm và được hưởng quyền lợi theo pháp luật của nước sở tại. Ngoài ra còn nhiều băn khoăn khác như thủ tục thu nộp, mức lương làm căn cứ đóng BHXH, quy trình chi trả chế độ... sẽ như thế nào khi người lao động trong tình trạng “một cảnh hai quê”.
Mặt khác, theo luật sư Hưng, quy định trong Nghị định 115 chưa thật cụ thể chi tiết các hồ sơ, thủ tục, biểu mẫu để thực hiện, nên nếu tại thời điểm có hiệu lực, ngày 1-1-2016 tới đây, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thì thật khó thực hiện.