Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Đồng Nai muốn thúc đẩy du lịch nông nghiệp

(SGTT) – Đồng Nai đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nắm bắt kịp thời xu hướng người dân ở các đô thị mong muốn tìm về với thiên nhiên để thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng và đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Những vựa trái cây nổi tiếng

Đồng Nai sở hữu diện tích cây ăn quả lớn nhất vùng Đông Nam Bộ với những vựa trái cây nổi tiếng tại TP Long Khánh và các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc… Với những điều kiện tự nhiên đó, Ðồng Nai tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững.

Nhiều địa phương ở đây đã chuyên canh với vườn cây từ vài trăm đến hàng ngàn héc-ta, đầy đủ các loại như mãng cầu, bưởi, cam, quýt, sầu riêng… Đó là điều kiện thích hợp để Ðồng Nai vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách.

Ở huyện Tân Phú, các xã Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh do phù sa màu mỡ, nước tưới quanh năm, thích hợp cho các loại cây có múi như quýt đường, cam sành, ca cao, bưởi da xanh lòng đào, bưởi lông hồng…

Vùng đất đá núi lửa cổ, như Phú Lộc, Phú Thịnh… thì thích hợp cho các loại cây như mãng cầu; hay vùng đồi núi ở Phú Trung, Phú Sơn, Phú An, được chọn để trồng cây sầu riêng.

Tân Phú vẫn coi trọng việc phát triển vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, chủ động thị trường tiêu thụ cho cây ăn trái. Ngoài việc bảo vệ, chăm sóc những loại cây ăn trái đã nổi tiếng, Tân Phú chủ trương đa dạng hóa các loại cây trồng, tránh độc canh gây rủi ro cao.

Du khách tham quan vườn ca cao Tà Lài, xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai. Ảnh: Nam Sơn

Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện Tân Phú đang có những giải pháp mang tính bứt phá như xây dựng thương hiệu cho một số loại trái cây đặc sản của địa phương, đồng thời tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức của bà con nông dân cũng như các nhà doanh nghiệp, cập nhật một cách thường xuyên, chính xác về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao trình độ sản xuất cây ăn trái trong vùng.

Trong khi đó, tại cù lao Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu lại nổi tiếng với đặc sản bưởi đường lá cam. Nhiều nhà vườn đã đầu tư mở các khu du lịch sinh thái, quán ăn miệt vườn phục vụ du khách. Ghé thăm nơi đây, du khách sẽ bước vào thế giới bạt ngàn cây bưởi, nhà nào cũng có vườn bưởi xanh tốt, trĩu quả. Người dân cũng sáng tạo nhiều sản phẩm từ bưởi để phục vụ du lịch rượu bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi, nem bưởi, trà sữa bưởi, gỏi bưởi…

Xã Bình Lộc được xem là vựa trái cây lớn nhất thành phố Long Khánh, với trái cây đặc trưng là chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. Nơi đây còn là mô hình điểm của tỉnh Ðồng Nai trong xây dựng thành công làng du lịch vườn kiểu mẫu. Ở đây không chỉ có các hộ dân làm du lịch mà nông dân cả xã cùng liên kết làm du lịch.

Nhờ làm du lịch mà Bình Lộc từ một xã còn nhiều khó khăn đã chuyển biến tích cực. Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp hai, ba lần so với trước. Các sản phẩm nông nghiệp ở đây được sản xuất theo chuẩn VietGAP hoặc theo các hướng dẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe.

Tinh thần vượt khó

Trên thế giới, du lịch nông nghiệp đã phát triển từ rất lâu. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, du lịch nông nghiệp đã góp phần mang lại thu nhập cho dân cư nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn… ở Italy, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ…

Ở Đồng Nai, chính quyền địa phương cũng đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ đột phá, để khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả sớm đưa du lịch tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng cũng là một thách thức với Đồng Nai.

Kế hoạch số 118-KH/TU năm 2017 của Tỉnh ủy Đồng Nai nhằm phát triển du lịch và đưa du lịch Đồng Nai thành ngành kinh tế quan trọng, cũng đã được khởi động hơn 5 năm qua, trong đó, du lịch nông nghiệp đóng một vai trò then chốt.

Quá trình hình thành, phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai với nhiều dấu ấn đậm nét của đất và người phương Nam đã tạo nên những di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc, địa danh lịch sử nổi tiếng.

Nhưng dù đã gặt hái được những thành công nhất định, song du lịch Đồng Nai vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề nguồn vốn, nhân lực, cơ sở hạ tầng và bài toán cơ chế chính sách.

Người dân Đồng Nai chăm sóc vườn trái cây. Ảnh: Văn Thanh

Theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Nai, đây là cái khó chung của các địa phương vì thực tế không có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ cho chuyển đổi đất nông nghiệp làm du lịch. Ngành du lịch Đồng Nai cần phải tìm những giải pháp phù hợp, cùng bà con tháo gỡ khó khăn.

Ðồng Nai cũng đã tổ chức nhiều chuyến học tập kinh nghiệm ở các địa phương có mô hình du lịch nông nghiệp phát triển, sau đó xây dựng cơ chế riêng cho du lịch ở địa phương. Tỉnh còn hướng đến việc xây dựng các mô hình mẫu trong phát triển du lịch nông nghiệp, như hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ở xã Bình Lộc, Xuân Lập…

Việc tập hợp các thành viên liên kết làm du lịch đã bước đầu tạo được hiệu quả, bình quân mỗi nhà vườn ở đây có thể đón 500 khách/ngày. Kinh tế vườn kết hợp làm du lịch giúp chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người dân Nhà Bè thức đêm làm du lịch

0
(SGTT) - Không huyên náo như tại trung tâm TPHCM, về huyện Nhà Bè ban đêm rất êm ắng, thanh bình, tưởng chẳng có...

Rác thải nhựa làm khổ doanh nghiệp du lịch

0
(SGTT) - "Có một thực tế không muốn nói ra nhưng vẫn phải nói, chúng tôi đã từng bước hạn chế chất thải nhựa...

Cùng doanh nghiệp lữ hành định hình ‘du lịch có trách...

0
(SGTT) - “Được cho là ‘ngành công nghiệp không khói’ nhưng du lịch vẫn có thể xấu đến môi trường tự nhiên. Rác thải,...

Ngắm đồng lúa Tà Lài qua góc máy từ trên cao

0
(SGTT) – Đồng lúa Tà Lài nằm cạnh Vườn quốc gia Cát Tiên, điểm nhấn của nơi đây là hàng trăm cây dầu mọc...

Diêm dân bắt tay làm du lịch nơi ấp đảo Thiềng...

0
(SGTT) – Với sự “bắt tay” giữa nghề làm muối truyền thống và phát triển du lịch cộng đồng, năm 2023, ấp đảo Thiềng...

Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh...

0
(SGTT) - "Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành" là chủ đề của gặp gỡ và tọa...

Kết nối