Covid-19 có thể cản bước chân người đi du lịch mùa này nhưng không phải là mãi mãi. Nếu có lúc nào đó đến Gia Lai và Kontum, bạn sẽ được ngắm “đôi mắt Pleiku”, đi giữa rừng thông cổ, khám phá văn hóa nhà mồ trong không khí se lạnh của mùa Xuân là một trải nghiệm thú vị cho bạn, đặc biệt là những ai muốn sống gần với thiên nhiên.
Trưa ngày thứ Năm, tôi tháp tùng cùng đoàn doanh nghiệp du lịch rời Đà Nẵng đến thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) trên chuyến bay do Bamboo Airways khai thác để tham gia khảo sát. Sau khi nhận phòng, chúng tôi đi tham quan rừng thông cổ cách trung tâm thành phố Pleiku hơn 20km.
Được nhiều người đặt cho cái tên “Con đường tình yêu – love street”, con đường tại xã Nghĩa Hưng, nơi có hàng thông trăm tuổi tuyệt đẹp, được coi là con đường đẹp nhất phố núi Gia Lai. Đi bộ giữa hàng thông cổ thụ với quãng đường chưa đầy 1km và chụp hình “check-in” cùng những tia nắng rọi qua hàng cây là một điều thú vị.
Một nhóm trong đoàn sau đó tách ra, đi vào đồi chè xanh ngát bên trái con đường để tham quan. Bỏ giầy, đi chân trần trên đất, hái chè, chụp hình mang lại cho chúng tôi cảm giác như về lại với vùng quê, thiên nhiên xanh mát. Được biết nơi đây là những đồn điền chè đầu tiên của tỉnh Gia Lai có từ thời Pháp thuộc.
Sau khi tạm dừng chân ở quán nước ven đường nằm cạnh con đường và lối vào của một đồi chè khác, chúng tôi tiếp tục đi bộ đến thăm ngôi chùa Bửu Minh nằm cuối con đường thông trăm tuổi, bao quanh là những nương chè và cà phê. Đây là một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây dựng ở Gia Lai.
Đây là điểm thiên nhiên xanh đầu tiên của chúng tôi trong hành trình bốn ngày ba đêm khảo sát du lịch Gia Lai và Kontum.
Ngày thứ hai, chúng tôi đến thị trấn Măng Đen, nằm ở phía nam huyện Kon Plông, tỉnh Kontum, trên cao nguyên Măng Đen, ở độ cao khoảng 1.200 mét so với mực nước biển. Xen lẫn trong hành trình khảo dịch vụ lưu trú tại đây, chúng tôi có đi bộ đến hồ Đắk Ke, có tên gốc là Hồ Toong Rơ Poong, diện tích khoảng 3 ha. Đây là một hồ nằm trong truyền thuyết Bảy hồ ba thác của Măng Đen. Dạo chơi quanh hồ dưới tiết trời mát mẻ và rừng thông là một cảm giác thú vị.
Với thời tiết mát mẻ, Măng Đen có nhiều điều kiện để phát triển những nông trại nông nghiệp. Ê Ban Farm là một trong những nơi như vậy, các bạn có thể đến đây để tham quan tìm hiểu về các quy trình sản xuất cũng như có những bức ảnh tuyệt đẹp giữa thiên nhiên. Ê Ban Farm nằm ở xã Măng Cành, sau khi tới thác Pa Sỹ, chúng tôi đi thêm khoảng 1 km nữa là tới. Ê Ban Farm rộng chừng 30ha, ôm trọn hai phía sườn một ngọn đồi dài, tiếp giáp khoảnh rừng nguyên sinh trập trùng.
Vào ngày thứ ba, chúng tôi quay lại Pleiku để khám phá “đôi mắt Pleiku” – Biển Hồ - trước khi quay lại Đà Nẵng vào chiều Chủ Nhật.
Biển Hồ Pleiku hay còn được gọi với những tên gọi khác là Biển Hồ, hồ T’Nưng… gồm hai hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ tạo cho khách tham quan có thể nhìn được toàn cảnh Biển Hồ.
Con đường xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn thông xanh mát mắt. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ. Nơi đây trước kia là đài vọng để du khách ngắm Biển Hồ.
Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế năm 2018, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn vì nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan, ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng Phật.
Xen kẽ những điểm đến xanh mát của núi rừng Tây Nguyên trong chuyến đi này, chúng tôi được dẫn đi thăm một số điểm văn hóa, du lịch tại Gia Lai và Kontum, trong đó đặc biệt là khu nhà mồ Làng Kep và nhà thờ gỗ.
Theo chị hướng dẫn viên, ai muốn biết sâu về văn hóa, phong tục của người dân tộc trên này (chủ yếu là người Jrai) thì hãy đến nhà mồ.
Bước vào khu nhà mồ làng Kep (huyện Chư păh) điều làm chúng tôi ấn tượng là những bức tượng với nhiều hình dạng khác nhau từ những hình người ngồi ôm lấy khuôn mặt trầm mặc, u uất, tượng người phụ nữ mang bầu, tượng mẹ địu con đến những bức tượng tạc sự giao hợp của nam nữ với bộ phận sinh dục được phóng đại rất đặc sắc. Theo quan niệm của người Jrai cái chết không phải là chấm hết mà là bắt đầu của sự sống, và để bắt đầu sự sống thì việc giao hoan nam nữ chính là sự ươm mầm vì vậy xung quanh nhà mồ của đồng bào Jrai sẽ có những bức tượng ghi lại sự giao hoan nam nữ, cùng với tượng phụ nữ mang bầu hay tượng phụ nữ địu con.
Tại mỗi khu nhà mồ nơi đây đều khắc năm chôn và năm bỏ mã (thường kéo dài chín năm). Theo phong tục người nơi đây, sau khi làm lễ bỏ mã (thường làm tiệc rất lớn), người chết đã được thoát tục, vì vậy mã sẽ được đập bỏ và không ai chăm sóc nữa. Tuy nhiên trước đó, người chết linh hồn sẽ thành ma (atau). Họ cũng cần đồ ăn, cần áo mặc, cần rượu uống, cần của cải nên phải đưa cơm cho họ hàng ngày, mình ăn gì thì cho người chết ăn đó, đồ ăn và rượu được bỏ vào một ống thống xuống huyệt mộ, đến chiều tối người nhà lại ra khu nhà mồ để quét dọn, để nói chuyện, hàng tháng phải ra uống rượu với người chết một lần.
Nếu văn hóa nhà mồ làm tôi trầm trồ về sự độc đáo của văn hóa bao nhiêu thì nhà thờ gỗ và nhà máy thủy điện Yaly làm tôi ngạc nhiên về kiến trúc bấy nhiêu.
Nhà thờ chính tòa Kon Tum hay còn được gọi là nhà thờ Gỗ Kontum, nằm ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1913 do các linh mục người Pháp khởi xướng, hiện nay dùng làm nhà thờ chính tòa, nơi đặt ngai tòa của vị giám mục giáo phận Kon Tum.
Nhà thờ này theo kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na – sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên Việt Nam. Điểm đặc biệt nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ nằm trong một không gian thoáng đãng.
Chụp hình với từng nét kiến trúc của nhà thờ “tiêu tốn” của chúng tôi nửa ngày vì theo các thành viên trong đoàn là “góc nào cũng đẹp, lạ từ trong ra ngoài”.
Lần đầu tiên đến với thủy điện Yaly cũng khiến tôi ngỡ ngàn không kém.
Bên dòng sông Sê San rộng lớn quanh năm nước chảy dạt dào, chính là công trình thủy điện Yaly, thuộc địa bàn xã Yaly, huyện Chư Pah. Yaly chính là công trình thủy điện lớn thứ hai của nước ta, chỉ sau thủy điện Sông Đà. Được xây dựng vào năm 1993, sau ba năm nhà máy đi vào hoạt động và trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên.
Và trong những năm gần đây, Yaly không chỉ là công trình công nghiệp mà còn là nơi tham quan của du khách.
Con đường đi đến đập thủy điện rất đẹp. Chúng tôi được ngắm nhìn núi đồi trập trùng, cao nguyên bát ngát, xen lẫn với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Đặc biệt là cảnh đẹp nên thơ của sông Sê San. Từ cổng chính của nhà máy, có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn toàn cảnh hồ chứa nước rộng lớn.
Đi bộ tham quan dưới lòng đất là điều đặc biệt. Thực chất đây là con đường ngầm dài tới 600 mét xuyên qua lòng núi của công trình thủy điện hiện đại này. Dưới lòng đất là gian máy ngầm, chính là nơi đặt bốn tổ máy khổng lồ cùng hệ thống quạt thông gió hoạt động suốt ngày đêm.
Chuyến đi về với thiên nhiên cao nguyên này có đôi chút tiếc nuối trong tôi vì không thể lên đỉnh núi Hàm Rồng (Giai Lai) để được ngắm toàn cảnh thành phố Pleiku. Con đường dốc, hẹp với hàng thông già hai bên cùng không khí se lạnh làm chúng tôi vô cùng sảng khoái. Thật đáng tiếc, chúng tôi chỉ lên giữa đường phải quay xuống vì hiện nay đây là khu vực cấm, không cho người dân lên đỉnh.
Hẹn Gia Lai và Kontum chuyến đi lần sau vì còn một vài điểm chưa khám phá như miệng núi lửa Chư Đăng Ya và đồi sâm Ngọc Linh chẳng hạn.
Độc đáo Gỏi lá
Gỏi lá được ví như tinh hoa của Tây Nguyên với gần 60 loại lá mọc trên vùng đất đỏ bazan. Món ăn mang đậm chất núi rừng khi trong mâm Gỏi lá, như tên gọi của nó toàn lá là lá.
Nguyên liệu chính là lá rừng nên người thu gom phải vào sâu trong rừng từ sáng sớm để kiếm được các loài lá mà chỉ rừng nơi đây mới có như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, từ đại bi. Ngoài các vị lá rừng, mâm Gỏi lá còn có thêm các loại lá dễ kiếm hơn như chùm ruột, ngũ gia bì, lá sung, lá ổi, lá xoài, đinh lăng, càng cua, tía tô, lá mơ, lá cải.
Gỏi lá ăn chung với thịt ba chỉ thái mỏng, sao cho mỡ và thịt vừa đủ, không quá ngấy. Tôm đất được cắt đầu rang vàng khô vừa mềm. Món bì heo được đặc chế vô cùng công phu khi được thái sợi trộn với riềng giã mịn và gia vị. Phải có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên, loại ớt xanh có mùi thơm đặc trưng của đất đỏ bazan.
Điểm nhấn của món Gỏi lá này là nước chấm. Nước chấm món Gỏi lá không phải nước mắm hay nước tương thông thường mà được đặc chế từ hèm rượu.
Nhân Tâm
Theo TBKTSG Online