Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Đổ xô trồng nấm linh chi

Nguyễn Quyên

Nhu cầu sử dụng linh chi trên thị trường khá lớn đang khiến nhiều doanh nghiệp và các hộ dân đổ xô đầu tư trồng loại nấm dược liệu này.

Thị trường tiềm năng

Tại một hội nghị về nghiên cứu và ứng dụng nấm ở khu vực phía Nam mới đây, ông Cổ Đức Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Linh chi Vina – Trung tâm Nghiên cứu linh chi và nấm dược liệu, cho biết linh chi là một trong bốn loại nấm đang được sản xuất nhiều nhất tại Việt Nam. Ba loại còn lại là nấm rơm, nấm mèo và bào ngư.

Nấm linh chi là loại thảo dược quý, có công dụng điều trị bệnh nên nhu cầu thị trường ngày càng cao, giá bán từ 450.000 đồng đến 3 triệu đồng/kg. Từ năm 2000 đến nay, lượng nấm linh chi tiêu thụ đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Trong khi đó, ước tính Việt Nam đang sản xuất được khoảng 300 tấn linh chi/năm. Do trong nước không đủ đáp ứng, Việt Nam đang phải sử dụng nấm nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ông Trọng dự báo trong những năm tới nhu cầu tiêu thụ nấm linh chi đạt ít nhất 500 tấn/năm và tăng trưởng khoảng 25%/năm. “Thị trường tiềm năng nên nhiều doanh nghiệp và người dân đang chạy đua đầu tư trồng nấm linh chi”, ông nói.

TS. Đàm Sao Mai, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đang kiểm tra chất lượng nấm linh chi . Ảnh: Thành Hoa
TS. Đàm Sao Mai, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đang kiểm tra chất lượng nấm linh chi . Ảnh: Thành Hoa

Tại TPHCM, huyện Củ Chi là nơi có nhiều trang trại trồng nấm nhất. Ông Võ Trung Âu, cố vấn kỹ thuật cho Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ sinh học Mai Liên (quận Gò Vấp), cho biết công ty có hai trại nấm tại Củ Chi với diện tích gần 6.000 m2. Hiện nay mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường khoảng 200-300 kg nấm khô thông qua các siêu thị, đại lý và bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng. “Chúng tôi cũng đang phân tích mẫu nấm để đàm phán cung cấp cho các công ty sản xuất dược”, ông Âu nói.

Bên cạnh đó, Mai Liên còn cung cấp phôi nấm và hướng dẫn cách trồng cho người dân. Trung bình mỗi tháng công ty cung cấp 100.000-200.000 bịch phôi nấm cho nông dân huyện Củ Chi và các tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang, Đồng Nai, Long An.

Từ niềm đam mê, ông Lê Nguyễn Kháng, hiện là phụ trách kỹ thuật của Công ty cổ phần Sinh học Nấm Việt, trước đó đã bỏ công việc quản lý sản xuất bột ngọt và mì ăn liền tại một công ty để về Củ Chi trồng nấm. Tính đến nay, ông đã có tám năm gắn bó với nghề này.

Theo ông Kháng, xu hướng trồng nấm linh chi đang lan rộng ở các tỉnh miền Tây. Nấm Việt hiện đang sở hữu 20 trang trại nấm, bao gồm 15 trang trại trồng và năm trang trại ủ. Ước tính, mỗi tuần công ty sản xuất khoảng 10.000 phôi nấm mới đủ trồng trong các trang trại của mình và bán cho nông dân. “Đặt mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, hiện chúng tôi đang liên kết với một số hợp tác xã để trồng nấm và bao tiêu sản phẩm cho nông dân”, ông Kháng nói.

Trong khi đó, ông Trọng cho biết công ty của ông có một trang trại rộng 100.000 m2 tại Bình Dương. Mỗi năm trang trại này cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn nấm linh chi. Bên cạnh tiêu thụ trong nước, công ty còn xuất khẩu sang thị trường Nhật và một số nước khác nhưng số lượng còn hạn chế.

Lo ngại đầu tư kiểu phong trào

Đề cập những khó khăn của nghề trồng nấm, ông Âu cho biết các doanh nghiệp nhỏ muốn đưa hàng vào các siêu thị thì phải chiết khấu 40% trên giá sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải trả thêm chi phí thuê gian hàng. Khi siêu thị có chương trình khuyến mãi, doanh nghiệp bắt buộc phải giảm giá sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề doanh nghiệp lo ngại nhất, theo ông Âu, là tiền bán hàng không được siêu thị trả ngay mà gối đầu từ tháng này qua tháng khác.

Ông Trọng cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp và người trồng nấm ngày càng nhiều trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu chỉ là bán lẻ. Hơn nữa, nhiều người đang trồng nấm theo phong trào, không chú ý đầy đủ các điều kiện để nấm phát triển tốt. Trong khi đó, muốn trồng một loại nấm dùng làm thuốc như linh chi thì đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Trọng, đang có khá nhiều công ty sản xuất nấm linh chi nhưng không phải đơn vị nào cũng tự xây dựng được quy trình trồng nấm mà chủ yếu là chuyển giao công nghệ từ một số cơ quan nghiên cứu hoặc doanh nghiệp đi trước. Vì thế, trong quá trình trồng nấm, nếu giống bị thoái hóa, sâu bệnh gây hại… thì các đơn vị này không xử lý được, khiến năng suất lẫn chất lượng sản phẩm bị sụt giảm. Đây là lý do các doanh nghiệp này chưa thể cung cấp sản phẩm cho các công ty dược bởi việc sản xuất thuốc từ linh chi đòi hỏi nguồn cung cấp nguyên liệu lớn, chất lượng đồng nhất và ổn định.

Ngoài ra, do nấm Trung Quốc rất rẻ, giá chỉ khoảng 200.000-250.000 đồng/kg nên một số công ty nhập nấm linh chi Trung Quốc về rồi gắn nhãn mác của mình lên để bán khiến người tiêu dùng bị mất niềm tin. Và chính điều này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp có quy trình trồng nấm bài bản.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối