Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Điện mặt trời bắt đầu “sáng” hơn

CHÍNH PHONG –

Ngay sau khi cất xong căn nhà tại đường Nhất Chi Mai (quận Tân Bình, TPHCM) năm 1997, ông Trịnh Quang Dũng đã cho lắp những tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên trên mái nhà. Sau vài lần lắp thêm nữa, tổng công suất các tấm pin mặt trời nhà ông Dũng hiện tại là 2 kWp, mỗi ngày sản xuất ra khoảng 8 kWh điện (hệ thống không còn mới), tức là mỗi tháng ông có 240 kWh điện để dùng từ nguồn “của nhà trồng được”.

Giá lắp đặt đã “mềm” hơn

IMG_0164Tại TPHCM, hiện các hộ dân đầu tư hệ thống điện mặt trời để sử dụng và đưa lên lưới được hỗ trợ 2.000 đồng/kWh.

“Nhà tôi không bao giờ thiếu điện. Khi điện lưới cúp, tôi vẫn có điện để dùng”, ông Dũng nói, “Nếu tôi đầu tư thêm chút nữa thì tôi không những hoàn toàn tự chủ về nguồn điện, mà còn dư điện để bán lại cho Nhà nước nữa!”.

Là người lâu năm làm việc tại phòng phát triển điện mặt trời của Phân viện Vật lý, có thể nói ông Dũng là một trong những người đầu tiên dùng điện mặt trời ở TPHCM. “Ngày trước, hệ thống pin mặt trời có giá khá đắt nên nhìn vào giá nhiều người còn dè dặt khi quyết định đầu tư. Nhưng giờ giá pin mặt trời đã rẻ đi rất nhiều, hộ gia đình nào cũng có thể đầu tư để sử dụng lâu dài”, ông Dũng cho biết.

Hiện tại, trên thị trường có nhiều công ty cung cấp và lắp đặt hệ thống điện mặt trời, bao gồm các tấm pin năng lượng mặt trời, hệ thống chuyển đổi dòng một chiều thành hai chiều, các thiết bị tích điện như ắc-quy hay bộ lưu điện UPS. “Giá đầu tư hệ thống điện mặt trời hiện nay đã ở mức rất cạnh tranh, chúng tôi cam kết lắp đặt 1 Wp chỉ hết 17.500 đồng”, ông Lê Văn Tùng, phụ trách phòng kinh doanh Công ty VES Solar nói.

Với giá nêu trên, VES Solar sử dụng pin mặt trời nhập từ Trung Quốc. Nếu dùng nguồn pin mặt trời nhập từ Đài Loan thì giá vào khoảng 30.000 đồng cho 1 Wp, còn dùng loại đắt tiền của Nhật Bản hay Đức thì đơn giá có thể lên đến 60.000 đồng cho 1 Wp. Ông Thành Đạt, phụ trách phòng dự án tại Công ty Vũ Phong, cho biết công ty ông chủ yếu hoạt động ở phân khúc tầm trung, lắp đặt pin mặt trời ở mức 30.000 đồng cho 1 Wp.

Theo ông Đạt, ngày càng có nhiều nhà biệt thự ở các khu đô thị mới lắp hệ thống điện mặt trời như một giải pháp dự phòng, một phần khác là tiết kiệm tiền điện lưới. Khi mất điện, họ không phải vận hành hệ thống máy phát điện chạy dầu rất ồn mà vẫn có điện sử dụng. “Với các văn phòng công sở, sử dụng điện mặt trời còn hiệu quả hơn, vì điện lưới họ dùng phải trả tiền theo giá điện sản xuất. Mặt khác, các văn phòng chủ yếu sử dụng điện vào ban ngày nên điện sản xuất ra lập tức được đưa vào tải sử dụng, hao hụt điện năng do quá trình lưu trữ không lớn”, ông Đạt cho biết thêm.

Công ty Vũ Phong tham gia nhiều dự án trên khắp cả nước, bên cạnh các dự án ở vùng sâu vùng xa là các dự án nhà dân, nhà máy, các trụ đèn đường. Họ còn nhập pin mặt trời sản xuất các sản phẩm bán ra thị trường như máy phát điện cầm tay, đèn cầm tay, hệ thống bơm nước dùng trực tiếp năng lượng mặt trời…

Đa phần các doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt hệ thống điện mặt trời hiện nay nhập pin mặt trời từ nước ngoài, và cũng có một vài doanh nghiệp nhập tế bào quang điện (solar cell) về để sản xuất pin mặt trời (solar panel).

“Song, Việt Nam chỉ được thừa nhận là quốc gia điện mặt trời một khi sản xuất được tế bào quang điện”, kỹ sư Trịnh Quang Dũng nhấn mạnh. Dự án phát triển điện mặt trời UNDP Việt Nam mà ông là thành viên đang nghiên cứu sản xuất tế bào quang điện.

Lợi từ nhiều phía

Là một người làm trong lĩnh vực điện mặt trời từ những năm 1990, ông Dũng cho rằng Việt Nam đi chậm so với ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này. Thái Lan đã phát triển mạnh điện mặt trời ngay từ năm 1990, đến nay sản lượng điện họ sản xuất hàng năm trong cả lĩnh vực nhà nước, tư nhân, dân sự là khoảng 1.300 MWp, gấp 100 lần so với Việt Nam. Thái Lan cũng như các nước trên thế giới đều có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển điện mặt trời bởi đây là năng lượng sạch, năng lượng của tương lai.

Nhưng, theo ông Dũng, triển vọng điện mặt trời tới đây của Việt Nam có thể sáng hơn khi tự sản xuất được tế bào quang điện, cộng với các cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời. Chính phủ đang có dự thảo quyết định về cơ chế hỗ trợ này, theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc các đơn vị thành viên được ủy quyền có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới; khi tổ chức, cá nhân sản xuất điện mặt trời có nhu cầu đấu nối vào lưới điện của EVN và có văn bản đề nghị bán điện thì trong hai tuần, bên mua phải tiến hành ký kết hợp đồng…

Tại TPHCM, các hộ dân dùng điện mặt trời được hỗ trợ theo chương trình thí điểm điện mặt trời do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố triển khai. Các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời khi đăng ký chương trình sẽ được nhân viên kỹ thuật hỗ trợ gắn thiết bị đo đếm, nối với hệ thống lưới điện. Với công suất từ nguồn điện do người dân đầu tư, cho dù có đủ sử dụng hay dư để đưa lên lưới đều được hỗ trợ 2.000 đồng/kWh. Ông Diệp Thế Cường, phụ trách phòng năng lượng mới của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho biết đến nay đã có gần 1.000 kWp được đấu nối lưới.

[box type=”download”] Để tính toán công suất pin mặt trời, người ta dùng đơn vị watt peak (Wp), và cao hơn là kWp = 1.000 Wp. Lượng Wp mà pin mặt trời tạo ra tùy thuộc vào khí hậu của từng vùng trên thế giới. Cùng một tấm pin mặt trời nhưng đặt ở nơi này thì mức độ hấp thu năng lượng sẽ khác với khi đặt nó nơi khác.

Để thiết kế chính xác, người ta phải khảo sát từng vùng và đưa ra một hệ số gọi là “panel generation factor”, tức là hệ số phát điện của pin mặt trời. Hệ số phát điện của pin mặt trời trung bình của Việt Nam là khoảng 4,58 kWh/m²/ngày, của TPHCM là 5,20 kWh/m²/ngày, của Hà Nội là 3,84 kWh/m²/ngày, của Đà Nẵng là 4,88 kWh/m²/ngày.

Muốn có 10 kWh điện sinh hoạt mỗi ngày, phải lắp đặt một hệ thống pin mặt trời cung cấp được 10 x 1,3 = 13 kWh (1,3 là hệ số an toàn khi xét đến hao tổn điện trên hệ thống). Nếu tại TPHCM, để tạo ra 13 kWh mỗi ngày cần có 13/5,20 = 2,5 kWp, tức là 2.500 Wp. Như vậy cần lắp 10 tấm pin mặt trời loại 250 Wp mỗi tấm. Loại tấm 250 Wp xuất xứ Đài Loan nặng 19 kg, kích thước 1,65 m x 1 m, đang có giá khoảng 4,5 triệu đồng/tấm.[/box]

Ông Lê Văn Tùng của Công ty VES Solar đưa ra phép tính, một hộ đầu tư hệ thống điện mặt trời 2 kWp hiện nay vào khoảng 50 triệu đồng sẽ tạo ra 240 kWh/tháng. Nếu hộ đó thường tiêu thụ 240 kWh/tháng, trả tiền điện vào khoảng 460.000 đồng/tháng, thì nay họ không tiêu thụ từ lưới điện nhà nước. Với cơ chế hỗ trợ 2.000 đồng/kWh thì mỗi tháng hộ dân này được hỗ trợ 480.000 đồng. Như vậy với lắp điện mặt trời, thay vì trả 460.000 đồng thì nay không phải trả mà còn được nhận 480.000 đồng, có nghĩa lãi ròng 940.000 đồng mỗi tháng. Nếu cơ chế hỗ trợ này vẫn tiếp tục thì sau bốn năm có thể hoàn vốn đầu tư cho hệ thống pin mặt trời có tuổi thọ trung bình 25-30 năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa...

0
(SGTT) - Khi đi vào hoạt động, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Người dân đổ về trung tâm TPHCM vui chơi dịp giỗ...

0
(SGTT) - Dịp giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người TPHCM đã tìm về các địa điểm ở trung tâm thành phố để vui chơi,...

Còn khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa được...

0
(SGTT) -  Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2024, cả nước còn khoảng 32.000 tỉ đồng...

Kết nối