(SGTT) – Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của doanh nghiệp còn khiêm tốn. Chuyện đi tìm giải pháp cho vấn đề này được cho là chưa có sự thay đổi lớn.
Hơn 60% số doanh nghiệp thỉnh thoảng tra cứu thông tin trên trang web của các cơ quan nhà nước. Khoảng 75% số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ít nhất một lần trong năm và phần lớn (88%) chủ yếu sử dụng dịch vụ khai báo thuế điện tử. Chỉ có 51% thực hiện đăng ký kinh doanh trực tuyến. Thậm chí, số lượng doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hải quan còn ở mức khiêm tốn: 10% (thủ tục tàu biển, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh), 10% (thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất sứ điện tử) và 17% (khai báo hải quan).
Những thông tin này được ghi nhận trong Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xuất bản mới đây qua việc khảo sát 4.256 doanh nghiệp trên cả nước.
Những con số liên quan đến DVCTT được nêu trong Bản báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố trước đó cũng cho thấy doanh nghiệp chưa mặn mà với dịch vụ này.
Còn khiêm tốn
Hơn 30% số doanh nghiệp cho biết thường xuyên tra cứu thông tin trên trang web của các cơ quan nhà nước. “Nhìn chung các tỷ lệ này trong vài năm trở lại đây chưa có sự thay đổi lớn”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, cho biết. “Điều đó phản ánh tính hiệu quả cũng như sự nhận thức về mức độ tiếp cận đối với hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trong doanh nghiệp còn chưa thực sự tốt”. Ông chia sẻ thêm nhóm doanh nghiệp lớn vẫn luôn luôn có mức quan tâm tới thông tin trên trang web của các cơ quan nhà nước hơn so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị tại một số doanh nghiệp cũng cho thấy dường như mức độ quan tâm đến DVCTT của các doanh nghiệp không cao lắm. Những doanh nghiệp như Tiki.vn, Lazada Việt Nam hay Now.vn chưa thể trả lời ngay được về việc sử dụng DVCTT.
Theo đại diện của Tập đoàn Thiên Minh (TMG), đơn vị đang sở hữu các công ty chuyên về kinh doanh du lịch và cơ sở lưu trú, cũng gặp một số trở ngại trong việc tham gia các dịch vụ công. Thậm chí, Ivivu.com, một thành viên của TMG, hiện tại chưa đăng ký và cập nhật kinh doanh điện tử. Khi nào có cập nhật thì thực hiện kê khai theo mẫu giấy và nộp trực tiếp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Trong năm 2018, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các đơn vị có thủ tục hành chính liên quan triển khai mới 15 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), cập nhật, nâng cấp 23 DVCTT thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, an toàn công nghiệp, điện…, hoàn tất xây dựng 10 DVCTT mức độ 4 thuộc lĩnh vực năng lượng, xúc tiến thương mại, lưu thông hàng hóa trong nước, xây dựng mới, nâng cấp, đưa tổng số DVCTT mức độ 3, 4 của Bộ lên 143 DVCTT trên tổng số 294 thủ tục hành chính. Các DVCTT ở mức độ này đã tiếp nhận và xử lý trên môi trường mạng tổng cộng hơn 900.000 bộ hồ sơ điện tử.
Cần dịch vụ chuyên nghiệp
Theo bà Phan Bảo Chi, Giám đốc Tiếp thị của TMG Hospitality, Ivivu.com hay các thành viên khác chủ yếu sử dụng DVCTT để làm dịch vụ kê khai thuế điện tử. “Tuy nhiên, các đơn vị vận hành dịch vụ này cần khắc phục những nhược điểm để trở nên chuyên nghiệp hơn như an toàn thông tin và đường truyền thông suốt để không gặp lỗi truy cập và bị chậm trễ vì chậm truy cập”, bà Chi nói và chia sẻ thêm các thủ tục thương mại trực tuyến cần được đơn giản hóa để doanh nghiệp không tốn quá nhiều sức cho việc kê khai.
Bà Nguyễn An Nhàn, đồng sáng lập Công ty tư vấn doanh nghiệp CoPlus, chia sẻ quan điểm các đơn vị nhà nước cung cấp DVCTT có cổng kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp sẽ là biện pháp hữu hiệu. “Một doanh nghiệp thuần túy sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn công sức cho việc tìm hiểu các vấn đề về luật cũng như cách làm hồ sơ”, bà Nhàn nói và chia sẻ thêm việc hợp tác ba bên sẽ giúp cho doanh nghiệp có được an toàn trong thực hiện thủ tục cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hợp tác cũng là giải pháp mà ông Nguyễn Thành Hưng của VECOM, nhắc đến. Ông lấy trường hợp mới đây của EMS Việt Nam và Lalamove Việt Nam làm ví dụ. Cụ thể, Tổng Công ty chuyển phát nhanh Bưu điện Việt Nam (EMS Việt Nam) và Công ty Lalamove Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược triển khai dịch vụ giao hàng nội thành siêu tốc trong hai giờ đồng hồ tại Hà Nội và TPHCM. Hai bên sẽ sử dụng các nền tảng ứng dụng, bao bồm DVCTT, để việc vận chuyển hàng hóa trở nên nhanh chóng khi các thủ tục được giải quyết nhanh.
Ông Thanh Hưng cũng cho biết ứng dụng những công nghệ mới để mở rộng, nâng cao chất lượng và tăng cường việc sử dụng dịch vụ trực tuyến là điều cần làm ngay. Trong đó, đề cao các vấn đề về an toàn, an ninh trong quá trình thiết lập tiêu chuẩn của việc cung cấp DVCTT là cần thiết.
“Giá trị của các dịch vụ công trực tuyến nói riêng và tổng thể môi trường kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam hiện nay khá minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”, ông nói. “Việc sử dụng dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm một cách đáng kể những chi phí không chính thức”.
Nhân Tâm