Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Đi dọc sông Hương, chiêm ngưỡng đền đài lăng tẩm đất cố đô

(SGTTO) – Dù trải qua bề dày lịch sử và lớp bụi thời gian, những đền đài lăng tẩm của cố đô Huế vẫn là điểm đến thu hút du khách.

Một điều trùng hợp là những công trình và cảnh đẹp ở Huế hầu hết tập trung dọc đôi bờ sông Hương. Nếu có dịp ngao du đất cố đô, bạn nên một lần đi dọc bờ sông để cảm nhận cảnh sơn thuỷ hữu tình, tìm hiểu những kiến trúc cung đình tiêu biểu cho sức sáng tạo Việt trong quá khứ.

Một điều trùng hợp là những công trình và cảnh đẹp ở cố đô Huế hầu hết tập trung dọc đôi bờ sông Hương. Ảnh: Thành Vũ
Đại Nội: trung tâm quyền lực một thời

Xây dựng trên diện tích 500 ha, Đại Nội là tên gọi chung của Hoàng thành và Tử cấm thành.

Đại Nội được xây dựng vào năm 1804 đời vua Gia Long và hoàn thành năm 1833 đời vua Minh Mạng. Ảnh: Thành Vũ

Hoàng thành có hệ thống cung điện với khoảng 147 công trình được bố trí trên một trục đối xứng, trong đó những công trình ở trục chính giữa chỉ dành cho vua.

Đây là trung tâm hành chính, chính trị, đồng thời là nơi ở, sinh hoạt của vua và hoàng gia. Ảnh: Thành Vũ

Để vào bên trong, du khách mua vé vào Ngọ Môn - cổng chính của Hoàng thành. Vừa qua cổng Ngọ Môn là hệ thống hào nước, hồ Thái Dịch và cầu Trung Đạo. Tiếp đến là sân Đại triều nghi và điện Thái Hoà - nơi tổ chức các buổi đại triều, lễ đăng quang của hoàng đế.

Phu Văn lâu

Phu Văn lâu – lầu trưng bày văn thư của triều đình - được dựng trên tả ngạn sông Hương do lệnh của vua Gia Long vào năm 1819. Đây là nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của triều đình.

Phu Văn lâu có kiến trúc hình vuông, hai tầng, quay mặt về hướng Nam, nằm trên trục chính của Hoàng thành. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế

Phía trước Phu Văn lâu là Nghinh Lương Đình, nơi vua tắm sông, hóng gió. Hai công trình này điểm xuyết vẻ cổ kính cho diện mạo kinh thành Huế nhìn từ sông Hương. Một thông tin thú vị là Phu Văn lâu được in trên mặt sau của tờ mệnh giá 50.000 đồng, phát hành năm 2003.

Lăng Gia Long

Nằm trên địa bàn xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, đường đến lăng Gia Long, còn gọi là Thiên Thọ lăng, xa xôi cách trở và khó đi. Chỉ những ai thực sự muốn đến viếng Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long Nguyễn Ánh mới bỏ công đi.

Bù lại, du khách được chiêm ngưỡng cảnh trí hoành tráng của khu lăng. Xung quanh là vùng Thiên Thọ Sơn, gồm 42 núi đồi cao thấp khác nhau giăng ra như một vòng thành tự nhiên bao bọc.

Đứng giữa nơi này nhìn ra xung quanh, người ta dễ có cảm giác trở nên nhỏ bé giữa khung cảnh tịch mịch và uy nghiêm.

Thâm nghiêm lăng Minh Mạng

Lăng vị vua thứ hai của triều Nguyễn nằm ở địa phận núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Khu lăng này nằm gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn tạo thành sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 14 km.

Lăng Minh Mạng là tổng thể kiến trúc gồm 40 công trình lớn nhỏ khác nhau. Ảnh: Thành Vũ
Đây là một trong những lăng tẩm uy nghi trong số các lăng tẩm của vua nhà Nguyễn. Ảnh: Thành Vũ
Cầu kỳ lăng Khải Định

Lăng Khải Định, vị vua áp chót của triều Nguyễn so với những lăng tẩm của các vị tiên vương trước khác nhau ở sự giao thoa và pha trộn giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Một phần có lẽ do ông có cái nhìn và sự giao du khá thoáng với người Pháp.

Sự mới mẻ ấy thể hiện qua những tấm phù điêu lộng lẫy được ghép tỉ mỉ bằng sành sứ và thuỷ tinh, những khay trà, vương miện, cùng những vật dụng hiện đại vào thời bấy giờ như vợt tennis, đèn dầu…

Nằm trên triền núi Châu Chữ, lăng Khải Định có kích thước khiêm tốn hơn so với lăng tẩm của các vị vua trước, nhưng lại được xây dựng công phu và tinh xảo trong hơn 10 năm.

Chùa Thiên Mụ cổ kính 400 năm

Được xây dựng vào năm 1601, lúc chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, mở mang bờ cõi xuống phương Nam, chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) đã hơn 400 năm soi mình xuống dòng sông Hương.

Hai công trình chính của chùa là tháp Phước Duyên và điện Đại Hùng. Tháp Phước Duyên hình bát giác gồm 7 tầng, cao 21m. Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa với kiến trúc nguy nga đồ sộ.

Với nét cổ kính và sự linh thiêng, chùa Thiên Mụ thu hút nhiều khách tham quan và Phật tử tới vãn cảnh. Chùa nằm trên đồi Hà Khê, bờ Bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 5km về hướng Tây.

Một thoáng đồi Vọng Cảnh

Toạ lạc ở phía Nam thành phố, cách trung tâm 7km, đồi Vọng Cảnh tiếp giáp bờ sông Hương là một địa điểm lý thú để ngắm Huế từ độ cao 43m.

Đến đây vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, khi từng tia nắng rọi qua những tán thông, mặt trời khuất bóng sau những dãy núi, phía dưới là dòng sông lững lờ trôi như một dải lụa, du khách sẽ phần nào cảm nhận được vẻ đẹp như tranh của xứ Huế.

Giờ tham quan quy định ở các đền đài lăng tẩm tại cố đô Huế là từ 7:00 đến 17:00, giá vé tùy nơi sẽ từ 20.000 đồng/vé trẻ em, 40.000-100.000 đồng/vé người lớn. Các lăng tẩm ở Huế với kiến trúc cổ xưa, không gian xưa cũ... gần đây còn là nơi "check-in" của nhiều bạn trẻ với những kiểu tạo hình cổ trang.

Thành Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối