Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đi bộ trên cây cầu biểu tượng San Francisco

DUY ANH –

Là một dải đất nằm nép mình bên bờ Thái Bình Dương, thành phố San Francisco thuộc “tiểu bang vàng” (The Golden State) California có nhiều thứ được ghi vào lịch sử nước Mỹ. Từ những nhóm nhạc danh tiếng thế giới như Green Day, Third Eye Blind, 4 Non Blondes, đến trào lưu văn hóa hippie vào thập niên 1960, hay khu phố Tàu cổ xưa nhất tại khu vực Bắc Mỹ… Tuy vậy, niềm tự hào nhất của San Francisco là cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) – nối liền thành phố về phía mũi Bắc của bán đảo San Francisco với hạt Marin.

Dốc nối dốc, đồi nối đồi

Được xây dựng từ năm 1933 và khánh thành bốn năm sau đó, cầu Cổng Vàng là một trong những cây cầu dây văng đầu tiên và dài nhất trên thế giới với chiều dài hơn 2,7 km. Đây được xem là một biểu tượng xuyên thời gian ở thành phố lớn có dân số đông thứ hai của Mỹ.

Cầu Cổng Vàng nhìn từ xa.
Cầu Cổng Vàng nhìn từ xa.

Để hoàn thành công trình này, người Mỹ đã tiêu tốn rất nhiều ngân sách quốc gia cũng như sức lao động trong suốt quá trình thi công. Đồng thời, nó đánh dấu một bước nhảy vọt của ngành xây dựng cầu đường Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Cầu Cổng Vàng gồm sáu làn xe bắc ngang qua vịnh San Francisco và là cửa ngõ ra Thái Bình Dương. Cây cầu còn là một phần của tuyến cao tốc U.S Route 101 nối liền nhiều tỉnh, thành phố xuyên bang California và những tiểu bang khác.

Từ trung tâm của San Francisco, có nhiều cách để đi đến cầu Cổng Vàng, nhưng tôi đón chuyến xe buýt số 38 đến trạm công viên Presidio of San Francisco – National Park Service rồi từ đó đi bộ tiếp đến cầu. Tôi leo lên một ngọn đồi cao hướng về phía Rob Hill Campground, nơi khu vực dân cư khá thưa thớt, xung quanh chủ yếu là rừng cây lá kim đặc trưng của miền ôn đới cùng không khí mát lạnh trong lành tựa như cao nguyên Lâm Viên của Việt Nam.

 

Trên cầu Cổng Vàng.
Trên cầu Cổng Vàng.

Đường dẫn lên ngọn đồi này có dốc nghiêng chừng 8 độ và tương đối dài, khiến cho người đi bộ sẽ dần cảm thấy mệt khi qua hết nửa chặng đường đầu tiên. Từ trên đây nhìn xuống là một phần rìa của thành phố San Francisco với những dãy nhà san sát nhau, cái nhô lên, cái thụp xuống uốn lượn gập ghềnh. Thành phố San Francisco xây dựng trên nhiều ngọn đồi lớn nhỏ kế tiếp nhau do đất ở nơi đây không bằng phẳng mà nhấp nhô uốn lượn. Có những con dốc với độ nghiêng lên đến 27 độ, thậm chí hơn 30 độ. Vậy mà người dân thành phố rất tài tình khi đậu xe thẳng hàng trên những con đường rất dốc như thế.

Tôi đi bộ dọc theo con đường Wedemeyer xuyên qua hết ngọn đồi rồi đến khu rừng dành cho dân cắm trại vào cuối tuần. Có một con đường đèo mang tên đại lộ Washington dẫn xuống phía bên kia đồi và ở đó người ta có thể đến được cây cầu hùng vĩ. Từ đây, tôi phóng tầm mắt nhìn những ngọn núi lớn sừng sững giữa biển khơi và xa xa kia là Thái Bình Dương mênh mông.

Tuy đặt chân đến cây cầu vĩ đại này là gần 7 giờ tối nhưng trời vẫn còn nắng. Ánh nắng cuối ngày chiếu xuống mặt nước biển óng vàng tạo nên vẻ huyền ảo đủ sức lôi cuốn lữ khách. Hết đại lộ Washington là đến đại lộ Lincoln và những con đường ngoằn ngèo uốn lượn quanh sườn núi tưởng chừng như dài vô tận. Đôi chân của tôi thực sự rã rời và không thể bước thoăn thoắt nữa sau gần một giờ đồng hồ đi bộ qua những con đường dốc. Một khúc quanh dưới chân núi đưa tôi đến cây cầu Cổng Vàng to lớn hiện ra trước mắt. Bao nhiêu mệt mỏi bỗng chốc vụt biến tan.

Sắt thép trở nên “mềm mại” trong mắt người

Mặc dù nhìn hệt như màu đỏ nhưng màu của cây cầu được gọi chính thức là màu cam đỏ và được biết đến với cái tên “quốc tế cam”. Kiến trúc sư tư vấn Irving Morning là người đã lựa chọn màu sắc cho chiếc cầu để nó phù hợp với môi trường tự nhiên xung quanh và có thể nổi bật được giữa lớp sương mù. Thật vậy, ngay giữa đại dương xanh thẳm hòa lẫn với sắc nắng vàng gay gắt mùa hè, cầu Cổng Vàng bỗng rực rỡ hẳn lên.

Hoàng hôn ở San Francisco.
Hoàng hôn ở San Francisco.

Tôi tiếp tục đi bộ để vượt qua hơn 2,7 km chiều dài cầu và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố San Francisco lãng mạn trong ánh hoàng hôn. Cây cầu được làm bằng thép với hai trụ cầu chính. Phần thân cầu được giữ với hai trụ cầu nhờ một hệ thống dây văng thép to lớn có tổng chiều dài những sợi dây thép này là 80.000 dặm. Người ta ước tính tổng độ dài này có thể quấn quanh xích đạo trái đất đến hơn bốn vòng liên tiếp. Những dầm cầu kết nối với nhau bằng 1,2 triệu đinh tán được kiểm định kỹ lưỡng để giữ cho chiếc cầu được cân bằng và vững chắc.

Hầu như ai đã từng đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu Cổng Vàng cũng đều cảm thấy thán phục những người kỹ sư, kiến trúc sư và thợ xây dựng thời bấy giờ, khi mà thuở ấy chưa có những loại máy móc hiện đại tối tân, nhưng chính bàn tay con người đã tạo nên một tuyệt tác cho thế kỷ 20.

Vịnh San Francisco nhìn từ cầu Cổng Vàng.
Vịnh San Francisco nhìn từ cầu Cổng Vàng.

Màn đêm buông xuống trên thành phố khiến cảnh vật nhìn từ cây cầu thật lãng mạn. Những tòa nhà khổng lồ giờ đã từ từ lên đèn, những đốm đèn nhỏ cứ sáng dần mỗi khi mặt trời lặn sâu vào lòng biển. Cảnh tượng ấy làm cho tôi liên tưởng đến những chú đom đóm rời khỏi tổ và tỏa sáng lấp lánh trong màn đêm.

Với tốc độ đi bộ trung bình thì người ta cũng mất xấp xỉ một giờ đồng hồ để đi hết cây cầu này. Tuy là cầu dây văng nhưng kết cấu của nó kiên cố đến nỗi khi những dòng xe chạy nườm nượp trên đường cao tốc lao vút hơn 60 km/giờ nhưng người ta không hề cảm thấy bất kỳ sự rung lắc nào phía dưới chân mình. Sang đến bờ bên kia của cây cầu, tôi đã cảm thấy thật sự mỏi nhừ vì đã đi bộ liên tục hơn hai giờ đồng hồ. Tôi quyết định bắt chuyến xe buýt số 70 để đi ngược lại trung tâm thành phố và cũng là dịp để ngắm cây cầu thêm một lần nữa. Cái tên “Cổng Vàng” là một điều gì đó rất ẩn ý mà chỉ những du khách thực sự đặt chân đến nơi đây mới có thể cảm nhận được, có lẽ không ai giống ai nhưng theo tôi đó là một điều thú vị.

Trên đường về nhà, tôi lại nhẩm theo mấy câu hát lãng mạn quen thuộc trong bài San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair) của nam ca sĩ Scott McKenzie, được phát hành vào năm 1967: “Nếu bạn tới San Francisco, hãy nhớ cài hoa lên mái tóc. Nếu tới San Francisco, bạn sẽ gặp những con người lịch thiệp ở đây. Và mùa hè ở thành phố này sẽ khắc ghi trong tim bạn…”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà nước có cần giải cứu các dự án BOT giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại tám dự án BOT giao...

Trải nghiệm trekking, cắm trại trên đồi cỏ Phước Bình

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nổi tiếng với...

Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé...

0
(SGTT) - Mùa hè 2024 sắp đến, du lịch quí 1 có nhiều khởi sắc, tăng tưởng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với món Gaeng...

0
(SGTT) – Trong nhiều món ăn truyền thống của người dân Thái Lan, Gaeng Keow Wan Kai được nhớ đến bởi từng thớ thịt...

Thái Lan: Áo thun từ vảy cá, nội thất từ gỗ...

0
(SGTT) - Gom vảy cá làm chất liệu may áo thun, thu thập những chiếc áo khoác da cũ để thiết kế giày hay...

Danh thủ Dunga, Rivaldo đến Đà Nẵng giao lưu, cùng kích...

0
(SGTT) – Trong tháng 4 này, các danh thủ Brazil nổi tiếng một thời như Dunga, Rivaldo, Lucio, Ze’ Carlos, Giovanni, Kleberson, Edmilson, Paulo...

Kết nối