Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Đến thăm cây di sản tại VQG Bù Gia Mập

(SGTT) - Trong thời gian qua, bằng những hoạt động cụ thể, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập đang tập trung phát triển du lịch sinh thái, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ, trong đó có tham quan những cây di sản thuộc quản lý của VQG.

Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Phước, phía Đông, Đông Bắc giáp với tỉnh Đắk Nông; phía Tây, Tây Bắc giáp với Campuchia. Vườn rất đa dạng về cảnh quan sinh thái và vẻ đẹp nên thơ, một số thắng cảnh quan trọng trong Vườn như Giếng Trời, thác Đak Bô, suối Đak Ca, hang Dơi, trảng Bằng Lăng, thác Lưu Ly, thác Đak Rốt…

Bên cạnh những danh lam, thắng cảnh đẹp, các loài động, thực vật rất phong phú và sự đa dạng thì nơi đây còn có nhiều nhóm người dân tộc của Việt Nam quy tụ về đây sinh sống, nhất là người bản địa M’ Nông và S’ Tiêng.

Người bản địa nơi đây có nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhiều món ăn ẩm thực truyền thống, điều này giúp cho du lịch sinh thái của VQG Bù Gia Mập có tiềm năng phát triển mạnh. Trong những năm qua, Vườn đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên và con người địa phương.

Việc công nhận cây Di sản Việt Nam tại VQG Bù Gia Mập còn có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá sự phong phú, đa dạng về hệ thực vật, các loài cây cổ thụ, quí hiếm của vườn. Ảnh: Trường Giang

Mới đây, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận 39 cây thuộc quản lý của Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập là cây di sản Việt Nam. Theo Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập, lễ trao quyết định và bằng công nhận dự kiến sẽ được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban quản lý VQG Bù Gia Mập vào cuối tháng 11-2022.

Trước đó, chương trình bảo tồn cây Di sản Việt Nam đã được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi và đã được lập chuyên mục “Bảo tồn cây Di sản” trên website của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Song song với đó, chương trình cũng được thông tin ra nước ngoài bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc.

Tạp chí Cửa sổ Văn hóa Việt Nam đã dành riêng một số chuyên đề về cây Di sản Việt Nam, đây chính là một lợi thế lớn khi cây (Sung kiêu, Tung và quần thể cây Bằng lăng) tại VQG Bù Gia Mập được công nhận là cây Di sản Việt Nam giúp cho du lịch tỉnh Bình Phước nói chung và du lịch VQG Bù Gia Mập nói riêng được quảng bá mạnh mẽ hơn nữa tới công chúng trong nước cũng như cộng đồng quốc tế.

Cây tung ở VQG Bù Gia Mập. Ảnh: Trường Giang

Việc công nhận cây Di sản tại Tiểu khu 21 và Tiểu khu 27 thuộc lâm phần VQG Bù Gia Mập cũng giúp cho Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ môi trường rừng của Vườn, các Công ty lữ hành có thêm tuyến, điểm tham quan mới để giới thiệu với du khách về cảnh đẹp thiên nhiên, sự hùng vĩ, cũng như các giá trị khác của Vườn.

Đây chính là điểm nhấn tuyệt vời để thúc đẩy đông đảo du khách đến tham quan tại VQG Bù Gia Mập, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương và phát huy tốt những tiềm năng thế mạnh về những nét văn hóa riêng, đặc sắc của người S’tiêng và M’nông ở nơi đây.

Việc công nhận cây Di sản Việt Nam tại VQG Bù Gia Mập còn có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá sự phong phú, đa dạng về hệ thực vật, các loài cây cổ thụ, quý hiếm của Vườn và khu vực, cũng như việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, du khách khi đến tham quan, du lịch tại điểm đến hấp dẫn này.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định công nhận Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nằm trên địa bàn hành chính các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.Vườn có tổng diện tích 25.601,18ha, trong đó đa phần là rừng nguyên sinh và không có người dân sống trong khu vực vùng lõi, sở hữu cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Do đó, Vườn là nơi lý tưởng để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối