Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Đến Thác Bạc để nhẹ thênh tâm hồn

Nguyễn Thế Lượng-

Thác Bạc là một điểm đến còn hoang sơ nhưng đầy quyến rũ ở Sa Pa (Lào Cai). Nơi đây có phong cảnh đẹp, hữu tình, bạn có cảm giác như sống chậm lại.

Thác Bạc cách thị trấn Sa Pa 12 km về hướng tây, thuộc địa phận xã San Sả Hồ. Để đến đây, bạn đi theo tuyến đường 279 Lào Cai-Lai Châu.

Con đường dẫn vào thác Bạc khá thơ mộng. Dọc hai bên đường đi, bên phải là những triền núi cao sừng sững được bao phủ bởi một màu xanh ngắt của những giàn rau su su của người dân bản địa; bên trái là một khoảng không bao la, nhìn thấy những triền hoa hồng, rau bắp cải và ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Càng đến gần thác Bạc, không khí càng mát mẻ và cảnh sắc càng hoang sơ.

DL-(4)Thác Bạc là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến Sa Pa.

Điểm dừng chân nơi thác Bạc là một hẻm núi, sát ngay con đường nhựa, nơi dòng thác chảy từ trên đỉnh núi cao cả trăm mét xuống tận chân núi. Theo cư dân bản địa, thác Bạc là dòng nước nguồn đầu tiên chảy xuống gặp hai dòng nước chảy từ nơi khác đến là dòng suối Vàng và Phìn Hồ để tạo nên San Sả Hồ (ba dòng nước hội tụ lại).

Từ chân thác đến đỉnh núi có đường mòn để du khách đi ngược lên trên, ngắm dòng thác từ nơi bắt đầu của nó. Nếu đứng từ dưới nhìn lên, bạn cảm nhận được sức mạnh của dòng thác với làn nước ào ào đổ từ trên cao, có đoạn gặp những tảng đá lớn, nước tung bọt trắng xóa rồi tỏa ra thành hai ngả. Còn nếu đứng từ trên cao nhìn xuống, thác Bạc trông mềm mại, mượt mà như một dải lụa trắng.

Cảnh sắc ở khu thác Bạc có sự kết hợp hài hòa giữa nước, thác, gió, đá, cỏ cây, hoa lá và vẻ đẹp của đại ngàn Hoàng Liên. Nơi đây, ngoài vẻ đẹp của dòng thác còn có vẻ đẹp của muôn sắc hoa rừng đua nở bốn mùa, có sắc xanh của tấm thảm cây rừng, và ở đó tiếng hót của chim chóc, tiếng kêu của thú rừng tạo nên một sự hòa trộn âm thanh lạ lẫm của núi rừng. Trong không gian mênh mông, khung cảnh thơ mộng, hữu tình ấy, bạn cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm đến lạ thường.

Thác Bạc hiện tại trở thành một điểm đến cho khách du lịch. Cư dân bản địa gồm người Mông, Dao, Giáy ngày ngày tập trung dưới chân thác, tạo ra một phiên chợ nhỏ ngay điểm dừng chân để bán hàng cho du khách. Con người nơi đây bình dị, hiền lành, mến khách, trên môi luôn nở nụ cười. Đồng bào dân tộc thiểu số bán những sản vật họ tự nuôi trồng. Đến đây, du khách có thể mua về những đặc sản như măng, su su, mật ong, rau rừng, thịt trâu sấy…, đặc biệt còn những sản phẩm quần áo, vật dụng bằng thổ cẩm do họ tự dệt lấy.

DL-(2)Phiên chợ nhỏ dưới chân thác Bạc đã tạo nên một sức sống mới nơi sơn dã.

Đến khu thác Bạc, nếu cao hứng, bạn có thể ghé lại một quán nhỏ ven đường, ngồi nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng, thưởng thức món thịt trâu nướng, thịt nướng xiên, cơm lam ống trúc hay trứng nướng than và những bắp ngô nướng ngọt lừ.

Đến đây, có thể bạn sẽ có những giây phút “sống chậm” để xua tan bao mệt nhọc, buồn phiền, để tìm sự thư thái đến nhẹ thênh tâm hồn.

DL-(1)Vẻ đẹp của thung lũng dưới chân núi Hoàng Liên nhìn từ thác Bạc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối