Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

“Đẻ” thêm phí cho người xài thẻ

Vấn đề thu phí sử dụng thẻ ATM cứ ít lâu lại rộ lên với các quan điểm khác biệt giữa ngân hàng phát hành thẻ và khách hàng sử dụng thẻ. Vừa qua, có thêm một vài loại phí bắt đầu được áp dụng mà nhiều người sử dụng thẻ đã tỏ ra bất ngờ và bức xúc vì cảm thấy “bị ép”.

Bất ngờ thu phí

Cuối tháng 7 vừa qua, chị N.A. nhận được tin nhắn từ Ngân hàng Eximbank về việc từ ngày 1-8 ngân hàng này bắt đầu áp dụng phí quản lý tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân không kỳ hạn (tài khoản thẻ ATM) 11.000 đồng/tháng nếu số dư bình quân trong tháng dưới 100.000 đồng. Thời điểm thu là ngày 10 hàng tháng, bắt đầu từ ngày 10-9-2014.

Đến ngân hàng hỏi về khoản phí này, chị N.A. được biết chị sẽ không bị thu phí này nếu lưu lại số tiền lương trong một ngày thay vì rút hết ngay. Bởi lẽ, theo giải thích của nhân viên ngân hàng, với mức lương được chuyển vào tài khoản là 3 triệu đồng/tháng, nếu chị N.A. lưu số tiền lương trong tài khoản một ngày, thì khi lấy số tiền đó chia cho 30 ngày, số dư bình quân trong tháng vẫn được 100.000 đồng. Ngân hàng giải thích phí này chủ yếu nhắm vào những khách hàng có làm thẻ ATM nhưng ít sử dụng, chứ không phải những khách hàng như chị.

Hiện các ngân hàng vẫn đang miễn phí nhiều dịch vụ thẻ ATM.  Ảnh: Uyên Viễn
Hiện các ngân hàng vẫn đang miễn phí nhiều dịch vụ thẻ ATM. Ảnh: Uyên Viễn

Tương tự, một số người khi đến nộp tiền mặt vào tài khoản thẻ tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) gần đây mới biết họ sẽ bị thu 5.000 đồng cho mỗi lần nộp tiền dưới 10 triệu đồng, và 20.000 đồng cho số tiền nộp 10-20 triệu đồng. Tùy số tiền nộp, mức phí tối đa lên đến 900.000 đồng/lần.

Bà Đào Phong Lan, Giám đốc truyền thông DongA Bank, cho biết từ ngày 15-3 vừa qua DongA Bank đã thông báo bắt đầu thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản tại quầy. Tuy nhiên, việc nộp tiền mặt tại máy ATM lại không bị thu phí.

Việc thu phí khi khách hàng nộp tiền vào tài khoản thanh toán tại quầy, theo bà Lan, nhằm khuyến khích và hướng chủ thẻ trải nghiệm các tiện ích, dịch vụ trên máy ATM. Hiện nay, DongA Bank đã trang bị máy ATM thế hệ mới cho phép khách hàng nộp tiền trực tiếp với nhiều mệnh giá cùng một lúc với số lượng lên đến 200 tờ/lần giao dịch.

Với các loại phí mới này, có ngân hàng áp dụng, có ngân hàng không, hay đến khi thực hiện giao dịch mới được thông báo khiến không ít khách hàng bất ngờ, và có cảm giác đang bị ngân hàng tận thu.

Khi được nghe lại về những giải thích như trên, anh Linh, một nhân viên văn phòng ở quận 1, TPHCM, biểu lộ sự kinh ngạc: “Khuyến khích và hướng chủ thẻ trải nghiệm các tiện ích, dịch vụ trên máy ATM bằng cách thu phí nộp tiền mặt?! Vậy là áp đặt chứ đâu phải khuyến khích! Nó giống như một thứ tiền phạt về cái tội… không chịu xài máy ATM”. Anh nói tiếp: “Nộp tiền, dù là tiền mặt, thì cũng là đưa vốn cho ngân hàng đi kinh doanh, thế mà lại bị thu phí!”.

[box type=”download”] Theo số liệu của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam được đăng tải trên cổng thông tin của NHNN, tính đến cuối năm 2013, tổng số lượng thẻ phát hành của 50 tổ chức phát hành tại Việt Nam đạt hơn 66,2 triệu thẻ, tăng hơn 20% so với năm trước đó.

Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 92,3%, thẻ tín dụng 3,67% và thẻ trả trước 4,03%. Tổng doanh số thanh toán thẻ trong năm ngoái đạt 1.206.704 tỉ đồng, tăng hơn 23,37% so với 2012. Tuy nhiên, các giao dịch thẻ hiện chủ yếu là rút tiền mặt trên ATM.[/box]

Còn nhiều phí hiện chưa thu

Nhìn vào biểu phí thẻ thanh toán của một ngân hàng có thể thấy khách hàng sử dụng thẻ sẽ phải chịu khoảng 20 loại phí; trong đó chủ yếu là hai nhóm phí, gồm phí đóng cố định (phí mở thẻ, phí thường niên) và phí khách hàng phải đóng khi sử dụng thẻ (phí rút tiền mặt, chuyển tiền…). Tuy vậy, hiện tại có nhiều loại phí mà ngân hàng vẫn chưa thu đối với khách hàng.

Còn để hài hòa lợi ích của người sử dụng dịch vụ thẻ cũng như ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tháng 12-2012 đã ban hành Thông tư 35/2012/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa. Theo đó, các phí gồm phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí giao dịch ATM (vấn tin tài khoản, in sao kê, rút tiền mặt, chuyển khoản) đều được các ngân hàng áp dụng bằng hoặc dưới mức trần quy định trong thông tư này.

Theo bà Lan, việc thu phí là điều tất yếu vì ngân hàng hoạt động trên lợi nhuận từ dịch vụ, cũng như để tái đầu tư và nâng cấp các dịch vụ về thẻ, mà để duy trì được hệ thống này, hầu như các ngân hàng đều phải đầu tư một ngân sách đáng kể. Tại DongA Bank, khách hàng rút tiền ATM nội mạng vẫn được miễn phí cho đến thời điểm này. “Chúng tôi hiện đã phát hành hơn sáu triệu thẻ, nếu thu phí rút và nạp tiền nội mạng trên máy ATM, chúng tôi sẽ có thêm một khoản ngân sách đáng kể, nhưng cho đến thời điểm này, các hoạt động này vẫn hoàn toàn miễn phí”, bà Lan nói thêm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, hầu hết các ngân hàng đều đang miễn phí nhiều dịch vụ thẻ ATM. Trong hoạt động thẻ ATM, các ngân hàng chủ yếu quảng bá thương hiệu, chứ chưa có lợi nhuận nhiều từ việc này, nên không thể nói là các ngân hàng đang tận thu qua phí dịch vụ thẻ ATM.

Với loại phí nộp tiền mặt vào tài khoản thẻ, mặc dù NHNN đang lấy ý kiến trong thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt với mức thu không vượt quá 0,03-0,05% trên tổng giá trị tiền mặt nộp, nhưng một số ngân hàng đã áp dụng thu luôn phí này trong năm nay, vậy liệu họ có vi phạm không? Ông Minh khẳng định là không, vì hiện vẫn có cơ chế cho phép các ngân hàng thu phí này, còn thông tư dự thảo chỉ cụ thể hóa mức phí này.

Phải thông báo trước

Một người hoạt động trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xin không nêu tên cho biết, hiện các dịch vụ ngân hàng không thuộc chín nhóm dịch vụ phải đăng ký hợp đồng với cơ quan nhà nước để rà soát đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các hợp đồng dịch vụ của ngân hàng vẫn phải tuân thủ quy định, tức các điều khoản trong hợp đồng này không trái với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo vị này, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người cung cấp dịch vụ, hàng hóa phải đảm bảo thông tin cho người tiêu dùng. Có nghĩa là, khi làm hợp đồng với khách hàng, ngân hàng phải thông báo đầy đủ các loại phí cho khách hàng. Với các phí phát sinh sau hợp đồng (do các dịch vụ, tiện ích mới), ngân hàng cũng phải thông báo trước để khách hàng biết và có quyền lựa chọn tiếp tục hoặc ngưng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Trong đó, các khoản phí là thông tin quan trọng mà ngân hàng phải thông báo cho khách hàng. Hiện có nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nên để đảm bảo thông tin này đến được khách hàng, các ngân hàng nên tìm nhiều cách truyền thông, như qua tin nhắn, báo chí, trang web, bảng thông báo ngay tại các điểm giao dịch của ngân hàng, vị này cho biết.

Vị này cũng cho biết thêm, hiện các ngân hàng đang phải cạnh tranh với nhau để có và giữ khách hàng, do đó người tiêu dùng có thể tìm hiểu thông tin để lựa chọn ngân hàng đáp ứng yêu cầu của mình.

Thu Nguyệt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thanh toán không tiền mặt ‘phủ sóng’ ngày càng mạnh

0
Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh sau đại dịch Covid-19, nhờ hệ thống văn bản pháp lý dần hoàn thiện...

Các ngân hàng tốn hàng trăm tỉ đồng để chuyển đổi...

0
(SGTT) – Với con số hơn 100 triệu thẻ ATM đang lưu hành tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại phải bỏ ra...

Phát hiện hai ‘ổ” lừa đảo trực tuyến mạo danh ngân...

0
Những vụ việc khách hàng của nhiều ngân hàng liên tục nhận được các tin nhắn SMS giả mạo ngân hàng nhằm chiếm đoạt...

Lại tiếp diễn chiêu lừa mạo danh ngân hàng qua tin...

0
Khách hàng ngân hàng lại tiếp tục nhận được những tin nhắn SMS mạo danh ngân hàng nhằm mục đích đánh cắp mật khẩu,...

“Lên đời” cho thẻ ATM

0
(SGTTO) - Thẻ thanh toán nội địa (thẻ ATM) sẽ được “tân trang” bằng công nghệ thẻ chip tiên tiến trên thế giới. Người...

Giảm phí ATM để kéo khách

0
HOÀNG LONG - Gần đây, một số ngân hàng cho biết sẽ không tính phí giao dịch ATM (rút tiền tự động) nội, ngoại...

Kết nối