(SGTTO) – “Thị trường nào cho bánh dân gian?” là chủ đề buổi tọa đàm do Thời báo kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) tổ chức hôm 16-4. Tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp mở rộng thị trường cho loại bánh này của người dân Nam bộ.
Bánh dân gian đang ở đâu?
Ông Đoàn Hữu Đức, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Việt Nam (VCG), cho biết bánh dân gian đã tồn tại trong đời sống người dân Nam bộ từ rất lâu. Sáng ngủ dậy đã nghe tiếng rao “bánh ướt, bánh bèo, bánh đúc”; trưa chiều lại có gánh bánh lọt, bột lọc; đêm khuya là bánh giò, bánh ít… “Những cái tên trong hàng trăm loại bánh có thể kể bánh in, bánh cập khi cúng bái; lễ tết có bánh tét, bánh ít; giỗ chạp có bánh hỏi, bánh phồng tôm, ăn sáng có bánh tằm, bánh lá mơ; ăn trưa có bánh xèo, bánh giá; ăn chơi có bánh tráng, bánh men; người già uống trà có bánh pía, bánh cam”, ông Đức cho biết.
Tuy nhiên, ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nêu lên thực trạng do đặc điểm nhiều loại bánh dân gian liên quan tới nguyên liệu tươi, chế biến thủ công, không sử dụng chất bảo quản, bao bì chưa bắt mắt nên việc tiêu thụ phần lớn vẫn ở thị trường nhỏ lẻ, các lễ hội, chứ chưa vào được nhiều trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu. “Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân và nghệ nhân bánh dân gian thường bấp bênh, không ít sản phẩm có thể sẽ mai một trước sự cạnh tranh của các loại bánh công nghiệp tinh xảo, tiện lợi”, ông nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, cho biết bánh dân gian Nam bộ là loại bánh đặc trưng của ẩm thực miền Tây Nam bộ, là điểm nhấn văn hóa của vùng, vừa truyền thống vừa hiện đại. Bánh dân gian luôn thu hút được một nhóm khách hàng riêng, mà đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước.
Gợi ý cho bánh dân gian
Theo bà Kim Cương, Co.opmart Cần Thơ đang kinh doanh một số loại bánh dân gian như bánh chuối, bánh mặn, bánh bò, bánh da lợn, bánh gai, xôi chè các loại. Bà nói: “Bước đầu, sản phẩm đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì việc đưa bánh dân gian tiếp cận các kênh tiêu thụ hiện đại vẫn còn hạn chế”.
Ông Đức của VCG cho biết các kênh tiêu thụ hiện đại rất muốn đưa những sản phẩm bánh này tiếp cận khách hàng, nhưng rất khó. Trở lực lớn nhất là từ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. “Việc truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm định chất lượng, giấy phép kinh doanh hay mã số thuế đều là những thách thức cho nghệ nhân địa phương, các hộ kinh doanh. Vấn đề sâu xa hơn là việc cam kết cung ứng về sản lượng và chất lượng đều đặn”, ông nói. Bên cạnh đó, các gia đình có truyền thống làm bánh dân gian nên được trao cơ hội, được bồi dưỡng kiến thức kinh doanh và kỹ thuật cần thiết.
Bà Kim Cương gợi ý cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, tạo ra nhiều sân chơi không chỉ quảng bá các loại bánh dân gian, mà còn để các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm trong nghề. Qua đó, đưa các sản phẩm bánh dân gian tiếp cận, phát triển ra khu vực, thậm chí xuất khẩu.
Ông Vũ Thống Nhất, Phó chủ tịch Hội nhà văn TP Cần Thơ, cho biết cần lưu ý vấn đề “thật giả” của các loại sản phẩm, trong đó có các loại bánh dân gian. “Điều cần thiết là việc nhận diện, đánh giá, phân loại để tìm ra những loại bánh và cơ sở sản xuất tiềm năng, có thể đưa ra thị trường, sau đó hỗ trợ những cơ sở này định danh thành thương hiệu vững vàng”, ông gợi ý.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết do thời gian bảo quản ngắn, dễ hư hỏng nên bánh dân gian xuất hiện ở nước ngoài còn ít. “Bánh dân gian có thể đi được tất cả các thị trường thế giới, nhưng phải có con người và nguyên liệu tại chỗ, chứ không thể cho chất bảo quản vào để giữ được lâu rồi đem đi”, ông nói.
Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?” nằm trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 8. Diễn ra từ ngày 12-4 đến 16-4 tại thành phố Cần Thơ, lễ hội là sự kiện văn hóa, lễ hội cấp quốc gia nhằm giới thiệu, quảng bá và bảo tồn các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng của Nam bộ. Lễ hội có trên 200 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp và nghệ nhân đến từ 19 tỉnh, thành trong nước; giới thiệu các loại bánh dân gian, ẩm thực dân gian, đặc sản vùng miền, nguyên liệu làm bánh. Nhiều nghệ nhân ở miền Đông và miền Tây Nam bộ đã trình diễn cách làm bánh dân gian. Lễ hội cũng là dịp các bên giao lưu các món ăn đặc sản của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ý, Pháp, Singapore, Thái Lan.
Trung Chánh