Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Dạy gì khi kiến thức có sẵn khắp nơi

Không cần chiếc máy du hành vượt thời gian cũng có thể hình dung thời Trung cổ thanh niên học đánh kiếm, thuật giả kim; phụ nữ thời xưa học nữ công, gia chánh là chính. Thầy đồ ắt không dạy toán mà chỉ dựa vào lời thánh hiền để dạy cách ứng xử với những người chung quanh, dạy cách viết văn theo lối biền ngẫu, ca tụng nguyên tắc “quân xử thần tử”.

Thôi thì ít nhất người lớn cũng có thể giúp các em lan tỏa các giá trị đã chứng minh được sự bền vững trong cuộc sống thật sang thế giới ảo để các em có thể lấy chúng làm cái neo định hình được nhận định đúng sai của mình trong thế giới này. Ảnh: Đào Loan.

Cho nên không lạ gì khi trong một thời gian dài trong thế kỷ 20, nền giáo dục nhấn mạnh đến kỷ luật, đến sự tuân lời, đến hệ thống tôn ti trật tự trong xã hội. Đó là bởi nhu cầu của một xã hội sản xuất theo kiểu dây chuyền đòi hỏi công nhân biết tuân thủ kỷ luật công nghiệp, là yếu tố sống còn để nền kinh tế vận hành như một bộ máy khổng lồ mà cá nhân chỉ là các ốc vít.

Nếu bây giờ chúng ta đem kỹ năng cưỡi ngựa, đánh kiếm, bắn cung ra dạy cho học sinh, sẽ bị coi là hâm vì không phù hợp với thời đại. Nhưng có ai thử hỏi các kỹ năng rèn luyện cho học sinh trở thành công dân tốt trong nền kinh tế dây chuyền liệu có còn phù hợp trong thời đại công nghệ máy tính, nơi óc sáng tạo, tìm các mô hình vận hành mới cho xã hội dựa vào các năng lực mới của xã hội quan trọng hơn nhiều sự tuân lời một cách máy móc?

Đi theo quan sát những cháu nhỏ ở lứa tuổi tiểu học cho đến các cô gái, chàng trai sắp trở thành người lớn ở các lớp cuối cấp 3, có thể thấy chúng sống trong một thế giới khác hẳn thế giới của thầy cô đang dạy chúng. Chúng sử dụng các sản phẩm công nghệ thành thạo hơn nhiều và mỗi khi gặp điều gì đó chúng có thể tiếp cận thông tin liên quan nhiều hơn và nhanh hơn thầy cô nhiều lần. Tôi có cảm giác các em “chịu đựng” sự chậm chạp của người lớn một cách lịch sự, đôi lúc kém nhẫn nại nếu người lớn đó là bố mẹ hay ông bà các em.

Thế nhưng sức mạnh công nghệ nằm trong tầm tay các em càng làm nổi bật một khiếm khuyết trong giáo dục: thế hệ trẻ không được chuẩn bị để bước vào đời, một cuộc đời trộn lẫn giữa thực và ảo. Trẻ ngày xưa phải trải qua những năm tháng bị bắt nạt ở trường; trẻ ngày nay vừa chịu cảnh bị bắt nạt ngoài đời vừa bị đè nặng bởi nạn bắt nạt trên mạng, đôi lúc còn ghê rợn hơn nhiều lần. Trẻ ngày xưa ít tiếp xúc với thông tin giả, kiến thức tào lao; trẻ ngày nay từ sáng tới tối chịu tác động của nhiều video tầm bậy, video giả danh khoa học trên YouTube do giới câu view đưa lên mà cha mẹ nào biết.

Thế nên điều đầu tiên tôi mong học sinh ngày nay được học là kỹ năng phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; đâu là giả, đâu là thật. Nói thì đơn giản nhưng hiện nay nhiều giá trị bị đảo lộn, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu năm 2008, ngay cả người lớn cũng còn hoang mang trước sự sụp đổ của nhiều nguyên tắc, nguyên lý nói gì trẻ nhỏ. Thôi thì ít nhất người lớn cũng có thể giúp các em lan tỏa các giá trị đã chứng minh được sự bền vững trong cuộc sống thật sang thế giới ảo để các em có thể lấy chúng làm cái neo định hình được nhận định đúng sai của mình trong thế giới này.

Đó là sự chính trực, lòng thương người, sự đồng cảm, sự chia sẻ và biết phẫn nộ trước bất công, bạo lực hay đe dọa. Nếu các em được vun đắp các đức tính này, ắt đã không có chuyện 23 học sinh nghe theo lời cô giáo tát tai bạn mình một cách mù quáng nữa. Tùy theo từng độ tuổi, có thể dạy cho các em những kỹ năng nhận biết logic trong lập luận để tự các em nhận định đúng sai trong các tình huống; cách thoát khỏi tâm lý bầy đàn. Ở mức độ thấp nhất các em phải được dạy để sau này khi ra đời biết từ chối những yêu cầu phi lý trên không gian mạng như kiểu bị tin tặc dụ dỗ đánh cắp thông tin. Nhiều nước đã bắt đầu dạy cho học sinh cách nhận biết tin giả, cách đánh giá mức độ tin cậy của thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội.

Kiến thức ngày nay đang nhanh chóng trở thành lạc hậu, không trông mong gì những điều nhà trường dạy các em học sinh ngày nay có thể còn đúng khi các em ra đời. Ngay cả khi kiến thức được cập nhật liên tục, cách hấp thụ kiến thức sẽ phải thay đổi vì máy móc quanh ta sẽ cung cấp kiến thức bất kỳ lúc nào chúng ta cần. Sẽ đến lúc không cần điện thoại di động, trẻ hỏi thầm: 5 cộng 3 bằng mấy, sẽ nhận được câu trả lời trong tai. Ngay cả bây giờ trẻ cũng có thói quen “tra Google” để tìm hiểu một vấn đề nào đó – chính vì thế, kỹ năng phân biệt được đâu là thông tin có thể tin cậy, đâu là thông tin phải dè chừng còn quan trọng hơn kiến thức nhiều lần.

Trẻ cũng sẽ sớm đi vào thế giới ảo, nơi các em có thể học tiếng Anh bằng cách giao tiếp với bạn người Anh. Chuyện dịch tự động mọi lúc mọi nơi, với cả tiếng nói lẫn văn bản sẽ ngày càng dễ dàng và chính xác hơn đến nỗi không còn ai nói đến rào cản ngôn ngữ. Lúc đó làm gì còn khái niệm ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ thứ nhất nữa để mà băn khoăn. Chỉ có kỹ năng viết, tức diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu, thuyết phục được người khác vẫn còn rất thiết yếu.

Thế nhưng dạy cái gì không quan trọng bằng dạy như thế nào? Thử tưởng tượng trong một thế giới tính sáng tạo quan trọng gấp nhiều lần so với kiến thức mà vẫn còn những lớp học, học sinh ngồi khoanh tay ngoan ngoãn, thầy cô hỏi thì đưa tay trả lời nhưng cùi tay vẫn phải nằm trên bàn, cánh tay vuông góc với mặt bàn, bàn tay xòe thẳng ra phía trước, trăm em như một. So lớp đó với một lớp học sinh hiếu động rướn người đưa tay lên cao, tìm mọi cách lôi kéo sự chú ý của thầy cô – thử hỏi học sinh lớp nào sẽ hạnh phúc hơn và có tiềm năng sáng tạo hơn? Một lớp viết ra toàn là các bài văn mẫu đã học thuộc lòng từ trước và một lớp viết vẫn còn sai chính tả nhưng nói toàn những điều chân thật, những suy nghĩ các em đang ấp ủ – học sinh lớp nào đang sáng tạo, học sinh lớp nào đang bị thui chột mầm sáng tạo?

Trở ngại trên con đường giáo dục này là phụ huynh hay nói đúng ra là sự chấp nhận của xã hội. Hãy thử trắc nghiệm một cách thật lòng, xem chúng ta yên tâm với một lớp học ngoan ngoãn đọc đều đặn theo nhịp thước của cô giáo hay với một lớp bàn ghế lộn xộn, học sinh tranh cãi ồn ào, nói nhiều hơn nghe cô giảng. Chúng ta thích thú với một bài văn tả một buổi tối êm đềm như tranh vẽ của em học sinh thứ nhất hay với bài viết kể thật về những cuộc cãi cọ liên miên trong gia đình em học sinh thứ hai. Có lẽ sự bảo thủ của người lớn đang níu kéo các em bước vào thế kỷ 21 chứ không phải ai khác.

Nguyễn Vũ

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân ÂL

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối