Chủ Nhật, Tháng Chín 15, 2024

Dấu xưa – Hồn phố: Ngôi cổ tự mang danh ‘vắng như chùa Bà Đanh’ ở Hà Nam

Du lịchHành trình - Điểm đếnDấu xưa - Hồn phố: Ngôi cổ tự mang danh ‘vắng như...
(SGTT) – Chùa Bà Đanh là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nam. Với lịch sử hàng trăm năm, nơi này gắn liền với câu nói dân gian “vắng như chùa Bà Đanh”.

Chùa Bà Đanh nổi tiếng không phải vì nơi này có đông người tìm về hành hương, mà được biết đến bởi câu ví von “vắng như chùa Bà Đanh”.

Với tổng diện tích khoảng 10 hec-ta, khuôn viên chùa là một tổng thể gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Theo trang thông tin TTXTDL Hà Nam, sự vắng vẻ, tĩnh lặng của chùa một phần là do trước đây chùa nằm ở xa khu dân cư, ba mặt là sông, chỉ có lối vào là đường rừng rậm nhưng lại có nhiều thú dữ. Cách an toàn duy nhất để vào chùa là chèo thuyền qua sông Đáy. Tuy nhiên, vì bất tiện nên người đến chùa rất thưa thớt. Ngày nay, đường đi đã thuận lợi hơn, nhiều khách tham quan nên chùa không còn vắng vẻ như xưa.

Chùa Bà Đanh còn có tên chữ là Bảo Sơn Tự, nằm ở thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Chùa Bà Đanh có tên chữ là Bảo Sơn Tự, được xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào năm 1994. Cũng như bao ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là thờ Phật, chùa Bà Đanh còn tín ngưỡng thờ “Tứ Pháp”, gồm thần Mưa (Pháp Vũ), thần Mây (Pháp Vân), thần Sấm (Pháp Lôi), thần Chớp (Pháp Điện). Đây là bốn vị thần có ảnh hưởng quyết định đến nền sản xuất nông nghiệp lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên của người Việt xưa.

Trong chùa hiện lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Chùa quay mặt hướng Tây Nam ra sông Đáy. Phía ngoài cùng giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng tam quan chùa. Khuôn viên chùa có diện tích gần 10 hec-ta, bao quanh chùa là những tán cây rậm rạp, xanh tươi. Ngay trước cửa chùa là bến nước, có cây đa cổ thụ với những tán lá sum suê cạnh bên.

Bến nước, cây đa trước chùa. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Qua cổng tam quan là khu vườn hoa, sân lát gạch, hai dãy hành lang hai bên. Nhà bái đường gồm năm gian, nhà trung đường cũng có năm gian. Nhà thượng điện có ba gian, hai bên xây tường bao, phía trước là hệ thống cửa gỗ lim.

Trải qua thăng trầm cùng thời gian, đến nay chùa Bà Đanh còn giữ nguyên được nét cổ kính. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Nằm ở phía Tây khuôn viên chùa là khu nhà ngang gồm năm gian, trong đó có ba gian làm nơi thờ các vị sư tổ đã trụ trì ở đây. Phía Đông chùa là phủ thờ Mẫu nằm sát với dãy trung đường.

Đường xá thuận lợi hơn, du khách gần xa dễ dàng tìm đến ngôi cổ tự này. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Lễ hội truyền thống chùa Bà Đanh là lễ hội tiêu biểu của tỉnh Hà Nam, gắn liền với tín ngưỡng thờ mẫu, thờ thần, được tổ chức từ 15 đến 17 tháng 2 Âm lịch nhằm tri ân Đức Thánh Bà – Pháp Vũ – vị thần phù trợ cho việc sản xuất nông nghiệp được tốt tươi, đời sống nhân dân được no đủ. Lễ hội chùa Bà Đanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019.

Một số hình ảnh khác tại chùa Bà Đanh:

Dãy hành lang trong chùa. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Năm 1994, Chùa Bà Đanh đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Một góc cổ kính của chùa. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Chùa có nhiều cây cổ thụ xanh mát. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Vườn tháp trong chùa. Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn
Ảnh: Nguyễn Hồng Sơn

Theo TTXTDL Hà Nam

Thông qua chuỗi bài viết “Dấu xưa – Hồn phố”, Sài Gòn Tiếp Thị sẽ giới thiệu đến độc giả những điểm du lịch văn hoá, tâm linh trên khắp cả nước. Trong đó, bao gồm những công trình kiến trúc cổ, khu phố cổ, làng cổ, di tích lịch sử và những làng nghề truyền thống, làng nghề được công nhận là di sản văn hoá Việt Nam…
Nguyễn Hồng Sơn - Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục