Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Cung đường mang sắc màu của nắng

LINH NGUYỄN –

Đối với những người đam mê leo núi và trekking (đi bộ dã ngoại) thì những cung đường với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ luôn là nơi để khám phá và chinh phục. Trong số đó, cung đường Tà Năng-Yavly-Phan Dũng có tổng hành trình dài khoảng 55 km đi qua ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận được xem là rất thú vị để thực hiện những cuộc trekking, bởi nó mang nét đẹp lãng mạn, huyền bí và không kém phần mạo hiểm.

Tà Năng – nghe thông reo, cỏ hát

1Những ngọn đồi trọc ở Tà Năng, như một sân gôn tự nhiên khổng lồ có hình dạng như những trái banh tennis từ trên trời rớt xuống rồi vỡ ra thành nhiều mảnh ở mỗi nơi.

Xe dừng lúc 4 giờ sáng và thả chúng tôi xuống khu vực ngã ba Tà Hine. Đây là con đường ven hồ thủy điện Đại Ninh và cũng là ngã ba đi vào Đà Loan. Cái lạnh se se ở Đức Trọng (Lâm Đồng) đánh thức cơn ngái ngủ của mọi người trong đoàn. Bốn bề vẫn còn sự hiện diện của bóng tối và sự tĩnh lặng của thời khắc trước bình minh.

Nhóm 14 người chúng tôi cùng với lỉnh kỉnh ba lô hành lý yên vị trên chiếc xe du lịch 16 chỗ và lên đường đi Tà Năng, sau khi đã ghé chợ Đà Loan ăn sáng và mua vài thứ cần thiết cho cuộc hành trình. Còn khoảng 10 km nữa đến nơi thì gặp đường xấu, ô tô không thể nào đi được, đành chuyển qua xe công nông đi tiếp đến tận sát bìa rừng. Xã Tà Năng là một xã nghèo, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Chu Ru và Cil, đời sống vật chất lẫn tinh thần khá thiếu thốn.

Chuyến xe công nông oằn mình thồ cả người lẫn hành lý lọc cọc trên những con đường đầy bùn sình và sỏi đá, dọc hai bên đường là những hàng cây cà ri đua nhau khoe sắc, ngang qua những căn nhà mái tôn vách đất xập xệ, ánh mắt trong veo của mấy đứa trẻ có làn da đen nhẻm vì cháy nắng ánh lên tia nhìn ngơ ngác sáng ngời và bầu trời của ngày hôm ấy xanh ngắt một màu xanh biêng biếc với những đám mây như những cụm bông gòn trắng trẻo. Băng qua cánh rừng thông bạt ngàn với những âm thanh như đang hát, chúng tôi hòa mình vào không khí trong lành của thiên nhiên, một nơi không có sự hối hả, giục giã của cuộc sống thường nhật, một nơi chỉ có chim chóc, cây cối và hoa cỏ may với ánh nắng vàng rực trải đều bám theo những bước chân của những người lữ hành.

Len lỏi qua những con dốc lên xuống nối tiếp nhau, ra khỏi rừng thông chúng tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi những ngọn đồi nhấp nhô uốn lượn. Từ ngọn đồi này nhìn qua những ngọn đồi xa hơn, con đường rãnh trên những ngọn đồi rợp màu cỏ xanh lá mạ cong cong uốn lượn mà người dân vùng này thường dùng xe máy để thồ hàng, chở gỗ có cảm tưởng như đó là những trái bóng tennis khổng lồ từ trên trời rơi xuống vỡ ra, nằm ở mỗi nơi mỗi mảnh. Nhìn thì đẹp vậy chứ đi không dễ chút nào, và cũng dễ bị vắt sức vì là đồi trọc nên hầu như không có bóng cây che, và cây cũng có nhưng khá nhỏ và thấp, không đủ tạo thành những bóng râm. Sở dĩ vùng này cây không mọc được là vì khi chiến tranh bị rải thuốc diệt cỏ, suối cũng ít và lại nằm khuất dưới chân núi nên không có nguồn nước dọc đường như các cung khác.

Cứ chầm chậm thư thả băng qua những ngọn đồi như một sân gôn tự nhiên khổng lồ như thế và khi cơn mưa rào qua đi, khi những màn sương của buổi chiều muộn kéo đến, chúng tôi hạ trại ngay trên một đỉnh đồi đốt lửa nghỉ đêm mà phong cảnh xung quanh như một bức tranh sơn cốc đậm chất thơ. Bên ánh lửa bập bùng là những âm thanh trò chuyện râm ran, tiếng cười sảng khoái lan tỏa giữa không gian thanh vắng. Tiếng hát trầm ấm của một anh đồng bào người Chu Ru có gương mặt khắc khổ chuyên làm nghề chở gỗ còn vương mùi rượu làm tất cả mọi người đều bồi hồi. Ngước lên bầu trời sao vời vợi, lòng tôi chợt ngẩn ngơ và bối rối, trong những chuyến đi của mình, đây là lần đầu tiên tôi thấy được bầu trời sao đẹp và lấp lánh đến dường ấy.

Tiếng chim hót ríu rít đánh thức tôi vào sáng hôm sau, mở mắt nhìn ra khỏi lều hít một làn sương sớm vương quanh đó, bình minh hiện ra mê hoặc những người trông thấy nó. Giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, những tia nắng ấp áp xuyên qua những đám mây mỉm cười nhẹ nhàng với rừng thông và đồi cỏ đang vi vu ca hát. Dù luyến tiếc là thế nhưng sau đó chúng tôi phải lên đường cho kịp hành trình đến với điểm tiếp theo là ngọn thác Yavly đầy huyền bí.

Yavly – “Đêm thấy ta là thác đổ”

7Thác Yavly như một nàng thiếu nữ e ấp kiêu kỳ với suối nước đổ ầm ầm quanh năm tung bọt trắng xóa.

Gom hết những cảm xúc và những hình ảnh đẹp của cảnh vật và tâm hồn của ngày hôm trước cất vào một ngăn kỷ niệm. Lại vác ba lô trên lưng, chúng tôi tiếp tục băng hết những ngọn đồi còn lại, vượt hết những cụm rừng thông tiến về phía rừng rậm dẫn tới thác Yavly. Khu vực này nhiều muỗi, ong và những côn trùng khác nên tốt nhất nhớ thoa thuốc chống côn trùng trước khi đi. Ở đây cây chen cây, đá chen đá hiểm trở, thời tiết nắng gắt cái nóng miền Trung, mồ hôi của ai cũng nhễ nhại.

Sau khi băng rừng trượt xuống một dốc núi trơn 300 m và vô cùng nguy hiểm vì không có chỗ bám víu, nếu sảy chân có thể rớt xuống vực thẳm bất cứ lúc nào, cảm giác thử thách và mạo hiểm đến tận cùng, cả đoàn cứ đi mãi đi mãi đến tận gần chạng vạng thì gặp một dòng suối bắc ngang, cố gắng tiếp tục đi xuyên màn đêm khoảng hơn 10 km nữa vì lạc đường, cuối cùng cũng nghe tiếng thác reo bên tai. Nhưng lúc đó là quá muộn để tới được thác nên đoàn quyết định dựng lều ngay khu rừng rậm. Cách đó không xa có một dòng suối được chính dòng thác Yavly trên cao đổ về.

Yavly nằm sâu trong khe núi Tà Hoàng của vùng rừng phòng hộ xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Buổi sáng hôm ấy mặc dù vẫn còn khá ê ẩm vì chuyến đi bộ trượt dốc núi và lạc hơn 10 km đường rừng của ngày hôm trước nhưng chúng tôi vẫn trekking lên trên một đoạn để chiêm ngưỡng và tắm thác Yavly.

Ngọn thác Yavly hiện ra trong ánh nắng, sừng sững giữa rặng đá lớn bao bọc trong một sơn cốc tuyệt đẹp. Với độ cao khoảng 200 m so với chân thác và cao hơn 1.500 m so với mặt nước biển, ngọn thác uy nghi hùng vĩ từ trên cao đổ xuống ầm ầm, tung bọt trắng xóa quanh năm dù là mùa mưa hay nắng. Đỉnh thác chia làm hai nhánh rồi giao thoa, hòa quyện vào nhau tạo thành một dòng thác mạnh mẽ, và vì có nhánh song song như vậy nên người dân địa phương còn gọi tên là thác Cặp.

Phía dưới thác là một vùng hồ rộng có bãi sỏi bao bọc một bên, nước trong và lạnh kèm theo những hạt nước li ti bay rộng cả một vùng quanh đó. Đây là một nơi tuyệt vời để tắm thác, du khách có thể thỏa thích bơi lội, dạo bước trên sỏi hoặc đứng ngâm mình dưới ngọn thác để nước đổ lên lưng. Đi một quãng đường thật dài, phiêu lưu có, thử thách có, thư giãn có, cuối cùng giây phút được ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh, cảm thấy bao nhiêu mệt mỏi của ngày hôm qua dường như tan biến.

[box] Những lưu ý khi trekking cung đường Tà Năng-Yavly-Phan Dũng – Mang theo thuốc trị côn trùng như muỗi, ong…, áo mưa, áo ấm, thuốc men… và các loại thực phẩm gọn nhẹ. – Nước uống mỗi người khoảng 3-4 lít. – Từ ngã ba Tà Hine vào sát bìa rừng Tà Năng, nếu đi nhóm 10-15 người nên thuê xe 16 chỗ, số điện thoại: 0947 960 960. – Từ Phan Dũng về Sài Gòn, thuê xe 16 chỗ nếu đi nhóm 10-15 người, số điện thoại: 0169 4635607, hoặc có thể thuê xe từ Phan Dũng ra đến Liên Hương rồi đi xe giường nằm của Phương Uyên hay Đông Hưng về Sài Gòn. – Nếu chỉ tham quan thác thì có thể chạy xe máy từ trung tâm thị xã Phan Dũng vào nhà dân khoảng 13 km, gửi xe máy, trekking thêm 5 km là đến chân thác.[/box]

Chia tay vẻ đẹp hoang sơ của thác Yavly, chúng tôi lên đường trở về, men theo con đường mòn với những cánh rừng khộp hai bên đường. Đường rừng quanh co, những rễ cây cổ thụ nổi lên trên mặt đất, những vạt bằng lăng thẳng tắp, cao chót vót, khung cảnh thiên nhiên hài hòa giữa rừng cây xanh, bạt ngàn như một bức tranh đa sắc. Trên đường về, đoàn còn phải vượt thêm khoảng 11 con suối trong vắt nhưng khá trơn trợt với những đàn cá bơi lượn xung quanh và qua thêm vài đoạn rừng rậm. Sau toàn bộ hành trình từ thác Yavly ra đến hồ Phan Dũng và trung tâm thị xã Phan Dũng khoảng gần 20 km, cả đoàn thuê xe 16 chỗ ra Liên Hương, đến quán Xuân Lành ven biển thưởng thức gió biển và hải sản, kết thúc cuộc hành trình đầy cảm xúc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cảnh sắc thay đổi ấn tượng trên đường đèo nối Đà...

0
(SGTT) - Khánh Lê là đường đèo nối Đà Lạt và Nha Trang, với chênh lệch độ cao giữa chân đèo và đỉnh đèo...

Ngày đầu dịp lễ, người dân TPHCM đi dã ngoại, mua...

0
(SGTT) – Hôm nay, ngày đầu dịp lễ dài 30-4, 1-5, tại nhiều điểm ở trung tâm TPHCM, người dân tập trung đông ở...

‘Phượt’ xe máy chinh phục đèo cao nhất thế giới ở...

0
(SGTT) - Nằm trên dãy Himalaya huyền bí, Ladakh được biết đến là một “tiểu Tây Tạng” ở Ấn Độ, nổi tiếng với cung...

Cắm trại ‘glamping’, hòa mình cùng thiên nhiên nhưng vẫn tiện...

0
(SGTT) – Với glamping, khách du lịch được trải nghiệm cảm giác gần gũi với thiên nhiên, hòa mình vào không khí ngoài trời...

Blogger du lịch chia sẻ bí quyết để có bức ảnh...

0
(SGTT) - Được cộng đồng yêu xê dịch biết đến qua những bộ ảnh du lịch đầy tính sáng tạo và mang đậm dấu...

Du lịch giữa mùa dịch: Mong ước được trở lại núi...

0
(SGTT) - Khi các địa phương đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh, "mở cửa lại" hoạt động du lịch cũng là lúc...

Kết nối