Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Cửa rộng cho hàng hóa nhập khẩu

T. THU –

Với việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được tuyên bố kết thúc vào tối hôm 5-10 (giờ Việt Nam), và việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (FTA VN-EU) dự kiến có hiệu lực vào năm 2017, hàng hóa từ nhiều nước phát triển sẽ được ưu đãi thuế quan và hứa hẹn có nhiều lợi thế khi vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

TPP: thuế giảm, hàng nhập tăng

Theo bản tóm tắt Hiệp định TPP được Bộ Công Thương công bố hôm 5-10, các nước trong TPP sẽ cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ xuất, nhập khẩu.

Theo đó, việc xóa phần lớn thuế quan đối với hàng công nghiệp sẽ được thực hiện ngay lập tức, mặc dù thuế quan đối với một số mặt hàng sẽ được bỏ với lộ trình dài hơn do các bên thống nhất.

Hàng hóa nhập khẩu được bán tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Thành Hoa
Hàng hóa nhập khẩu được bán tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Ngoài ra, các nước TPP cũng nhất trí không áp dụng các hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu và các loại thuế không phù hợp với WTO, bao gồm cả đối với hàng tân trang. Điều này nghĩa là đồ cũ cũng sẽ được phép nhập khẩu vào các nước thành viên TPP để tân trang lại.

Đối với hàng nông nghiệp, các nước TPP sẽ xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các chính sách mang tính hạn chế khác để gia tăng thương mại hàng nông nghiệp trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao an ninh lương thực và hỗ trợ việc làm cho người nông dân và chủ trại nuôi gia súc của các nước TPP.

Mặc dù chưa có công bố cam kết cụ thể đối với từng nhóm hàng hóa, nhưng nhìn chung việc cắt giảm thuế trong thương mại giữa các nước TPP dự kiến sẽ được tiến hành nhanh và mạnh hơn so với các hiệp định thương mại song phương và đa phương lâu nay của Việt Nam.

Theo đó, hàng hóa của các nước TPP vốn có thế mạnh cạnh tranh về giá cả và chất lượng khi xuất khẩu vào Việt Nam, như thịt bò Úc, sữa New Zealand… sẽ càng có cơ hội vào Việt Nam nhiều nhờ giảm thuế nhập khẩu.

Theo trang theglobeandmail.com, lợi ích của Canada trong TPP chính là xuất khẩu lúa mạch, thịt bò, thịt heo, cá và hạt cải. Các nhà xuất khẩu các mặt hàng này của Canada sẽ được tiếp cận tốt hơn những thị trường lớn nhưng được bảo hộ cao như Nhật Bản, và các thị trường tăng trưởng nhanh như Việt Nam và Malaysia. Tất cả ba thị trường này đều đã đồng ý cắt giảm thuế quan cho hầu hết nông sản nhập khẩu trong 10-15 năm.

FTA VN-EU: rộng đường thực phẩm châu Âu

Đàm phán TPP mới kết thúc và hiện nay những cam kết cụ thể hơn chưa được công bố. Trong khi đó, đàm phán FTA VN-EU đã kết thúc vào đầu tháng 8-2015 và bản ghi nhớ về cam kết với một số thông tin chi tiết đã được công bố.

Theo đó, trong FTA VN-EU, nhìn chung Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu sau lộ trình nhất định, chỉ bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm, trong đó có dầu thô và than đá. Trong đó, Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường cho hầu hết thực phẩm từ châu Âu. Trong đó, rượu vang, rượu mạnh, thịt heo đông lạnh sẽ được loại bỏ thuế sau bảy năm, thuế thịt bò được bỏ sau ba năm, sản phẩm sữa sau năm năm, và thịt gà sau mười năm.

Dự kiến Hiệp định FTA VN-EU có thể phải đến năm 2017 mới có hiệu lực nhưng hiện châu Âu đã xúc tiến (thực hiện các thủ tục để được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cấp phép) để có thể đưa một số mặt hàng nông nghiệp vào Việt Nam từ bây giờ hoặc trong thời gian ngắn tới, như táo từ Ba Lan, táo và thịt bò từ Pháp.

Theo ông Mariusz Boguszewski, Tham tán kinh tế của Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Hà Nội, có thể vào dịp tết năm nay, người tiêu dùng sẽ mua được táo Ba Lan tại Việt Nam. Ông nói không biết giá của táo Ba Lan đến tay người tiêu dùng sẽ như thế nào, nhưng nhìn chung giá của táo Ba Lan thường rẻ hơn táo Mỹ đến 50%.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp sản xuất thịt heo, bò đông lạnh của Ba Lan cũng đang tăng cường quảng bá, xúc tiến để đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo cơ sở dữ liệu về tiếp cận thị trường (The Market Access Database – MADB) của Liên minh châu Âu, vào năm 2014, xuất khẩu thịt heo từ Ba Lan sang Việt Nam đạt 836 tấn, trị giá 705.000 euro, tăng bảy lần so với năm 2012. Và chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2015, Ba Lan đã xuất khẩu gần 800 tấn thịt heo, gần bằng con số cả năm 2014.

Ngoài thịt heo, hiện Ba Lan cũng xuất khẩu thịt gà và vịt sang Việt Nam, nhưng chưa được phép xuất khẩu thịt bò. Tuy vậy, một số nhà sản xuất thịt bò của Ba Lan đã được cấp phép xuất khẩu sang Việt Nam và họ sẽ sớm thực hiện trong thời gian tới.

[box] Các nước tham gia TPP gồm Canada, Mỹ, Mexico, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Việt Nam, Malaysia, Peru, Chile, Singapore và Brunei.[/box]

Giá hàng nhập sẽ vẫn cao

Theo bà Agnieszka Rozanska, Giám đốc điều hành của Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI), thịt heo và bò của Ba Lan có chất lượng cao và giá cả cũng cao. Vì vậy nên dù giảm thuế, lượng xuất khẩu mặt hàng này từ Ba Lan sang Việt Nam chưa thể tăng nhanh. Tại thị trường Việt Nam, hiện hầu hết thịt heo nhập khẩu từ Ba Lan đều được phân phối đến nhà hàng, cũng như các công ty sản xuất, chứ chưa thể bán lẻ đến với đại đa số người tiêu dùng.

Theo một chuyên viên xúc tiến thương mại VN-EU, hiện EU có thế mạnh về nhiều mặt hàng tiêu dùng, tuy nhiên những mặt hàng như thịt bò Pháp có giá rất đắt, không thể cạnh tranh được với thịt bò Úc và New Zealand.

Ngoài vấn đề về giá cả, theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty VISSAN, việc giảm thuế cho thịt heo đông lạnh từ EU chưa thể ảnh hưởng ngay đến doanh nghiệp trong nước trong thời gian đầu, do khoảng cách địa lý và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam là thích dùng thịt nóng (tức thịt heo giết mổ xong và không qua cấp đông – PV). Tuy nhiên, về lâu dài, khi thói quen tiêu dùng thay đổi trong 5-7 năm nữa, và thuế quan được đưa xuống 0%, thịt heo trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ thịt heo đông lạnh EU.

Đối với mặt hàng sữa, theo một nguồn tin từ một công ty có nhập khẩu sữa từ châu Âu, mặc dù thuế nhập khẩu sữa cũng sẽ được cắt giảm, nhưng việc này khó có thể làm giảm giá bán sữa tại thị trường Việt Nam bởi vì hiện đây là mặt hàng mà Bộ Tài chính áp giá trần. Theo vị này, vì áp giá trần nên lợi nhuận của các công ty sữa không cao, do đó khi thuế suất giảm, các công ty sữa vẫn khó giảm giá bán.

Ngoài các mặt hàng trên, ô tô cũng là mặt hàng thế mạnh của châu Âu. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế ô tô sau mười năm hiệp định có hiệu lực. Hiện ô tô nhập khẩu từ EU vào Việt Nam có thuế suất bình quân khá cao, đến 71,85%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối