Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Cửa còn hẹp cho xuất khẩu lao động trình độ cao

Bên cạnh việc tiếp nhận lao động phổ thông, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… còn tuyển dụng lao động có trình độ của Việt Nam, tuy nhiên để được đi lao động nước ngoài với tư cách chuyên gia là chuyện không hề dễ.

“Xuất khẩu” kỹ sư không dễ

Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang xúc tiến việc đưa kỹ sư sang làm việc ở Nhật. Điều kiện để lao động tham gia chương trình này là tốt nghiệp đại học các ngành kỹ thuật cơ khí chế tạo máy, cơ khí động lực, cơ khí ô tô, cơ điện tử, kỹ thuật công nghiệp, xây dựng, công nghệ thông tin… có kinh nghiệm và dưới 30 tuổi.

Quá trình tuyển dụng kỹ sư đi Nhật, theo đại diện Công ty TNHH Esuhai tại TPHCM, đầu tiên ứng viên được kiểm tra về chỉ số IQ, kiến thức về toán học. Qua được vòng này, ứng viên sẽ học tiếng Nhật trong vòng một tháng để bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Nhật… Nếu đạt yêu cầu, ứng viên sẽ được tuyển vào chương trình đào tạo kỹ sư đi Nhật. Trong thời gian này chủ yếu học tiếng Nhật và văn hóa Nhật. Khi được phía Nhật tuyển dụng, ứng viên mới đi khám sức khỏe và nộp phí 4.000 đô la Mỹ cho công ty, một phần khoản phí này được công ty lo vé máy bay đi Nhật.

Caption: Một lớp học tiếng Nhật chuẩn bị cho ứng viên đi làm việc tại Nhật.
Caption: Một lớp học tiếng Nhật chuẩn bị cho ứng viên đi làm việc tại Nhật.

Quy trình tuyển dụng, huấn luyện kỹ sư đi Nhật về cơ bản là giống nhau, nhưng mức phí có sự khác nhau giữa các công ty. Tại Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco), ngoài khoản phí 1.500 đô la cho dịch vụ môi giới, ứng viên còn phải ký quỹ 50 triệu đồng, tuy nhiên khoản tiền này sẽ được trả lại khi ứng viên về nước lúc hết hợp đồng. Học phí trong quá trình học tiếng Nhật là 500 đô la, số tiền này cũng sẽ được hoàn trả khi được tuyển và có thị thực (visa) đi Nhật.

Mức lương cho chương trình kỹ sư đi Nhật vào khoảng 40 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ bảo hiểm, thuế, tiền điện, gas, nước… Việc ăn ở, người lao động phải tự lo. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng lương làm thêm giờ. Khi hết hợp đồng ba năm, việc có được gia hạn thêm hay không còn tùy thuộc vào thái độ, khả năng làm việc của mỗi người.

Tuy nhiên, ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng lao động Nhật Bản, châu Âu, Đông Nam Á, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết phía Nhật đưa ra tiêu chuẩn rất cao cho chương trình này. Ông Nguyễn Xuân An, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cũng thừa nhận rất nhiều đơn vị đang có chương trình tuyển dụng kỹ sư đi Nhật, nhưng để đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ sư ở Nhật là không hề dễ.

Ngoài chương trình đi Nhật, một số công ty còn có chương trình tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc với yêu cầu tốt nghiệp ít nhất cao đẳng các ngành kỹ thuật, có hai năm kinh nghiệm làm việc đối với trình độ đại học và ba năm với hệ cao đẳng.

Theo Phòng lao động Hàn Quốc, Tây Á, châu Phi của Cục Quản lý lao động ngoài nước trong năm 2013 các doanh nghiệp đã đưa khoảng 200 người lao động có trình độ sang làm việc ở Hàn Quốc.

[box type=”download”] Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong tám tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã đưa 73.727 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Trong đó, thị trường Đài Loan là 44.535 người, Nhật Bản 12.606 người, Hàn Quốc 4.615 người, Malaysia 3.833 người, Ả rập Xê út 2.407 người và các thị trường khác.[/box]

Rộng cửa ngành điều dưỡng

Việt Nam và Nhật Bản đã triển khai chương trình đưa lao động có chuyên môn về ngành y sang làm việc ở Nhật và đến nay đã có 138 lao động điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam sang Nhật theo chương trình này. Lớp thứ hai đang có 180 ứng viên theo học tiếng Nhật để chuẩn bị phỏng vấn. Trong khi đó phía Nhật có nhu cầu tuyển dụng đến hơn 300 người.

Theo ông Giang, đây là chương trình có nhiều ưu đãi, ứng viên không phải trả bất kỳ chi phí nào trong thời gian học ngôn ngữ; ăn ở miễn phí, thậm chí hàng tháng còn được cấp một khoản tiền để chi tiêu. Yêu cầu đặt ra với người đăng ký chương trình là tốt nghiệp cao đẳng ngành điều dưỡng. Đối với ứng viên tuyển vào vị trí điều dưỡng ở Nhật phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm, riêng với hộ lý không yêu cầu kinh nghiệm.

Mức lương được hưởng tại Nhật tính ra tiền Việt khoảng 30 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng, tiền làm thêm giờ. Sau ba năm làm việc tại Nhật (đối với điều dưỡng), bốn năm (đối với hộ lý), người lao động sẽ được tham gia thi lấy chứng chỉ hành nghề của Nhật. Khi đạt được chứng chỉ này, người lao động được phép ở lại làm việc lâu dài và mức lương sẽ tăng gấp đôi.

Ngoài ra, còn có chương trình điều dưỡng sang làm việc ở Đức và đã có 100 lao động Việt Nam sang Đức theo chương trình này. Sau khi được đào tạo tiếng Đức trong sáu tháng để lấy chứng chỉ A2, cũng giống như chương trình đi Nhật, trong thời gian này ứng viên sẽ được đài thọ toàn bộ chi phí, kể cả sinh hoạt phí. Khi sang Đức sẽ học chuyên môn trong thời gian hai năm, được bố trí chỗ ở miễn phí và hưởng mức lương 800-900 euro. Mức lương này sau khi trừ bảo hiểm còn khoảng 700 euro. Khi đã có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng của Đức sẽ được hưởng mức lương 1.800-2.000 euro. Điều kiện để tham gia chương trình này là ít nhất phải tốt nghiệp cao đẳng điều dưỡng và không quá 25 tuổi.

Lao động biệt phái

Ngoài các công ty dịch vụ việc làm, hiện nay nhiều lao động được các công ty có vốn đầu tư của Nhật Bản đưa ra nước ngoài làm việc theo dự án, để học hỏi tại công ty mẹ, hoặc hỗ trợ khách hàng. Chị Ngọc Thúy đang làm việc tại Công ty NEC Việt Nam vừa từ Nhật về sau gần hai năm làm việc, chia sẻ: “Trong thời gian làm việc tại Nhật, tôi được học hỏi thêm về ngôn ngữ, kỹ thuật, công nghệ mới. Tuy nhiên, mức thu nhập chỉ gấp rưỡi so với làm việc ở Việt Nam, vì trên thực tế đi làm việc dạng này cũng như công ty cử đi công tác”.

Chưa đầy một tuần nữa anh Trần Quốc Huy, kỹ sư của Công ty Thiết kế vi mạch Renesas Việt Nam sẽ lên đường sang Nhật Bản làm việc tại công ty mẹ. Huy là một trong bốn kỹ sư của Renesas Việt Nam được cử đi trong dịp này. Theo Huy, để được cử sang Nhật nhân viên phải được công ty đánh giá cao ở khả năng làm việc. Thời gian làm việc ở Nhật ít nhất là một năm. Ngoài mức lương tương đương với một kỹ sư người Nhật, lương ở Việt Nam vẫn được nhận bình thường. Trong năm năm mở công ty ở Việt Nam, Renesas đã đưa bảy nhóm kỹ sư sang công ty mẹ tại Nhật làm việc.

Thái Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Bổ sung nhóm người được vay vốn đi làm việc ở...

0
(SGTT) - Tại dự thảo Luật Việc làm đang được lấy ý kiến đóng góp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề...

Lưu ý cho người lao động đi Hàn Quốc làm việc...

0
(SGTT) - Sau khi hoàn thành thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động cần chờ lịch xuất cảnh, không nóng...

Cắt giảm thủ tục đưa người lao động đi làm việc...

0
(SGTT) - Hai nhóm ngành được áp dụng phương án cắt, đơn giản hóa thủ tục đưa người lao động đi làm việc ở...

Người Việt Nam dẫn đầu số lượng lao động nước ngoài...

0
(SGTT) - Số lượng người lao động mang quốc tịch Việt Nam là 518.364 người tính đến tháng 10-2023, chiếm 25,3% trong tổng số...

Ưu tiên xuất khẩu lao động sang thị trường có thu...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành,...

Kết nối