Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Covid-19 làm đảo lộn quyền lực, chính sách hộ chiếu toàn cầu

(SGTT) - Dù tiêm chủng vắc-xin ở nhiều nước đã đại trà, nhưng mở cửa biên giới các quốc gia chưa diễn ra, khách du lịch dù sở hữu hộ chiếu quyền lực đến đâu cũng không thể tự do đi lại. Điều này dẫn tới nhiều chính sách thay đổi về quyền lực hộ chiếu.

Chính sách miễn visa hoàn toàn bị đập tan

Giới siêu giàu dùng tiền để có hộ chiếu vàng. Ảnh CNN

Không tính đến các hạn chế đi lại tạm thời và không ngừng phát triển của Covid-19, Nhật Bản chắc chắn giữ vững vị trí số một trong bảng xếp hạng - dựa trên dữ liệu độc quyền từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) - với lý thuyết người mang hộ chiếu Nhật Bản có thể tiếp cận kỷ lục 193 điểm đến miễn thị thực trên thế giới.

Singapore vẫn ở vị trí thứ 2, với số điểm miễn thị thực khi đến là 192, trong khi Đức và Hàn Quốc lại chia sẻ vị trí thứ 3, mỗi nước có quyền đi đến 191 điểm đến.

Như đã diễn ra ra trong hầu hết lịch sử 16 năm của chỉ số, phần lớn 10 vị trí hàng đầu còn lại do các nước EU nắm giữ. Anh và Mỹ, cả hai quốc gia này tiếp tục đối mặt với quyền lực hộ chiếu bị xói mòn dần kể từ khi họ giữ vị trí đầu bảng vào năm 2014, hiện đang chia sẻ vị trí thứ 7, với điểm số 187 miễn thị thực khi đến.

Kết quả mới nhất chỉ ra rằng khoảng cách về tự do đi lại hiện đang ở mức lớn nhất kể từ khi chỉ số bắt đầu vào năm 2006, với người mang hộ chiếu Nhật Bản có thể đến được nhiều hơn 167 điểm đến so với công dân Afghanistan, những người chỉ có thể đến 26 điểm trên toàn thế giới mà không cần xin thị thực trước.

Mặc dù có rất ít biến động trong Chỉ số Hộ chiếu Henley trong 5 quí qua kể từ khi Covid-19 bùng phát, nhưng lùi lại một bước cho thấy một số động lực thú vị trong thập kỷ qua.

Quí 2-2021 lần đầu tiên chứng kiến ​​Trung Quốc lọt vào top những “nhà leo núi nhanh nhất” trong thập kỷ qua. Trung Quốc đã tăng 22 bậc trong bảng xếp hạng kể từ năm 2011, từ vị trí thứ 90 với điểm số miễn thị thực khi đến chỉ là 40 lên vị trí thứ 68 với điểm số 77.

Câu chuyện xoay chuyển đáng chú ý nhất trên bảng xếp hạng cho đến nay là UAE, tiếp tục phát triển vượt bậc của mình. Năm 2011, UAE được xếp hạng 65 với số điểm miễn thị thực khi đến là 67, trong khi ngày nay, nhờ những nỗ lực không ngừng của Emirates trong việc tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên toàn cầu, nó được xếp hạng 15 với số điểm trong tổng số 174. 

Những người có hộ chiếu Thụy Sĩ được miễn visa tới 186 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: CNN

Ngoại lệ với gia đình giàu có

Có hộ chiếu Nhật Bản tới được 193 nước. Ảnh BI

Bangladesh không phải là cái tên sáng trong bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực. Nhưng chỉ cần bỏ ra 100.000 đô la, cuộc đời bạn sẽ sang trang mới. Covid-19 đồng nghĩa với việc có ít lựa chọn đi lại, du lịch hơn. Điều này ngoại lệ với các gia đình giàu có - những người vẫn đang sử dụng tài chính vững chắc của mình để giúp bản thân vượt qua nhiều biên giới mà theo lẽ thường, họ không thể bước tới.

Theo CNN, đó là thế giới của những người siêu giàu trong việc đầu tư di cư - nơi các đơn xin hộ chiếu không dựa trên quốc tịch hay quyền công dân của người nộp, mà dựa trên sự giàu có cũng như sẵn sàng mang tài sản đó đến mọi nơi. Những người siêu giàu sẽ chuyển tiền của họ để đầu tư vào một quốc gia, và đổi lại họ được nhận quyền công dân cũng như cấp hộ chiếu mới. Chương trình này còn được biết với một cái tên mỹ miều khác: "Những tấm visa vàng".

Động lực chính của những người tham gia chương trình này chính là họ được quyền tự do đi lại, hưởng nhiều lợi ích thuế, môi trường sống và giáo dục tốt hơn... Tài sản của họ thường từ 2 triệu đô la đến hơn 50 triệu đô la. Trong đại dịch, nhiều gia đình giàu có cũng đang cân nhắc tìm kiếm những điểm trú ẩn an toàn để bảo vệ sức khỏe.

Động thái này không chỉ nhằm ứng phó với Covid-19 của hiện tại. "Những người giàu không lập kế hoạch 5-10 năm. Họ lên kế hoạch cho sự giàu có, hạnh phúc trước 100 năm", Dominic Volek, trưởng bộ phận châu Á của Henley & Partners nói.

Quan tâm đến visa vàng tăng 49%

Nhiều người giàu thích sống ở Canada. Ảnh BI

Henley & Partners cho biết 6 tháng cuối năm 2020, số người quan tâm đến chương trình visa vàng tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người nộp đơn sau khi được tư vấn tăng 42%. Công ty tư vấn hàng đầu thế giới này tin rằng, số lượng tăng liên quan một phần đến Covid-19, các vấn đề về sức khỏe và cả nỗi lo về "ngày tận thế" của khách hàng.

Một trong hai địa điểm hàng đầu được nhiều người yêu thích nhất là Montenegro và đảo Síp. Số lượng người đăng ký để có hộ chiếu tới hai nơi này năm nay tăng 142% và 75%. Malta cũng là nước được quan tâm đáng kể. Sức hút trở thành công dân của đảo Síp và Malta là cho phép họ tự do đến và định cư không giới hạn trên khắp liên minh châu Âu. Họ không chỉ có quyền tự do đi lại, mà còn được hưởng nền giáo dục, y tế tốt hơn (so với quê nhà).

New Zealand và Australia cũng là điểm đến được nhiều người quan tâm. Nhưng chỉ những gia đình có tài sản ròng cực cao mới có thể "với tới". Để tham gia vào chương trình cư trú hợp pháp ở Australia, bạn phải bỏ ra 1-3,5 triệu đô la. Trong khi đó ở New Zealand, con số lên đến 1,9-6,5 triệu đô la.

Ngoài những quốc gia có "tên tuổi" phía trên, người giàu trên thế giới cũng tìm kiếm những nơi nhỏ, hẻo lánh để đưa gia đình đến ở nếu có một đợt dịch bệnh khác bùng phát. Nhiều người tin rằng các quốc gia nhỏ sẽ đối phó và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. "Dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát ở Mỹ. Nhưng các nước nhỏ hơn lại không bị ảnh hưởng nặng nề như vậy, ví dụ các quốc gia ở Caribbean như Dominica, Antigua, Barbuda... Ngoài ra, phí để sở hữu hộ chiếu của nó cũng rẻ hơn, việc tự do đi lại cũng nhiều hơn.

Khách chương trình "visa vàng" đang thay đổi

"Hộ chiếu Bangladesh không được tự do đi lại ở nhiều nước. Một người giàu ở đây chỉ cần quyên góp 100.000 đô la cho chính phủ Antigua và Barbuda, cộng với phí dịch vụ, gia đình bốn người của bạn có thể nhận được hộ chiếu thứ hai trong 4-6 tháng", Volek nói.

Con số này có thể là 250.000 đô la ở St Kitts và Nevis, 280.000 đô la ở Hy Lạp, 380.000 đô la ở Bồ Đào Nha, 1,1 triệu đô la ở Malta và 2,4 triệu đô la ở đảo Síp.

Volek gợi ý Bồ Đào Nha là cái tên hấp dẫn, vì mức giá rẻ nhưng hộ chiếu của họ lại được phép đi lại tự do trong khối Schengen ( 25 nước châu Âu). Ngoài ra, bạn có thể hợp pháp trở thành công dân của nước này sau 5 năm cư trú dài hạn, miễn là có thể nói được tiếng địa phương ở trình độ sơ cấp. Nếu bạn có tài chính mạnh, có thể chuyển thẳng đến Malta hoặc đảo Síp, vì sẽ có quốc tịch ở EU ngay lập tức.

Khách hàng của chương trình "visa vàng" cũng đang thay đổi. Số lượng khách Mỹ, Ấn Độ, Nigeria và Lebanon nộp đơn tăng đột biến nhiều nhất trong 9 tháng qua. Số người Mỹ muốn tham gia chương trình này trong quí 1-2021 tăng 700% so với quí cuối cùng của năm 2019, song song với khách đến từ Trung Quốc và Trung Đông.

Năm 2017, có khoảng 5.000 người mỗi năm sở hữu hai quốc tịch thông qua chương trình visa vàng. Nhưng vào năm 2020, con số này đã lên gần 25.000 người. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người giàu nào cũng có thể dễ dàng lấy được hộ chiếu thứ hai. Không phải bất kỳ nhà tài phiệt nào giao ra một triệu đô la cho chính phủ, và có luôn hộ chiếu. Tùy thuộc từng quốc gia, quá trình thẩm định có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Những người nộp đơn phải trải qua một cuộc kiểm tra, đánh giá tài chính và hình sự kỹ lưỡng để đảm bảo số tiền họ kiếm được là hợp pháp. Sau đó, họ mới được chấp nhận quyền cư trú, hoặc cấp quốc tịch mới.

Malta là ví dụ. Quốc gia này có quy trình thẩm định nghiêm ngặt, gồm 4 cấp. Người nộp đơn phải tiết lộ giá trị tài sản ròng của họ, nguồn tiền cũng như cung cấp giấy chứng nhận thông quan của cảnh sát ở quốc gia nơi họ sinh ra cũng như bất kỳ nơi nào họ đã sống nhiều hơn 6 tháng trong 10 năm trở lại. Malta có tỷ lệ từ chối 20-25%.

"Họ sẽ từ chối người nộp đơn nếu cảm thấy không thoải mái về việc người này sẽ được mang quốc tịch của họ", Volek nói.

Hào quang của hộ chiếu Mỹ đang nhạt nhòa

Hộ chiếu Mỹ được coi là biểu tượng của quyền lực. Nhưng ngày nay, hào quang quanh nó đang mờ dần. Từ lâu, hộ chiếu Mỹ được coi như tấm vé vàng cho việc đi du lịch mà không cần xin visa. Theo công bố của Henley & Partner, công ty tư vấn cư trú và quyền công dân toàn cầu, hộ chiếu Mỹ đứng thứ 7 trên thế giới.

Nhưng hiện tại, người Mỹ đang dần phải quen với việc hộ chiếu của họ không còn đặc quyền như trước. Vào giữa tháng 7-2020, 5 du khách Mỹ trên đường đến Sardinia đã bị từ chối khi máy bay riêng của họ hạ cánh trên hòn đảo nằm trên biển Địa Trung Hải. Ở Canada, hai người Mỹ bị phạt vì phớt lờ quy định hạn chế nhập cảnh. Tại Mexico, một nước láng giềng khác, thống đốc các bang đang yêu cầu chính phủ đưa ra những hạn chế chặt chẽ hơn đối với khách du lịch đến từ xứ cờ hoa này, như một biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus.

Trên thế giới, sự hạn chế đi lại trong dịch bệnh ở mỗi quốc gia khác nhau. Nhưng phần lớn thế giới hiện đang chung một quan điểm: du khách đến từ Mỹ không được chào đón. Nhiều quốc gia đã thắt chặt đi lại với du khách Mỹ. Động thái này xuất phát từ việc Covid-19 vẫn còn tiến triển phức tạp và nhiều ca nhiễm mới tăng cao ở quốc gia này. Có thể nói, vầng hào quang quanh thứ giấy tờ tùy thân này đang dần mờ đi.

Dimitry Kochenov, giáo sư luật của đại học Groningen, Hà Lan cho biết quyền công dân là một trong những yếu tố chính gây nên sự bất bình đẳng toàn cầu ngày nay. Và hộ chiếu Mỹ luôn là biểu tượng cho đặc quyền cao nhất. Người sở hữu cuốn hộ chiếu này cũng khiến nhiều người khác phải ghen tỵ, ngưỡng mộ. Và trong đại dịch, ranh giới giữa những cuốn hộ chiếu mạnh - yếu nhất được kéo gần lại hơn. Kochenov cũng chỉ ra hộ chiếu Mỹ thường cho phép công dân dễ dàng nhập cảnh ở một vùng đất mà không cần xin thị thực. Trong khi đó, hộ chiếu trong liên minh châu Âu lại vượt trội hơn về chất lượng, vì những người mang hộ chiếu này có quyền tự do đi lại, tái định cư ở bất kỳ đâu trong khối.

Robin Niblett, giám đốc của một tổ chức nghiên cứu về các vấn đề quốc tế có trụ sở tại London, Anh cho biết việc một trong những quốc gia tiên tiến nhất thế giới bị đưa vào tình trạng không ai chào đón này thực sự gây sốc.

Chính những người Mỹ cũng bị sốc, ngạc nhiên trước sự thay đổi này trong đại dịch. Vincent Rajkumar, giáo sư y khoa ở Minnesota, cho biết trong chuyến đi đến Australia hồi tháng 1, ông bị hỏi rất nhiều về việc có từng đến Trung Quốc không. "Tôi từng nhớ mình đã rất vui khi có hộ chiếu Mỹ và tin rằng mình sẽ không bao giờ bị thẩm vấn bởi hải quan ở một nước nào đó khi ghé thăm. Nhưng trong hai tháng qua, điều này đang xảy ra. Nó khiến tôi kinh ngạc".

ShaDonna Jackson, nhiếp ảnh gia đến từ Maryland, đã bắt đầu nghiên cứu việc mang hai quốc tịch. Cô cho biết động thái này một phần xuất phát từ việc người Mỹ đang chịu nhiều hạn chế nhập cảnh từ khắp thế giới trong đại dịch. Cô cũng cảm nhận tình hình dịch bệnh ở Mỹ khiến người dân ở các quốc gia khác e ngại như thế nào. Tuy nhiên, các hạn chế mà hộ chiếu Mỹ đang phải "chịu đựng" sẽ chỉ là tạm thời. Khi đại dịch qua đi hoặc được kiểm soát, các chuyên gia tin rằng cuốn hộ chiếu này lại tỏa sáng một lần nữa trên đấu trường bảng xếp hạng các cuốn hộ chiếu quyền lực nhất.

Nguyễn Hưng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối