(SGTT) – Tuy ở nhà trong mùa dịch nhưng mọi người vẫn có thể chuẩn bị một vài món hấp dẫn cho cả gia đình. Đặc biệt, nó có thể trữ lâu trong tủ lạnh, khi thưởng thức chỉ cần chế biến một chút là dùng được.
- Đầu bếp Nguyễn Văn Vinh: Đam mê nghề bếp đến từ sự thử thách
- Bí quyết làm cơm trộn nổi tiếng Hàn Quốc từ tổng bếp trưởng sân golf
Theo đó, đầu bếp Nguyễn Văn Vinh, chi hội trưởng Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Bình Dương giới thiệu đến mọi người công thức các món ăn như bánh gạo với sốt cay, dồi sụn và cà la thầu (củ cải muối). Ưu điểm của các món này là được làm “tươi”, trữ tủ lạnh, khi thưởng thức mới chế biến nên chất lượng vẫn bảo đảm. Trong khi đó, cà la thầu có thể bảo quản từ 1-2 tháng, có thể dùng với cơm, cháo, bánh mì.
Bánh gạo cay
- Bột gạo
- Bột nếp
- Bột năng theo tỷ lệ 3 bột gạo : 2 bột nếp : 1 bột năng
Cách làm
Bước 1: Cách làm bánh gạo tươi: Trộn đều nguyên liệu, thêm ít muối, bắc nồi nước để sôi bùng, trộn hỗn hợp từ từ, nhồi bột như khi làm bánh, đến khi bột mịn và không còn dính tay là đạt yêu cầu, đem bột ủ khoảng 15-20 phút cho bột nở, chia bột thành từng phần nhỏ, nặn thành que, hình tròn hay bỏ vào khuôn tùy sở thích.
Bước 2: Cách làm bánh gạo tươi (tt): Bắc nồi nước sôi để luộc bột, cho ít dầu vào nước để bột có độ bóng, đến khi bột nổi lên, vớt ra ngâm nước lạnh. Sau đó, cất bột vô tủ mát, khi nào ăn thì lấy bột ra chế biến.
Bước 3: Làm sốt: Nguyên liệu gồm tương ớt Hàn Quốc, ớt bột, nước đường hoặc mật ong, một ít nước tương. Trộn đều các nguyên liệu, để sốt vào trong tủ lạnh có thể trữ 1-2 tháng.
Bước 4: Chế biến bánh gạo: Chiên bột trong dầu đến khi bột giòn lớp bên ngoài. Pha nước và sốt theo tỷ lệ 3 nước : 1 sốt. Có thể bỏ thêm tỏi, hành boa rô, chả cá, xúc xích vào sốt.
Dồi sụn tươi
Nguyên liệu
- Sụn heo hay sụn gà
- Thịt heo xay
- Mỡ gáy heo
- Lòng non (chọn lòng heo tươi)
- Hành tây
- Rau quế
- Rau răm
- Hành lá
- Đậu phộng rang
- Gia vị: Hạt nêm, muối, nước mắm, rượu, dầu màu điều
Cách làm
Bước 1: Làm dồi sụn tươi: Rửa, chà sạch lòng non với muối giấm hoặc rượu gừng. Băm nhuyễn hoặc xay nhuyễn các nguyên liệu còn lại. Trộn đều các nguyên liệu, gia vị, cho hỗn hợp nghỉ chừng 15-20 phút để mọi thứ kết dính lại và gia vị thấm hơn, sau đó trộn lần nữa. Thắt gút 1 đầu ruột non lại.
Bước 2: Làm dồi sụn tươi (tt): Dùng phễu nhồi nhân vào ruột, dùng 1 chiếc đũa để dồn nhân xuống dưới, vuốt cho nhân dễ xuống, sau khi nhồi hết thì cột gút đầu còn lại. Lấy dây chia ruột ra thành từng khúc, cột lại.
Bước 3: Làm dồi sụn tươi (tt): Bắc nồi nước, cho dồi vào luộc 5 phút đến khi dồi chuyển sang màu trắng, dùng tăm xăm vào dồi để dồi không bị bể, để nguội và đem trữ trong tủ mát.
Bước 4: Chế biến: Xiên dồi và nướng hoặc chiên trên chảo. Nếu chiên, không dùng dầu, cho ít nước, để dồi tự chảy mỡ, khi chiên trở mặt dồi để chín, vàng đều đến khi cạn nước.
Cà la thầu
Nguyên liệu
- Củ cải trắng
- Ớt trái phơi khô (nếu dùng trái ớt tươi, nước sốt hay bị nhớt, không để lâu được)
- Gừng
- Tỏi lát
- Gia vị: Đường, nước tương, muối
Cách làm
Bước 1: Cắt củ cải vừa ăn, ngâm với ít muối trong 2 giờ, sau đó rửa sạch, vắt kỹ cho ráo để dễ ngấm nước sốt. Phơi củ cải 2 nắng hay sấy khô.
Bước 2: Pha sốt theo tỷ lệ 1 nước tương : 1 đường : 2 nước, thêm một ít muối. Cho củ cải, gừng tỏi lát, ớt nguyên trái vào hủ thủy tinh, đổ ngập sốt, đậy nắp lại. Để ở nhiệt độ phòng trong 2 ngày cho sốt thấm vào củ cải, sau đó để tủ mát nửa ngày cho củ cải giòn hơn.
Lưu ý: Món này bảo quản trong 2 tháng. Có thể thay củ cải bằng đu đủ sống, su hào Đà Lạt nhưng dùng củ cải vẫn là ngon nhất.
Quỳnh Châu ghi