Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Công nhận Đền Hùng ở Phú Thọ là khu du lịch quốc gia

(SGTTO) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 3040/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận khu du lịch quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. 

Theo đó, khu du lịch quốc gia Đền Hùng có diện tích 11.350,74 ha gồm diện tích khu di tích lịch sử Đền Hùng tích hợp cùng toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Việt Trì.

Về ranh giới, phía Bắc khu du lịch quốc gia Đền Hùng giáp thị trấn Phong Châu và xã Bình Phú, huyện Phù Ninh; phía Đông giáp sông Lô và xã Bình Phú, huyện Phù Ninh; phía Nam giáp sông Hồng; phía Tây giáp xã Thạch Sơn và thị trấn Hùng Sơn huyện Lâm Thao.

Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Lữ hành Việt Nam

Theo thông tin từ các trang thông tin du lịch, thời điểm thích hợp đi du lịch đến Đền Hùng là đầu năm. Đây cũng là thời điểm phù hợp để đi lễ đền, chùa ngoài miền Bắc. Đặc biệt, lễ hội giỗ tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức vào ngày 10-3 Âm lịch là dịp phù hợp để đến Phú Thọ tham quan Đền Hùng. Ở Đền Hùng có rất nhiều địa điểm để tham quan.

Cổng đền

Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê.

Cổng đền. Ảnh: Mytour.vn

Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ. Giữa tầng một có đề bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

Đền Hạ

Kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.

Nhà bia

Ngay chân đền Hạ là nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can.

Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19-9-1945.

Chùa Thiên Quang

Gần đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên quang thiền tự. Chùa gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà tổ ở phía sau. Các tòa được làm theo kiểu cột trụ. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong.

Chùa Thiên Quang. Ảnh: Mytour.vn

Trước cửa chùa có cây thiên tuế. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Có một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ 17. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa.

Đền Thượng

Được đặt trên đỉnh núi Hùng, đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam).

Đền được làm kiểu chữ vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng qua bốn cấp khác nhau gồm: nhà chuông trống (cấp 1), đại bái (cấp 2), tiền tế (cấp 3) và hậu cung (cấp 4). Bên phía tay trái đền có một cột đá thề cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông.

Lăng Hùng Vương

Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình quả ngọc theo tích “Cửu long tranh châu”.

Lăng Hùng Vương. Ảnh: phatgiao.org.vn

Mái đắp ngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lăng có mộ Vua Hùng.

Bảo tàng Hùng Vương

Bảo tàng Hùng Vương được khởi công vào năm 1996 và khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm 2003. Gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề  “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.

Việt Nam đến nay đã có 6 địa điểm được công nhận là khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai), khu du lịch quốc gia núi Sam (An Giang), khu du lịch quốc gia Trà Cổ (Quảng Ninh), khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận) và khu du lịch quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ).

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dự kiến tăng hơn 100 chuyến bay/ngày dịp lễ 30-4 và...

0
(SGTT) -  Các hãng hàng không đã báo cáo về việc đang xây dựng kế hoạch bổ sung chuyến bay trên các đường bay...

Ngày cuối tuần, về Đà Nẵng khám phá “bán đảo xanh”...

0
(SGTT) – Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà là địa điểm khám...

TPHCM muốn ưu tiên thủ tục xuất nhập cảnh cho khách...

0
(SGTT) - Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các đơn vị nghiên cứu, xem xét các giải pháp như làn ưu tiên, dịch vụ...

Khách quốc tế tăng nhưng thắt chặt chi tiêu

0
(SGTT) - Mặc dù lượng khách quốc tế tăng cao trong hai tháng đầu năm nay nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng...

Thăm thú 3 cung điện nổi tiếng tại thành phố Jaipur,...

0
(SGTT) - Thành phố Jaipur - thủ phủ bang Rajasthan, một trong những bang lớn nhất Ấn Độ, nổi tiếng với tên gọi "thành...

Trần giá vé máy bay tăng, công ty lữ hành thiết...

0
(SGTT) – Sau khi chính sách tăng giá trần vé máy bay có hiệu lực, các công ty lữ hành cũng nhanh chóng thiết...

Kết nối