Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Con heo VietGAP có đi được xa?

NGỌC HÙNG-BẢO UYÊN –

Cửa hàng bán thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên trên cả nước đã ra mắt tại chợ Hòa Bình (quận 5, TPHCM) hồi cuối tuần rồi. Đây là cửa hàng thí điểm và ngay từ những ngày đầu mở bán đã nhanh chóng thu hút khá đông khách hàng. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của người tiêu dùng thì cũng có những vấn đề đang đặt ra cho nhà sản xuất và nhà phân phối trong việc đưa sản phẩm sạch này ra thị trường về lâu dài.

Kết quả hơn mong đợi

Dù ở cách chợ Hòa Bình vài cây số nhưng chị Cẩm Đào, nhà ở quận 10, vẫn không ngại đường xa để đến chợ này mua thịt heo sạch (heo đạt tiêu chuẩn VietGAP – thực hành nông nghiệp tốt). Ngày thường, chị mua thịt ở siêu thị hoặc quầy quen bán ở chợ. Dù sản phẩm có đóng dấu mộc của ngành thú y nhưng chị vẫn thấy chưa yên tâm lắm. Còn bây giờ, chị cho rằng nếu thịt VietGAP duy trì được chất lượng và sạch đúng như quảng cáo thì chị sẽ mua lâu dài. “Tôi không ngại đường xa hay giá có mắc hơn một chút, miễn sao mua được miếng thịt ngon, sạch cho con mình”, chị nói.

Cửa hàng bán thịt heo VietGAP đầu tiên tại TPHCM chỉ mở cửa từ 6-10 giờ sáng mỗi ngày. Ảnh: Bảo Uyên
Cửa hàng bán thịt heo VietGAP đầu tiên tại TPHCM chỉ mở cửa từ 6-10 giờ sáng mỗi ngày. Ảnh: Bảo Uyên

Là một trong rất nhiều khách hàng quay lại quầy thịt heo VietGAP ở chợ Hòa Bình sau ngày đầu khai trương, bà Nguyễn Thị An, nhà ở quận 5, không chỉ mua thịt dùng cho hai vợ chồng mà còn mua giúp cho gia đình các con. Rút kinh nghiệm hàng hết sớm trong ngày đầu, những ngày sau, bà An đã đến chợ từ 7 giờ sáng để có thể chọn mua được nhiều loại thịt hơn. “Thịt heo VietGAP có màu hồng tự nhiên, phần nạc mịn, phần mỡ dày chắc, không nhão như heo thường”, bà An nhận xét.

Thế nhưng, không phải khách hàng nào cũng may mắn mua được thịt sạch như bà An hay chị Đào, không ít người tìm đến chợ rồi phải về tay không cho dù cửa hàng vẫn còn thịt. Để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thịt VietGAP chỉ được bày bán trong vòng bốn giờ, 6-10 giờ mỗi ngày. Trong trường hợp còn hàng, nhân viên sẽ mang về lại công ty để xử lý theo quy trình.

Theo bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ (đơn vị bao tiêu và phân phối thịt heo VietGAP tại TPHCM), chính vì tiêu chuẩn nghiêm ngặt như vậy nên sản phẩm càng được người tiêu dùng tin tưởng, lượng thịt bán ra tăng theo từng ngày. “Ngày đầu, cửa hàng tiêu thụ được 100 kg thịt. Đến ngày thứ ba thì đã tăng lên gấp ba lần. Có hôm mới 9 giờ đã hết hàng”, bà Thắm nói.

Cũng theo bà Thắm, với tình hình sức mua tăng nhanh như hiện nay, trong sáu tháng tới, Công ty An Hạ sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng thịt VietGAP ở nhiều chợ trên địa bàn TPHCM. Dự kiến, mỗi ngày công ty sẽ cung cấp 25 tấn thịt ra thị trường.

Mua thịt sạch bằng giá thịt thường

Thịt heo VietGAP bán thí điểm tại chợ Hòa Bình là một trong những kết quả của dự án Cạnh tranh nông nghiệp và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 2010 tại TPHCM và một số địa phương khác. Dự án này bắt đầu vào năm 2010 với nguồn tài chính là 6 triệu đô la Mỹ và kết thúc vào tháng 9-2015. Theo quy định, heo nuôi trước khi xuất chuồng phải đạt các tiêu chí an toàn về kim loại nặng, thuốc kháng sinh và đặc biệt là hoóc môn tăng trọng, do những hộ chăn nuôi theo mô hình nuôi heo an toàn (VietGAP) cung cấp.

Ông Trần Phương Đông, Phó giám đốc dự án Lifsap tại TPHCM, cho biết để đảm bảo thịt heo an toàn từ trang trại đến tay người tiêu dùng, cán bộ của dự án thường xuyên tiến hành lấy mẫu huyết thanh, thức ăn và mẫu môi trường để giám sát dịch bệnh và kiểm soát chất lượng thịt. Các chuồng trại nuôi heo VietGAP đều phải bảo đảm an toàn sinh học để giảm thiểu dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, cơ sở giết mổ cũng phải đảm bảo vệ sinh và một số tiêu chuẩn nhất định về diện tích, nhiệt độ lò mổ, vấn đề vệ sinh các phương tiện chế biến. Hiện nay, Công ty An Hạ đã xây dựng riêng một dây chuyền giết mổ đúng quy trình tại huyện Củ Chi (TPHCM) để phục vụ cho việc cung ứng thịt heo VietGAP ra thị trường thành phố.

Mặc dù khắt khe đầu ra và quy chuẩn trong chăn nuôi như vậy nhưng hiện tại thịt heo VietGAP chỉ có giá bằng với giá thịt heo thường tại chợ. Cụ thể, thịt vai, thịt nách 70.000 đồng/kg; thịt ba rọi 85.000 đồng/kg; sườn non 125.000 đồng/kg… Để được mức giá đó, Công ty An Hạ phải thu mua heo sạch của nông dân bằng giá heo thường. Nếu không được hỗ trợ từ dự án Lifsap, theo bà Thắm, người chăn nuôi khó có lợi nhuận. Vì vậy, trong thời gian tới, khi người tiêu dùng đã quen với thịt sạch, công ty sẽ buộc phải tăng giá bán, từ đó mới nâng được giá thu mua lên cho người chăn nuôi.

Đầu đã xuôi, chờ đuôi lọt

Không phải đến bây giờ người nuôi heo ở TPHCM hay các tỉnh, thành lân cận mới chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Câu chuyện này trên thực tế đã được đề cập khoảng hơn năm năm trở về trước nhưng rồi đâu lại vào đó, các hộ chăn nuôi, hợp tác xã đều trở lại cách nuôi truyền thống sau vài lần thí điểm không thành do nuôi theo VietGap thì họ phải tốn thời gian và chi phí cao hơn nhưng chỉ bán được với giá bằng như giá heo nuôi theo cách bình thường.

Đơn cử, cách đây vài năm, Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong ở huyện Củ Chi, TPHCM đã bắt tay vào nuôi heo đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng khi heo xuất chuồng thì phải bán với giá bằng giá heo nuôi bình thường do thương lái không quan tâm heo nào khác heo nào.

Cũng cách đây mấy năm, TPHCM đã hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ dân trồng rau theo VietGAP nhưng sau đó sản phẩm làm ra không bán được do các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn chưa mặn mà với rau VietGAP. Vì thế, nhiều hộ dân, hợp tác xã trồng rau theo VietGAP buộc phải bán rau sạch với giá bằng giá rau trồng bình thường. Sau đó, dưới sự hỗ trợ của Sở Công Thương TPHCM, các hệ thống siêu thị bắt đầu bán rau VietGAP. Nhờ vậy, tổng diện tích rau VietGAP trên địa bàn thành phố tăng lên rõ rệt sau mỗi vụ.

Ngược lại, có trường hợp có những địa phương triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp sạch nhưng rồi chỉ sau một thời gian đã gặp khó và phải quay trở về với cách sản xuất truyền thống, mà nguyên nhân là do thiếu thị trường và thiếu sự hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Th, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TPHCM, cho biết một trong những lý do khiến thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP chưa đến được tay người tiêu dùng là vì sự kết nối giữa người chăn nuôi và các doanh nghiệp cũng như hệ thống các siêu thị chưa thành công.

Với câu chuyện thịt heo VietGAP ra thị trường vừa được xới lên, đã có ý kiến lo ngại được nêu lên là nguồn cung có bị tắc nửa chừng nếu trong thời gian tới không có một dự án nào đứng ra hỗ trợ từ quy trình chăn nuôi đến giá bán? Liệu sản phẩm thịt heo VietGAP có là một sự lặp lại câu chuyện của một số sản phẩm nông nghiệp đạt VietGAP, GlobalGAP trước đây đã từng gặp phải. Đây là một thực tế khi theo bà Thắm, dù bán thịt heo VietGAP nhưng phải bán với giá ngang giá thịt heo nuôi bình thường nên công ty không thể nào thu mua heo với giá cao hơn đối với các hộ chăn nuôi đang đi theo mô hình VietGAP. Hiện tại, theo bà Thắm, nếu không được hỗ trợ từ dự án Lifsap thì người chăn nuôi khó có lợi nhuận.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT TPHCM, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 9.000-10.000 con heo (loại 100 kg hơi). Tính ra, với tỷ lệ thu hồi thịt là 75% thì mỗi ngày thành phố tiêu thụ từ 675.000 tấn đến 750.000 tấn thịt heo. Đây là con số quá lớn so với 300 kg thịt heo VietGAP đang tiêu thụ hiện tại hay 25 tấn như kế hoạch của Công ty An Hạ trong thời gian tới. Xem ra, chuyện đưa thịt heo sạch đạt chuẩn đến tay người tiêu dùng còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc mở nhiều hơn các cửa hàng, các điểm bán cho thịt heo VietGAP.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Không lo thiếu thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán...

0
(SGTT) - Chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, dự kiến sản lượng thịt heo cung ứng cho TPHCM...

Sức mua yếu ‘kích hoạt’ cuộc đua giá xuống đáy của...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì cuộc đua bán hàng hóa giá cạnh tranh, giá thấp, tại...

Hộ nuôi heo ngại tái đàn dịp Tết Nguyên đán 2024

0
(SGTT) - Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, hộ chăn...

Các ngôi chợ lâu đời ở TPHCM: Chợ Tân Định –...

0
(SGTT) - Ban đầu được biết đến với tên gọi Marché de Phu-Hoa, Chợ Tân Định là một trong những khu chợ lâu đời...

Còn hơn 70% cơ sở giết mổ động vật hoạt động...

0
Theo Cục Thú y, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước còn hơn 70% cơ sở giết mổ động vật...

Ngành chế biến thịt ở Đức điêu đứng khi người tiêu...

0
Xu hướng ăn uống lành mạnh hơn, chú trọng thực vật khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở Đức giảm nhanh, từ mức...

Kết nối