Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Có quyền nhưng quên sử dụng

Người tiêu dùng nên trang bị kiến thức, chia sẻ thông tin và dùng sức mạnh của mình để phản ứng trước những sản phẩm kém chất lượng, thay vì trông chờ vào ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đó là một trong những ý kiến được nêu lên tại diễn đàn “Nâng cao lòng tin người tiêu dùng và uy tính doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của thị trường nội địa”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) phối hợp cùng Tổng cục Môi trường và Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua.

Phải lên tiếng

Phát biểu với tư cách một người tiêu dùng, chị Thúy Anh nêu thực trạng hiện nay người tiêu dùng mất niềm tin vào nhiều sản phẩm. Hàng ngày xách giỏ đi chợ, người tiêu dùng nhìn đâu cũng thấy những mối hiểm họa; họ mua sắm dựa vào niềm tin thương hiệu và nhãn mác sản phẩm, nhưng đôi khi cũng mất niềm tin đối với các sản phẩm này. Theo chị, để tự bảo vệ bản thân và gia đình, mỗi người tiêu dùng cần phải nâng cao kỹ năng mua sắm cho mình, phải để ý đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Chị Anh cho rằng cộng đồng người tiêu dùng cần có sự chia sẻ kiến thức, nên liên kết lại để tạo sức mạnh thực sự. Nghĩa là, khi có thông tin về sản phẩm hoặc công ty sản xuất sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng nên thông tin, chia sẻ cho nhau cùng biết, kể cả việc tẩy chay sản phẩm kém chất lượng. “Nếu không có người mua thì doanh nghiệp sản xuất ra bán cho ai?”, chị Anh phát biểu.

Được mua sản phẩm an toàn, chất lượng là quyền của người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Yến
Được mua sản phẩm an toàn, chất lượng là quyền của người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Yến

Đồng quan điểm, ông Bùi Việt Hà, Chủ nhiệm mạng xã hội Sống Xanh, cho rằng người tiêu dùng không nên chỉ trông chờ vào nhà sản xuất, nhà bán lẻ hay các cơ quan chức năng, thay vào đó mỗi người phải có trách nhiệm với tiêu dùng của bản thân, tự trang bị kiến thức cho mình. Muốn sử dụng sản phẩm nào, cần biết về nguồn gốc của sản phẩm ấy. Điều này không phải ngày một ngày hai mà có được, nó đòi hỏi người tiêu dùng phải bỏ công tìm hiểu, quan sát, đối chiếu, so sánh với các sản phẩm khác.

Ông Hà cho biết ở một số nước trên thế giới, người tiêu dùng chỉ việc xem nhãn mác để lựa chọn sản phẩm. Nếu sản phẩm gắn nhãn hữu cơ thì chắc chắn đó là sản phẩm hữu cơ, gắn mác an toàn thì chắc chắn đó là an toàn. Còn tại Việt Nam, nhiều khi gắn nhãn mác an toàn cũng chưa chắc đảm bảo. Do vậy, người tiêu dùng phải tự thân có trách nhiệm với chính tiêu dùng của mình.

Một vấn đề rất quan trọng khác, theo ông Hà, đó là người tiêu dùng nên tập thói quen có trách nhiệm chia sẻ thông tin cho cộng đồng để mọi người cùng biết. Đồng thời nên phản hồi thông tin khi mua phải sản phẩm không đảm bảo. Lâu nay, nhiều người lỡ mua phải sản phẩm kém chất lượng thường bỏ qua vì có suy nghĩ: sản phẩm đó không có giá trị quá lớn, hoặc phản ánh thông tin đến nhà sản xuất hay nhà bán lẻ sẽ mất thời gian…

Chính suy nghĩ này làm mất quyền lợi của người tiêu dùng. “Mình phải bỏ thời gian, phải bỏ công sức, phải làm cho ra vấn đề nếu mua phải bất kỳ sản phẩm gì không đạt yêu cầu chất lượng, và nhất là phải chia sẻ nó với mọi người. Có như vậy, quyền lợi của mình mới dần dần được đảm bảo nhiều hơn, được nhà sản xuất, doanh nghiệp hay chính cơ quan nhà nước quan tâm nhiều hơn”, ông Hà phát biểu.

Ông Lê Ngọc Châu, Ủy viên ban chấp hành Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), Chánh văn phòng CLB Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng, cho biết người tiêu dùng đang gặp rất nhiều khó khăn, vai trò của họ chưa được phát huy.

Công tác bảo vệ người tiêu dùng của hội cũng gặp những khó khăn. Chẳng hạn, khi người tiêu dùng phán ánh sản phẩm A kém chất lượng, sản phẩm B có độc tố, bản thân hội không có phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Nếu muốn, người tiêu dùng phải mang sản phẩm đi xét nghiệm…

Theo ông, người tiêu dùng cần sử dụng sức mạnh của mình. Với sản phẩm không đạt chất lượng, không đảm bảo an toàn, người tiêu dùng hãy tẩy chay doanh nghiệp. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp phải sợ, phải có ý thức sản xuất bền vững, sản xuất sản phẩm an toàn. Đồng thời, cơ quan nhà nước và báo chí nên có biện pháp, giới thiệu rộng rãi cho người tiêu dùng biết doanh nghiệp, sản phẩm nào đáng tin cậy, bán ở đâu, giá cả như thế nào.

[box type=”download”] Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng phải được bảo đảm an toàn sức khỏe khi sử dụng hàng hóa và dịch vụ, được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa và dịch vụ, được góp ý kiến với tổ chức kinh doanh hàng hóa về giá cả và chất lượng hàng hóa, được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa và dịch vụ không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chất lượng, và được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.[/box]

Giữ chữ tín

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định doanh nghiệp trong nước đứng trước những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh khi thị trường phân phối đang chứng kiến sự mở rộng và có mặt của các nhà bán lẻ lớn, như Lotte của Hàn Quốc, Aeon của Nhật Bản… Bên cạnh những doanh nghiệp lớn đã có mặt từ nhiều năm trước như Metro, Big C hay Parkson thì một số nhà bán lẻ khác đang chuẩn bị tham gia thị trường như E-Mart, Takashimaya và Auchan, cho thấy sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn trên thị trường bán lẻ sắp tới.

Theo bà Loan, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới chiến lược kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường nội địa, giữ được lòng tin của người tiêu dùng. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải giữ chữ tín đối với người tiêu dùng. Chữ tín thể hiện ở việc, doanh nghiệp lấy người tiêu dùng làm trung tâm, bảo đảm các quyền của người tiêu dùng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Doanh nghiệp khó có thể giữ chân khách hàng nếu họ không kinh doanh trung thực, không tiếp thị sản phẩm an toàn, không giải quyết khiếu nại hay hỗ trợ người dùng… Theo bà Loan, vấn đề mà người tiêu dùng thường gặp phải đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái lan tràn, mua bán công khai. Đó là chưa kể tình trạng quảng cáo và chỉ dẫn gây nhầm lẫn.

Về phía các cơ quan chức năng, bà Loan cho biết thêm, để người tiêu dùng tin cậy vào hàng hóa, sản phẩm trong nước, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food nhận định, trước sự cạnh tranh ngày càng lớn trong xu thế hội nhập, nếu doanh nghiệp trong nước không tự mình có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm thì trước hay sau sẽ bị loại khỏi “sân chơi”.

Theo bà Lâm, hiện tại không ít sản phẩm không đảm bảo chất lượng nhưng cũng có mặt trong hệ thống siêu thị. Do vậy, các siêu thị phải có biện pháp chọn lọc hàng hóa, nhằm hạn chế tối đa những sản phẩm kém chất lượng, làm sao để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt khi đến siêu thị.

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối