Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Cô giáo Đại Lộc nặng lòng với xà bông thảo mộc quê hương

(SGTT) – Xuất phát điểm là cô giáo, chị Lương Anh Thư lại bén duyên với con đường sản xuất xà bông thảo mộc. Cốt lõi trong kinh doanh của chị Thư ngoài tạo sản phẩm chất lượng còn là lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
Chị Thư tích cực mang các sản phẩm xà bông thảo mộc của mình đến các kỳ hội chợ, triển lãm. Ảnh: Hòa Vang

Chị Lương Anh Thư, sinh năm 1982, đến từ xã miền núi Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cho hay chị vốn tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật và về dạy học tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai, TP Đà Nẵng.

Trong khoảng thời gian làm nghề, chị luôn giữ vững niềm đam mê với cây cỏ quê hương và bộ môn mỹ thuật. Khi thấy mọi thứ dần “thuận theo ý trời”, chị đã mạnh dạn đầu tư và khởi nghiệp cùng thương hiệu xà bông thảo mộc Hiyou Farm.

Năm 2019, chị cùng cộng sự quyết định thành lập công ty Hiyou Farm, chuyên sản xuất và cung ứng xà bông tắm thảo mộc và nến thơm thiên nhiên có trụ sở đặt tại khu Nghĩa Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.

Thời gian đầu, chị tìm hiểu và nhận thấy sản phẩm xà bông trên thị trường có rất nhiều thương hiệu, sản xuất công nghiệp cũng có mà làm thủ công cũng có. Chọn cho mình lợi thế là ở vùng nguyên dược liệu Đại Lộc, chị ngày đêm tự học, mày mò cũng như thử nghiệm cách làm xà bông, điều chế tinh chất thảo mộc.

Giữa một thị trường sản phẩm nhiều sự cạnh tranh từ các thương hiệu, những “viên gạch” đầu tiên của chị và cộng sự cũng dần ra mắt. Đó là sự kết hợp từ các loại dầu thực vật như dừa, oliu, mè, mù u cùng các tinh chất lá như lá trầu, lá ổi, lá ngải cứu, cỏ mần trầu, lá bạc hà. “Người tiêu dùng gọi đó là xà bông nhưng với tôi đó là hợp chất quê hương, hoàn toàn thân thiện với người tiêu dùng”, chị Thư cho hay.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm của Hiyou Farm luôn nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh: Hòa Vang

Hiện nay, sản phẩm mang thương hiệu Hiyou Farm được phân phối tại các đại lý, hệ thống siêu thị quà miền Trung, các siêu thị đặc sản trên địa bàn thành phố, các tỉnh và đưa vào resort, khách sạn lớn. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp bán ra thị trường khoảng 3.000 – 5.000 bánh xà phòng các loại, hơn 3.000 hủ sáp dưỡng da. Qua đó, tạo ra giá trị về kinh tế, giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

“Để có được phần nào đó thành công như ngày hôm nay, tôi và mọi người tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá thương hiệu. Không những thế, từ chính nội bộ, chúng tôi không ngừng cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã để giúp mọi người nhận diện và yên tâm hơn khi sử dụng”, chị nhấn mạnh.

Các sản phẩm đều thân thiện với môi trường và người dùng. Ảnh: Hòa Vang
Một số sản phẩm có tạo hình bắt mắt, đáp ứng nhu cầu thị hiếu về thẩm mỹ của người tiêu dùng. Ảnh: Hòa Vang

Không dừng ở vùng nguyên liệu quê nhà, chị Thư hiện còn đang nghiên cứu một số sản phẩm mà nguyên liệu đến từ các nơi khác như tinh dầu tràm của Huế, sâm dây Ngọc Linh của Kon Tum hay mật ong rừng Gia Lai.

Thời gian tới, chị hy vọng có thể kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành nhằm quảng bá sản phẩm, đưa xà bông thảo mộc của mình trở thành một món quà hữu ích cho họ mang về nước. Sâu xa hơn còn là những đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài để nâng tầm sản phẩm Việt, sản phẩm từ thảo mộc quê hương.

Hòa Vang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kết nối