Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Có bỏ phí một nguồn khai thác du lịch?

TƯỜNG VI –

Theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vào năm 2015, một năm Việt Nam có gần 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm khoảng 89%. Đã có ý kiến cho rằng nếu được khai thác tốt thì đây sẽ là một thuận lợi để tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm

Le-hoi-Vat-cau-bun_Nguyen-TamSau một thời gian dài gián đoạn, lễ hội vật cầu bùn ở Bắc Giang được khôi phục vào năm 2002. Lễ hội được tổ chức hai năm một lần, kéo dài trong ba ngày vào giữa tháng 4 Âm lịch. Ảnh: Nguyễn Tâm

Đại diện một công ty du lịch tại TPHCM nói rằng có thể kết hợp với các địa phương tổ chức lễ hội để thiết kế các sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng. “Việt Nam là đất nước của lễ hội theo suốt chu kỳ lịch Âm của năm, đây là nguyên liệu quý để phục vụ cho công tác xúc tiến quảng bá về du lịch lễ hội”, ông nói.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Công ty Fiditour, cũng đồng tình khi cho rằng lễ hội dân gian là một trong những tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn, bởi qua đó du khách quốc tế có thể hiểu hơn về các giá trị văn hóa của Việt Nam. “Nhiều năm qua chúng tôi đã đưa ra các tour du lịch tham quan thắng cảnh trong nước kết hợp với việc tham gia các lễ hội và thu hút được sự quan tâm của du khách”, bà Thu nói. Tùy vào thời điểm trong năm mà Fiditour sẽ có những chương trình du lịch để đưa khách đến tham dự nhiều lễ hội như lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ hội Ok Om Bok (Sóc Trăng), lễ hội Kate (Ninh Thuận, Bình Thuận), lễ hội đua voi (Tây Nguyên), lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội đền Hùng (Phú Thọ)…

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, hiện tại loại hình du lịch kết hợp với tham gia lễ hội dân gian chưa thật sự được quan tâm. Vì còn nhiều vấn đề bất cập nên hầu như các công ty du lịch không tập trung đẩy mạnh sản phẩm này.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty Du lịch Lửa Việt, cho rằng bên cạnh một vài lễ hội tổ chức khá tốt như lễ hội pháo hoa, lễ hội diều… thì hiện nay các lễ hội dân gian ở Việt Nam chưa được xem là thành công về mặt du lịch. “Tất cả các lễ hội đều na ná giống nhau. Đa phần hoành tráng về mặt tiền bạc nhưng lại nghèo nàn về nội dung. Khi nào khách du lịch được coi là chủ thể và người dân địa phương đóng vai trò chủ động trong việc tổ chức lễ hội thì chừng đó mới có lễ hội dành cho du lịch và bảo tồn văn hóa”, ông Mỹ nói.

Chọn lọc lễ hội, đầu tư bài bản

Theo bà Hương của Vietravel, để quảng bá du lịch thì Việt Nam cần chọn lọc những lễ hội lớn, giàu tính nhân văn, mang đậm văn hóa vùng miền, có thể đại diện cho quốc gia. Ngành du lịch phối hợp với địa phương trong công tác tổ chức, đón tiếp du khách tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, cầu đường, bến bãi, cơ sở lưu trú, nhà hàng và đội ngũ nhân sự phục vụ du khách tại địa phương cần được chú trọng. Việc xây dựng sản phẩm, các ấn phẩm quảng bá, truyền thông cũng cần được đầu tư nhiều hơn.

Còn theo bà Bảo Thu của Fiditour, để thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài đến các lễ hội này, ngành du lịch cần tổ chức nhiều chương trình quảng bá ở những quốc gia được xem là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… “Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thường xuyên tham gia các hội chợ, hội thảo, triển lãm để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các lễ hội, thu hút sự chú ý của du khách. Ngoài ra, việc quảng bá thông tin và hình ảnh các lễ hội dân gian qua Internet và truyền hình quốc tế cũng là một trong những kênh truyền thông hiệu quả để giới thiệu đến du khách quốc tế”, bà Thu nói.

Ông Mỹ của Lửa Việt cho rằng các địa phương cần đấu thầu việc tổ chức lễ hội hàng năm, nếu đơn vị nào vừa tổ chức được chương trình hay vừa mang tính tiết kiệm thì được chọn.

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa lễ hội vào chương trình du lịch của Thái Lan, bà Napasorn Kakai, Giám đốc Văn phòng đại diện TPHCM của Tổng cục Du lịch Thái Lan, cho biết mỗi năm Thái Lan chỉ có khoảng 15-20 lễ hội và trong đó lễ hội dân gian chiếm 30%. “Chúng tôi chỉ tập trung quảng bá hai lễ hội dân gian chính đến khách quốc tế là lễ hội té nước SongKran đón chào ngày tết cổ truyền dân tộc và lễ hội hoa đăng Loi Krathong. Hiện nay hai lễ hội này được biết đến trên toàn cầu và thu hút hàng triệu lượt khách”, bà nói.

Bà Kakai nhấn mạnh rằng các lễ hội đóng một vai trò quan trọng cho ngành du lịch Thái Lan, và để thu hút du khách trong và ngoài nước, ngành du lịch nước này phối hợp với các tổ chức và đơn vị có liên quan làm chiến dịch quảng cáo cũng như lên kế hoạch tổ chức ở nhiều điểm đến. “Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra những giá trị của từng lễ hội để du khách vừa vui vừa hiểu được ý nghĩa của sự kiện. Ngoài ra cần phải cho du khách cảm nhận họ được chào đón và họ cũng là người dân Thái khi tham gia lễ hội”, bà cho biết.

Theo bà Kakai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công-tư trong ngành du lịch và người dân để phát triển du lịch lễ hội. “Ở Thái Lan, mỗi công dân góp phần quan trọng trong việc giới thiệu bản sắc Thái đến du khách nước ngoài”, bà nói.

Theo bà Thu của Fiditour, nhằm mang đến những hình ảnh đẹp cho khách nội địa cũng như khách quốc tế về đất nước và con người Việt Nam thì công tác tổ chức và quản lý cần cải thiện hơn, nâng cao hoạt động tuyên truyền văn hóa tham dự lễ hội, ý thức tín ngưỡng đối với du khách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối