(SGTT) – Nhân tháng 3 – tháng của phái đẹp, bác sĩ Hồ Cao Vũ chia sẻ câu chuyện của người trong nghề phẫu thuật thẩm mỹ, công việc thường được ví von là “nghề tranh công với tạo hóa”.
Ngành thẩm mỹ ở Việt Nam đã hình thành khá lâu nhưng chỉ bắt đầu nở rộ từ khoảng năm 2009, khi các bác sĩ trong nước có nhiều điều kiện và cơ hội giao lưu học hỏi kĩ thuật, công nghệ làm đẹp từ những nước có ngành phẫu thuật thẩm mỹ phát triển như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Singapore… Các trung tâm thẩm mỹ trong nước cũng bắt đầu phát triển nhanh chóng cả về chất lượng lẫn số lượng. Các chiến lược PR quảng cáo, cạnh tranh về giá cả góp phần thúc đẩy nhu cầu thẩm mỹ của phụ nữ Việt Nam tăng vọt. Không chỉ có chị em trong nước dễ dàng tiếp cận với các công nghệ làm đẹp tiên tiến, chi phí phải chăng mà ngay cả kiều bào cũng có thêm lựa chọn tối ưu: kết hợp về thăm quê hương với “tút” lại nhan sắc.
Tích lũy kiến thức và cái tâm chính trực
Bác sĩ (BS) Vũ bắt đầu nghề nghiệp tại Khoa Ngoại – BV Chợ Rẫy. Từ nền tảng phẫu thuật nội soi, bác sĩ Vũ tiếp tục tìm tòi, học hỏi về lĩnh vực phẫu thuật – tạo hình thẩm mỹ tại các nước dẫn đầu về công nghệ làm đẹp như Mỹ, Nhật, Israel và Hàn Quốc trong suốt 10 năm qua. BS Vũ chia sẻ, để trở thành một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ giỏi bên cạnh nền tảng chuyên môn vững chắc, còn phải có đôi tay phẫu thuật thật khéo léo, tỉ mỉ, thuần thục từ cách sử dụng các dụng cụ mổ đến các động tác phẫu tích.
Là một BS có tiếng trong ngành nên rất nhiều phụ nữ muốn làm đẹp đã đến nhờ BS Hồ Cao Vũ tư vấn, người thì thích cằm Vline, người khác lại thích mũi Sline… Theo BS Vũ, các chị em đang bị ảnh hưởng bởi quảng cáo, chạy theo trào lưu, đôi khi đòi hỏi những thay đổi chưa thật sự cần thiết hay phù hợp với mình.
Với những trường hợp như thế, nếu đã tư vấn kĩ càng nhưng khách hàng vẫn khăng khăng muốn đẹp bất chấp thì ông sẵn sàng từ chối. Theo ông, dù thẩm mỹ (nghĩa là “đẹp”) thì cũng phải đặt sự an toàn và sức khỏe lâu dài của khách hàng lên trên hết, và phải giúp họ đẹp tự nhiên, tức hoàn thiện vẻ đẹp riêng của từng người chứ không phải đẹp nhân bản.
BS cũng lưu ý các chị em muốn an tâm làm đẹp thì nên tìm hiểu danh sách các cơ sở thẩm mỹ uy tín được cấp phép hoạt động thông qua website của Sở Y tế TPHCM. Hiện nay, tổng số giấy phép hoạt động được Sở Y tế TPHCM cấp cho các cơ sở thẩm mỹ chỉ mới khoảng 200 – một con số rất nhỏ so với thống kê sơ bộ hiện có hơn 2.000 cơ sở thẩm mỹ đang tồn tại chỉ riêng ở TPHCM.
Khi được hỏi về những tai tiếng trong ngành thẩm mỹ hiện nay tại Việt Nam, BS Vũ cho rằng nguyên nhân là do tình trạng cơ sở thẩm mỹ mở mới một cách vô tội vạ, phần lớn đều không được cấp giấy phép hoạt động. Điều này kéo theo hệ lụy một số lượng lớn bác sĩ thẩm mỹ được đào tạo chóng vánh, thiếu nền tảng chuyên môn, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề vẫn nghiễm nhiên phẫu thuật, dẫn đến nhiều trường hợp tai biến, biến chứng không chỉ hỏng về mặt thẩm mỹ mà còn đe dọa sức khỏe và tính mạng của khách hàng. Nghiêm trọng hơn, một số nơi còn dùng kỹ thuật viên để thao tác một số kỹ thuật thẩm mỹ mà không ý thức được tác hại của việc mình làm.
Làm nghề cần tránh tham việc
Theo BS Vũ, các bác sĩ trẻ muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ giỏi thì nên kiên định học hỏi, không nên cắt bỏ giai đoạn. Họ phải được đào tạo bài bản trong ngành ngoại khoa và có kinh nghiệm ít nhất trên 5 năm. Nếu vội vàng làm nghề khi vừa được đào tạo xong thì nguy cơ sai sót trong phẫu thuật sẽ khó mà tránh khỏi.
BS Vũ chia sẻ, khi đã làm đẹp cho người khác thì người bác sĩ phải tỉnh táo và khỏe mạnh, không thể nào “cày” hết ca này đến ca khác. Các bác sĩ phải giữ sức khỏe cũng như tinh thần minh mẫn vì thường xuyên phải phẫu thuật hàng giờ liền. Có nhiều ca phẫu thuật từ 10-15 tiếng mà họ vẫn phải tập trung cao độ. Điều này phần nào lý giải vì sao ít bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là nữ giới. Nam giới luôn chiếm ưu thế về thể chất. Ngược lại, trong thẩm mỹ nội khoa, tạo hình thẩm mỹ ít xâm lấn và không xâm lấn như tiêm chất làm đầy, điều trị bằng công nghệ cao, chăm sóc da… thì bác sĩ nữ khá nhiều.
Thạc sỹ, BS Hồ Cao Vũ tốt nghiệp ĐH Y Khoa TPHCM năm 1999 và tốt nghiệp thạc sĩ Y học năm 2009. Ông là bác sĩ khoa ngoại tại bệnh viện Chợ Rẫy từ 1999, giảng viên các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao phẫu thuật nội soi tại bệnh viện Chợ Rẫy và là thành viên Hội thẩm mỹ Hàn Quốc, TPHCM. Ông là một trong những bác sĩ Việt Nam tiên phong ứng dụng Harmonic Scalpel vào phẫu thuật nạo hạch điều trị ung thư vú và tái tạo vú sau ung thư.
Mỹ Huyền