Thứ sáu, Tháng mười hai 6, 2024

Chuyện người đi chỉnh lý đất

CHÍNH PHONG -  

Vốc nắm đất dàn mỏng trên năm đầu ngón tay, Phạm Phương Thảo đưa lên mũi và nhắm nghiền mắt ngửi, động tác của lão nông tri điền thứ thiệt. Cách đây vài năm, kể cả chính Thảo cũng không tin một cô tiểu thư Hà Nội như mình bây giờ lại trở thành nông dân. Một tuần làm việc của cô gắn chặt với 2 ha đất trồng rau hữu cơ ở huyện Long Thành (Đồng Nai) và hai cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Organica ở TPHCM.

Phạm-Phương-Thảo-tại-trang-trại-2-ha-trồng-rau-hữu-cơ-của-mình

Phạm Phương Thảo tại trang trại 2 ha trồng rau hữu cơ của mình.

Nhiều người biết thực phẩm hữu cơ sạch, thân thiện với môi trường, với sức khỏe con người. Cũng nhiều người biết rau quả hữu cơ có giá đắt gấp 2-4 lần so với rau quả cùng loại bán ngoài chợ. Số ít người biết thực phẩm hữu cơ gồm “5 không”: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích tăng trưởng, không biến đổi gien. Và chỉ vài người như Thảo biết, để lấy được chứng nhận thực phẩm hữu cơ từ Mỹ và EU nhọc nhằn đến thế nào.

Thảo kể trước đây, cô ăn uống vô tư, không quan tâm nhiều về nguồn gốc thực phẩm. Cách đây bốn năm khi mang bầu, cô ốm nghén chỉ ăn được rau nhưng lại sợ rau nhiều hóa chất ảnh hưởng đến thai nhi. Thế là lùng mua rau hữu cơ, vậy là nảy ra ý định mở cửa hàng kinh doanh rau hữu cơ. Không đủ nguồn cung cho cửa hàng, rồi thế lại nảy ý định mở trang trại trồng rau quả hữu cơ. Từ một người tiêu dùng thường đến người tiêu dùng có ý thức, người kinh doanh và cuối cùng là nông dân.

Bao nhiêu cái “thế là” là bấy nhiêu sự nhọc nhằn trong bốn năm qua. Trên mảnh đất thuê 2 ha ở Long Thành, cô đã từng thất bại nặng nề với rau quả hữu cơ “5 không” đến mức gần như tuyệt vọng. Gượng dậy đi nước cờ chót trước khi vĩnh biệt giấc mơ: thuê công ty tư vấn về thực phẩm hữu cơ Control Union của Hà Lan hướng dẫn toàn bộ quy trình để lấy giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và EU. Và đây là một bước ngoặt.

“Nhờ có tư vấn nước ngoài, tôi mới sáng tỏ được mọi điều, giống như đi học lại từ đầu”, Thảo nói. Họ hướng dẫn cho cô từ cách ủ phân xanh, nơi đặt trạm ủ phân, nơi đặt nguồn nước tưới, quy cách hàng rào, khoảng cách giữa các luống rau, đến cách theo dõi và ghi chép. Tất cả các hoạt động trong nông trại đều được ghi hết vào sổ.

Mảnh đất chọn canh tác thực phẩm hữu cơ cũng phải là mảnh đất “sạch” hoàn toàn, nghĩa là không nhiễm chất vô cơ, không gần nhà máy, không ở cạnh mảnh đất người khác đang trồng trọt có dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Nếu mảnh đất đó trước đây từng trồng trọt có dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu… thì phải bỏ không ít nhất ba năm để những chất hóa học trên thoát hết khỏi đất.

Khi đi vào trồng rau quả hữu cơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận cử đại diện của họ đến kiểm tra ngẫu nhiên, từ sổ sách ghi chép đến lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu rau quả, mẫu phân hữu cơ đưa về phòng thí nghiệm phân tích. Chỉ riêng mẫu rau thôi cũng phải đáp ứng trên 200 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn Mỹ và EU. Sau vài lần kiểm tra như vậy, tháng 11-2015, trang trại của Thảo ở Long Thành trở thành trang trại đầu tiên ở Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ Mỹ và EU.

Sao phải cầu kỳ như vậy? Thảo cho biết cô muốn trang trại của mình vận hành triệt để theo quy trình ngặt nghèo của họ ngay từ đầu, để biết đâu đấy có ngày xuất khẩu ra nước ngoài. Nói vậy chứ 2 ha với 10 người làm công trồng luân canh khoảng 30 loại rau nhiệt đới của Organica mỗi ngày cung cấp khoảng 150 kg chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu ở TPHCM.

Bài toán mới là mở rộng diện tích trồng trọt hữu cơ? “Mình có thể thuê thêm 5 ha nữa bên cạnh trang trại đang có và trồng trọt theo đúng quy trình như vậy nhưng sản phẩm trên 5 ha mới sẽ không được mang dấu đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ và EU. Sản phẩm đó vẫn có thể mang thương hiệu Organica nhưng làm thế để làm gì khi mình đã xác định thương hiệu Organica đồng nghĩa với đạt chuẩn hữu cơ quốc tế. Ở một mảnh đất khác là một quy trình đánh giá mới hoàn toàn, từ nguồn gốc chất đất, ghi chép sổ sách… và đại diện của họ sẽ tới kiểm tra cho đến khi đạt chuẩn thì cấp một giấy chứng nhận khác, nên chuyện mở rộng để suy tính sau”, Thảo giải thích.

Lấy được chuẩn hữu cơ Mỹ và EU trên trang trại 2 ha đang trồng trọt đã khó, giữ được chuẩn còn khó nữa. “Họ sẽ tới kiểm tra đột xuất nhiều lần, nếu phát hiện có chất hóa học vô cơ trong trang trại của mình, họ thu giấy chứng nhận ngay, và để làm lại sẽ mất ít nhất 3-4 năm nữa”, cô cho biết.

Đặt trường hợp nếu có ai đó đến trồng trọt dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học kế bên trang trại của Organica thì sao? “Trước tiên, mình sẽ thuyết phục người đó cùng làm rau quả hữu cơ với mình. Nếu họ không đồng ý thì phải sử dụng các biện pháp như đào mương nước ngăn, dựng hàng rào thực vật… những điều này có trong sách hướng dẫn kỹ thuật. Còn nếu họ dụng tâm chơi xấu thì mình đầu hàng, nhưng mình có lòng tin là con người không đối xử với nhau đến mức đó”.

Cầm nắm đất trên tay, Thảo hít hà: “Sạch hoàn toàn, không một chút chất hóa học vô cơ nào trong đó”. Mảnh đất bỏ hoang trên 10 năm trước khi cô đến vốn bạc thếch nay tốt tươi, đầy sức sống, dậy mùi thơm thảo của đất trong nắng xuân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối