(SGTT) – Ứng dụng công nghệ trong du lịch không phải là điều gì đó quá cao siêu. Ngược lại, khi doanh nghiệp xem đây là công cụ để giúp du khách bước đầu tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ trước khi có được trải nghiệm thực tế, lúc đó việc ứng dụng chuyển đổi số mới đem lại những lợi ích thiết thực, theo ghi nhận của nhóm báo KTSG.
- Những sự kiện du lịch nổi bật trong tháng 10
- Sáng kiến Điểm đến An toàn đồng hành cùng các điểm đến phát triển du lịch xanh
Doanh nghiệp chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ
Silk Sense Hoi An River Resort trong thời gian đã tận dụng các kênh trực tuyến khác nhay từ website chính thức của mình cho đến Facebook và các nền tảng giao dịch trực tuyến để quảng bá mình là khách sạn 5 sao đầu tiên tại Quảng Nam công bố không có rác thải nhựa.
Những hình ảnh trải nghiệm của du khách như tham quan vườn rau hữu cơ, tìm hiểu hệ thống xử lý rác hữu cơ thành phần bón, trồng cây trong các ly giấy dùng một lần…được liên tục quảng bá trên các trang này. Ông Trấn Thái Do, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng này, cho hay điều này giúp khách có cảm nhận ban đầu về dịch vụ, từ đó đặt trực tuyến để có trải nghiệm thực tế.
Đây cũng là cách tiếp thị của The Field – nhà hàng đi theo hướng tuần hoàn tại thành phố Hội An trong thời gian qua. Anh Lưu Hoàng Hà, quản lý nhà hàng, cho hay nhà hàng đã tận dụng các kênh trực tuyến để tiếp thị sản phẩm trải nghiệm trên cánh đồng và thưởng thức bữa ăn tuần hoàn rác thải. Những câu chuyện về bữa ăn tuần hoàn tại nhà hàng cũng được tải lên các trang trực tuyến để khách có những cảm nhận đầu tiên
Theo đại diện của hai cơ sở sở này cách làm này phần nào đó đem lại hiệu quả kinh doanh, khu thường xuyên thu hút từ các nhóm khách nhỏ cho đến đoàn khách lớn. “Sau dịch, xu thế trải nghiệm du lịch xanh, bền vững được ưa chuộng. Bên cạnh đó, khách cũng có xu hướng sử dụng các công cụ trực tuyến để đặt dịch vụ. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ để khách trải nghiệm xanh sẽ là cách làm thiết thực hiện nay”, anh Hà chia sẻ.
Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA), đã có nhiều hơn các doanh nghiệp du lịch thành viên ứng dụng công nghệ vào hoạt động của mình sau dịch, nhưng con số còn ở mức khiêm tốn, chưa chuyển biến lớn. “Nguyên nhân là do các chủ doanh nghiệp chưa nhìn thấy hiệu quả rõ ràng khi đầu tư chuyển đổi qui trình, dịch vụ, áp dụng kỹ thuật số vào các khâu dịch vụ và vận hành doanh nghiệp, còn nhiều rào cản hạn chế từ nhận thức cho đến thực tiễn triển khai chuyển đổi số tại doanh nghiệp”, ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch QTA, cho hay.
Ông cho biết thêm các khó khăn để triển khai chuyển đổi số tại doanh nghiệp như chi phí đầu tư ban đầu, ứng dụng công nghệ số, cơ sở hạ tầng, nhân sự kỹ thuật, thói quen tập quán kinh doanh, hạn chế từ người lao động…
Cần giải pháp đồng bộ
Tại hội nghị về chuyển đối số trong ngành du lịch Quảng Nam vừa được tổ chức mới đây, các doanh nghiệp du lịch cũng có nhiều ý kiến đồng tính và cho hay cần có những giải pháp đồng bộ, phối hợp từ chính quyền đến doanh nghiệp và du khách thì mới hy vọng việc chuyển đổi số được thực hiện hiệu quả.
“Vai trò tương tác giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và du khách trong vận hành du lịch thông minh là rất quan trọng”, ông Lê Văn Anh, Giám đốc sản phẩm hệ sinh thái du lịch thông minh của Trung tâm dữ liệu VNPT khu vực 3, nói. Ông Anh phân tích trong khi cơ quan nhà nước có vai trò định hướng các sản phẩm du lịch phù hợp thì doanh nghiệp sử dụng số hóa để tổng hợp dữ liệu, phục vụ phân tích kinh doanh và định vị hành vi khách hàng, từ đó có chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Ở vai trò của mình, khách du lịch được khuyến khích cung cấp các thông tin phục vụ nhu cầu tìm hiểu chuyến đi du lịch, thực hiện chuyến đi du lịch và nhận xét đánh giá sau khi hoàn thành chuyến đi
du lịch.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro – đơn vị đang cung ứng các giải pháp ứng dụng công nghệ tại một số điểm tham quan di tích tại Việt Nam – đề xuất giao cho doanh nghiệp tự vận hành các dịch vụ công nghệ thông minh trong du lịch.
Cụ thể, theo ông Việt, trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, việc huy động đa dạng các nguồn lực tài chính đầu tư đặc biệt là nguồn đầu tư xã hội hóa là xu thế tất yếu. Nguồn vốn Nhà nước tập trung cho việc phát triển hạ tầng nền tảng, các hạng mục thiết yếu phục vụ cho việc quản lý, điều hành và giám sát. Trong khi ấy, các dịch vụ, sản phẩm du lịch thông minh cần sự tham gia, đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp du lịch theo hình thức xã hội hóa.
“Chuyển đối số là công cụ cực kỳ hiệu quả trong tiếp thị bán hàng hiện nay trong ngành du lịch. Nhưng, nếu chúng ta chạy theo chuyển đối số mà không làm tốt dịch vụ, không có trải nghiệm xứng tầm dành cho khách hàng thì cũng không tốt”, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch QTA, nhận định. Ông giải thích thêm Quảng Nam nói riêng và Hội An nói chung có thế mạnh về du lịch văn hóa, di sản và đặc biệt là du lịch xanh. Những mô hình du lịch nói trên rất cần trải nghiệm thực tế. Du khách có thể tham khảo trước cải trải nghiệp này qua các gói truyền thông thực tế hoặc thực tế ảo trước khi có trải nghiệm thực tế. Từ đó, họ có tiếp cận sâu hơn các giá trị du lịch của Quảng Nam.
Nhân Tâm