Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Chuyện dài rác thải

CHÍNH PHONG -

Không giống như rác sinh hoạt được thu dọn mỗi ngày, những chiếc ghế hư, những cái bàn gãy, những xô xà bần... bỗng một ngày chất đống bên đường, khiến không ít người dân khó chịu.

Cái ghế bỏ đi

6bGhế sofa bỏ bên đường Lê Văn Khương, quận 12, TPHCM. Ảnh Nguyên Vỹ

 

Trong một con hẻm thuộc đường Hồ Đắc Di (quận Tân Phú), mấy tuần gần đây bổng xuất hiện vật thể không ai mong đợi. Đó là chiếc ghế sofa dài 1,8 m còn khá mới. “Chắc nhà nào mới dọn về, không có nhu cầu sử dụng nên bỏ đi”, chị H., một người dân sống trong hẻm nói. Giống như chị H., chẳng ai biết người nào đã đưa cái ghế rác này ra đó.

Hàng ngày, nhiều người trong hẻm đi qua đi lại, chiếc ghế cứ nằm đó cả tháng trời. “Giờ muốn tống khứ nó đi phải trả tiền cho xe ba gác, nhưng ai trả tiền đây?”, chị H. nói. Thu gom rác thải sinh hoạt khu vực đó là một hợp tác xã tư nhân, họ chỉ gom các túi rác nhỏ để trước cửa các hộ dân vào giờ quy ước, đâu có chuyển rác cỡ lớn như chiếc ghế.

Những món đồ cũ như tủ lạnh, máy bơm hay quạt máy có thể sẽ được những người ve chai mua lại, giường tủ gỗ bỏ đi còn có thể chặt ra lấy củi đun nấu nên vẫn có người thu gom. “Còn những thứ như ghế sofa, nệm mút ai mất công rã ra lấy củi”, chị H. ngán ngẩm nói. Chị cho biết đã nói chuyện với người gom rác, họ nói cái ghế là chất thải rắn vô cơ không độc hại, họ sẽ dọn nhưng với điều kiện phải chặt nhỏ ra và cho gọn vào các túi rác.

Trên đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) có hàng chục cửa tiệm mua bán đồ gia dụng, bàn ghế cũ. Hỏi một chủ tiệm tên C. về trường hợp của chiếc ghế, ông chủ cửa tiệm nói chỉ mua bàn ghế còn mới, hàng thanh lý của các công ty vì không phải sửa chữa gì nhiều và có thể bán được ngay.

Vị này nói với cái ghế sofa bỏ đi, mấy cơ sở chuyên đóng bàn ghế cũng chỉ lấy được cái khung gỗ, còn da và mút họ phải làm lại hết. Nhiều khi khung ghế cũ không đúng kích cỡ họ phải bỏ, chỉ tận dụng được mớ gỗ tạp. “Anh bán cho họ may ra được 50.000 đồng, trong khi anh thuê ba gác chở cũng mất đến 150.000 đồng, có đáng không?”, anh C. hỏi ngược lại.

Đến đống xà bần

6aChiếc ghế bỏ đi nằm trên vỉa hè một con đường ở quận 12, TPHCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà K. nhà trong một con hẻm nhỏ trên đường Đặng Minh Trứ (quận Tân Bình) vừa sửa sang căn gác. Ngày bắt đầu thực hiện, bà con hàng xóm sang góp ý, rằng hẻm rộng có hai mét nên bà làm tới đâu phải cho xe ba gác đến chở xà bần đi ngay. Vậy là bà K. trả 150.000 đồng cho mỗi xe ba gác xà bần chứa cỡ 0,6 m3. Chỉ có điều, lái xe đến xúc xà bần chở đi đâu đổ thì bà không quan tâm.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm phát sinh chất thải rắn xây dựng phải có biện pháp đảm bảo môi trường, không làm bụi bẩn, ô nhiễm; không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ chất thải rắn xây dựng; phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng về đúng nơi quy định của các đô thị và các cụm dân cư tập trung. Trong trường hợp tự vận chuyển về bãi chôn lấp chất thải xây dựng của đô thị, cụm dân cư tập trung thì các phương tiện vận chuyển không để rơi vãi chất thải trên đường và phải nộp phí xử lý chất thải xây dựng tại bãi chôn lấp theo quy định.

Theo chân người chạy xe ba gác thấy anh này đi vào khu đất lớn cho thuê làm bãi đậu xe, kho hàng hóa và nhà xưởng nằm góc ngã tư đường Thành Thái và Bắc Hải nối dài (quận 10). Trong khu này có một bãi chứa rác xà bần. Bà chủ bãi chứa này cho biết thu phí 50.000 đồng mỗi xe ba gác vào đây đổ xà bần, đống xà bần này bà bán lại cho những người có nhu cầu san lấp mặt bằng với giá 80.000 đồng/m3.

Một trong những địa chỉ những người muốn đổ chất thải rắn xây dựng như bà K. có thể liên hệ là những công ty vệ sinh môi trường thành phố. Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM với 100% vốn nhà nước. Công ty này có một số đơn vị con làm dịch vụ này như Xí nghiệp vận chuyển số 3, Xí nghiệp xử lý chất thải, Xí nghiệp dịch vụ môi trường.

Công ty này có ba trạm chuyển tiếp nhận rác xây dựng. Một trạm trên đường Võ Thị Sáu (quận 1) thu gom xà bần ở các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh; một trạm trên đường Lê Đại Hành (quận 11) thu gom ở các quận 5, 6, 10, 11; và một trạm trên đường Bà Hom (quận 6) thu gom ở các quận 6, 8, Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh. Các đơn vị này có xe, máy lớn như máy xúc, xe tải 12 tấn để phục vụ cho các công trình lớn.

“Chúng tôi vẫn phục vụ các công trình nhà dân”, một cán bộ ở Xí nghiệp vận chuyển số 3 cho biết. Ngay khuôn viên phía trước xí nghiệp này là trạm tiếp nhận rác xây dựng. “Phí đổ xà bần trong bãi là 50.000 đồng cho một xe ba gác, còn khối lượng bốc xếp, cự ly vận chuyển thì phải đến tận công trình khảo sát mới báo giá được”, vị này cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối