Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Chuyện chào hỏi của người Việt

(SGTT) – Tết đến là dịp mà mọi người gặp gỡ chào hỏi lẫn nhau… nhiều hơn và rộn ràng, hồ hởi hơn ngày thường, có lẽ nhờ mùa xuân đem đến cho vạn vật bầu không khí tươi sắc hơn, muôn loài rộn ràng chào đón năm mới.

Tiếng chào cao hơn mâm cỗ…

(Ngạn ngữ Việt Nam)

Việc chào hỏi trong những ngày đầu của năm mới, tháng mới là một tập tục đẹp không của riêng một dân tộc nào. Đối với người Việt Nam, thói quen chào hỏi cũng có những nét riêng, khác với phương Tây, không chỉ ngày tết mà trong giao tiếp hằng ngày, bàn qua cũng khá thú vị.

Người Việt Nam, những ai đã từng làm cha mẹ đều rất vui sướng, hãnh diện khi những đứa con của họ mới bập bẹ, lững thững tập đi đã biết vòng tay, cúi đầu, ạ thật to để chào người lớn hoặc khách đến nhà. Đó là bài học đầu tiên mà cha mẹ, người thân trong gia đình dạy cho con trẻ. Giống như các dân tộc Á Đông khác, dù cổ hay tân, tiếng chào, lời thăm hỏi vẫn được người Việt Nam xem trọng và được đánh giá như một tiêu chí văn hóa của một cá nhân.

Khi gặp nhau, người Việt có thói quen chào nhau: Bẩm cụ, Thưa bác, Thưa ông bà, Chào cô, Chào cháu… Ngày xưa, đồng thời với lời chào là cái chắp tay hoặc cái xá, ngày nay, tân tiến hơn chỉ cần nghiêng mình, khẽ cúi đầu, bắt tay và nở một nụ cười… với tiếp theo đó là các lời thăm hỏi, trong đó nhấn mạnh đến đại từ nhân xưng như cụ, ông bà, cô chú, anh chị, con cháu: Lúc này bác có khỏe không? Hoặc khách sáo một chút thì Ồ, lâu quá mới gặp ông, thật quý hóa quá! Bình dân hơn, theo kiểu nông dân miền Nam, vùng sông nước Cửu Long, đại loại những mẩu câu đối thoại như thế này Hê Tư, mầy đi đâu dzậy? A, bác Năm, con đem lúa đi chà. Còn bác Năm có gì dzui hông?

Chỉ mấy câu trao đổi như vậy là ta cũng biết họ thân tình nhau chừng nào. Thật ra, các câu chào hỏi này hoàn toàn mang tính xã giao xã hội, người hỏi chỉ để hỏi mà không cần câu trả lời, nó đơn thuần chỉ là mấy lời bắt chuyện.

Cách chào hỏi của người Việt và người phương Tây có nhiều điểm khác biệt, mà đôi lúc gây ngộ nhận, hiểu lầm. Dù thân mật đến mấy, người Việt thường chỉ ở mức bắt tay khi gặp nhau (giữa bạn bè, đồng nghiệp…) hoặc vỗ nhẹ lên vai (bạn thân, quan hệ chủ – người làm công) hoặc xoa đầu (người lớn đối với trẻ em) chứ người Việt ít có thói quen ôm nhau hoặc hôn nhau khi gặp gỡ.

Tập tục bắt tay cũng đã bắt đầu phổ biến khi người Pháp đến nước ta. Nguyên tắc bắt tay nói chung thường theo trật tự đưa tay ra bắt trước: người lớn tuổi đưa tay ra trước, nữ đưa tay cho nam, chức vụ lớn hơn bắt tay đưa tay bắt nhân viên cấp dưới… Cách nắm tay khi bắt cũng thể hiện sự tinh tế và tính lịch sự của người bắt tay: không giữ tay quá lâu, siết tay vừa phải, lắc tay nhẹ, đầu hơi nghiêng xuống như một cách chào. Thông thường, khi bắt tay, mọi người sử dụng bàn tay phải để bắt tay nhau, bất kể thuận tay phải hay tay trái.

Người Việt mặc dù sau này có ít nhiều giao lưu với văn hóa phương Tây thì có thêm các câu chào: Hi, Hello, Bonjour, Bye bye… nhưng không có kiểu chào gắn liền với thời gian như: Good morning, Good afternoon, Good night…

Ở nông thôn, khi mới làm quen, người ta có thể hỏi thăm bạn những câu như: Nhà anh (chị) ở đâu? Anh (chị) làm nghề gì vậy? Thậm chí, có người “thiệt tình” hỏi thăm luôn thu nhập, trình độ học lực, địa vị xã hội, quan hệ gia đình, chồng con… của người mới làm quen trong khi những cái “tò mò” như vậy thì có thể làm những người phương Tây khó chịu. Khi gặp một đứa trẻ con Tây, ta khen nó đẹp, nó khỏe mạnh thì cha mẹ của nó vui lắm nhưng đối với con nít Việt Nam thì không nên nói như vậy vì cha mẹ của nó có thể cho rằng bạn đang “rủa vía” con mình, mà phải nói ngược lại là: Thằng cu này thật muốn liệng bỏ cho rồi! Ôi, con bé cục than của chị thấy ghét!

Khi đãi tiệc hoặc mời ai đến nhà ăn cơm thì người Việt mình lại có kiểu nhún nhường quá đáng, chẳng hạn: Mời ông đến thăm tệ xá nghèo nàn của tôi; Kính mời quý vị dùng tạm với gia đình tôi một bữa cơm đạm bạc. Thật ra, chẳng qua đây là cách nói của người mình chứ đến nhà ăn tiệc thì mời là nói như vậy nhưng khi đãi thật là linh đình, thức ăn thừa mứa! Còn người phương Tây thì lại có lối nói khác: Ồ, tôi mới học được món này ngon lắm, cuối tuần tới mời ông (bà) đến thưởng thức cho vui hoặc Tôi mới đi du lịch ở Ý về có mua được một chai rượu quý, tối nay mời anh đến uống với tôi. Người Việt khi đến nhà ai chơi thì không có tập quán tặng hoa cho bà chủ nhà và không có thói quen mở quà ra xem khi mới được tặng, còn người phương Tây thì thường tặng hoa cho bà chủ nhà và khi nhận được món quà thì mở ra xem liền và rất thích thú với món quà dù rằng chỉ là một món quà mọn.

Đông – Tây vẫn có sự khác biệt nhất định cho dù thế giới ngày nay chật hẹp hơn trước rất nhiều, nhiều cơ hội giao lưu các nền văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm… đã góp phần tạo nên sự hiểu biết giữa các dân tộc, giúp chúng ta hạn chế nhiều cú sốc văn hóa khi tiếp xúc, sinh hoạt với nước ngoài.

Lê Anh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Có những start-up lãng mạn

0
(SGTT) - Xuất hiện khoảng mươi năm trước, nhưng phải đến những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam mới phát...

Thú thưởng trà của người trẻ

0
(SGTT) - Những ngỡ trà sẽ bị lu mờ bên cạnh những loại nước uống có ga, bật lon kêu tanh tách của cuộc...

Tắm rừng và sự chữa lành

0
(SGTT) - New Zealand nổi tiếng với chương trình “đơn thuốc xanh”. Người Mỹ có hơn 150 dự án “đơn thuốc công viên”, người...

Cổng thiên đường ở Alhambra

0
(SGTT) - Bây giờ nghĩ lại, hành trình đến với “cổng thiên đường” của tôi bắt đầu từ những nguyên nhân rất đời thường....

Đắk Nông – 3 tuyến du lịch trải nghiệm không thể...

0
(SGTT) - Công viên Địa chất Đắk Nông được định hướng trở thành “Xứ sở của những âm điệu”, nơi hội tụ những thanh...

Công viên địa chất Đắk Nông – điểm đến mới năm...

0
(SGTT) - Tháng 10-2019, Công viên địa chất Đắk Nông được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử...

Kết nối