Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Chung sống với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang tạo ra những tác động tiêu cực đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, từ đây những mô hình thích ứng cũng dần hình thành.

Người dân ở ĐBSCL thu hoạch sen. Ảnh: Trung Chánh

Sạt lở, nước biển dâng

Tại hội thảo “Sau một năm thực hiện nghị quyết 120/CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp với Đại học Cần Thơ tổ chức hôm 14/12, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng biến đổi khí hậu đã tác động nặng nề đến đời sống, sản xuất của địa phương thời gian gần đây, mà cụ thể là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. “Đây là vấn đề chúng tôi thấy rằng cần phải tập trung giải quyết”, ông cho biết và dẫn chứng biến đổi khí hậu đã khiến vùng ven biển các tỉnh trong vùng cũng bị sạt lở.

Theo ông, thời gian tới, cần phải có những giải pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở. “Thật sự nếu Chính phủ có dành 12.000 tỉ đồng giúp ĐBSCL tập trung cho các lĩnh vực phát triển, thì theo tôi trong đó phải quan tâm thêm về chuyện sạt lở bờ biển, bờ sông”, ông gợi ý.

Một tác động tiêu cực khác xuất phát từ biến đổi khí hậu, theo ông Lập, đó là tình trạng xâm nhập mặn. Bến Tre nằm ở cuối nguồn nên có năm bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, làm lúa chết, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng rất lớn. “Chính vì vậy, việc xây dựng các hồ chứa nước phải được tính đến”, ông cho biết.

Trong khi đó, dù là một trong số ít địa phương chưa bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhưng ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, dù chưa tác động tới Đồng Tháp nhưng do đây là vấn đề của liên vùng nên cái khó nhất là phải tính chuyện điều tiết nguồn nước ngọt để khu vực hạ nguồn ít bị tác động. “Đồng Tháp phải tính chuyện trữ nước ngọt thế nào, điều tiết nước ra làm sao để nó không ảnh hưởng đến các tỉnh duyên hải ở cửa biển”, ông cho biết và nói rằng đó là khó khăn lớn.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, nêu lên những thách thức của vùng ĐBSCL, đó là trong một thời gian dài đã tập trung nhiều vào xây đê bao sản xuất lúa vụ ba. “Ví dụ, đê bao phát triển ở vùng tứ giác Long Xuyên hay Đồng Tháp Mười đã làm cho nguồn nước ở đây giảm rất lớn”, ông dẫn chứng và nói rằng thay vì nước đi vào những vùng trũng đó theo quy luật, thì lại tràn xuống Cần Thơ, Vĩnh Long gây ngập úng.

Những mô hình thích ứng “thuận thiên”

Trước những tác động tiêu cực nêu trên, người dân của khu vực ĐBSCL đã có những mô hình thích ứng trong sản xuất mang tính “thuận thiên”. Ông Tuấn nói rằng hiện nay người dân đã phát triển rất nhiều mô hình đa canh, tức là thay vì độc canh cây lúa, thì kết hợp nuôi cá hay nuôi tôm. “Người nông dân đã biết đa dạng các loại hình canh tác để khi có sự cố thiên tai hay thời tiết bất lợi họ bù đắp được mà không bị mất đi hoàn toàn”, ông cho biết.

Cụ thể, theo dẫn chứng của ông, ở vùng ĐBSCL đã có mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn. Điều này giúp duy trì được rừng ngập mặn để bảo vệ bờ biển, nhưng vẫn tăng được sinh kế nhờ khai thác tôm, cua, sò sinh thái cung cấp cho thị trường.

Một mô hình nữa là trồng lúa và nuôi cá kết hợp ở vùng nước ngọt, tức nông dân không bỏ cây lúa, nhưng họ giảm canh tác và thay vào đó là nuôi cá hoặc mô hình nuôi tôm ven biển trên ruộng lúa. “Đây là mô hình giải quyết được xung đột trong việc trồng lúa trên đất nuôi tôm như là cách thích ứng thông minh của người dân đồng bằng”, ông Tuấn cho biết và nói rằng mô hình này được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Ông Hoan của Đồng Tháp cho biết, tái cơ cấu nông nghiệp cũng là câu chuyện vừa để thích ứng với biến đổi khí hậu vừa thích ứng với xu thế thị trường mới. “Nó phải thỏa cả hai điều đó, chứ không phải điều kiện duy nhất là biến đổi khí hậu”, ông nhấn mạnh và nói rằng đã có những mô hình thích ứng thành công.

Cụ thể, mô hình “hai lúa một sen” đang được Đồng Tháp áp dụng. “Chúng ta cắt hoàn toàn một vụ lúa để trồng sen và trên sen người ta thu hoạch kết hợp làm du lịch”, ông Hoan cho biết và nói rằng việc trồng sen sẽ giúp tái tạo chất lượng đất, trong khi người dân sẽ tăng được thu nhập nhờ kết hợp làm du lịch.

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Ghé quán cháo lòng gia truyền 80...

0
(SGTT) - Nổi tiếng với món cháo lòng gia truyền hơn 80 năm, quán bà Út nằm ngay trung tâm quận 1 là điểm...

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Kết nối