Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Chơi game online ngày càng khó

Chí Thịnh

Kể từ ngày 12-2-2015, theo Thông tư 24 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, những người chơi trò chơi trực tuyến (game online) có giao tiếp với cộng đồng thông qua máy chủ sẽ phải khai báo thông tin cá nhân. Đồng thời, nhà phát hành game phải phân loại trò chơi theo độ tuổi người chơi. Đây là các quy định bắt buộc đối với người chơi game online và các nhà phát hành game phải chấp hành.

Khai báo thông tin cá nhân

Đối với các game online có hoạt động tương tác với cộng đồng người chơi (game thuộc loại G1), người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân là một quy định quan trọng đối với các nhà phát hành game hiện nay. Sự ra đời của Thông tư 24/2014/TT-BTTTT sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP; giúp các doanh nghiệp hoàn thiện quy chế quản lý người chơi.

Rất khó kiểm soát được người chơi game online theo độ tuổi.
Rất khó kiểm soát được người chơi game online theo độ tuổi.

Tuy nhiên, do thời gian có hiệu lực của Thông tư 24 rơi vào cận Tết Nguyên đán nên cũng khiến cho một số doanh nghiệp lúng túng. Đây là thời điểm mà số lượng truy cập vào hệ thống game online tăng mạnh, số người chơi gia tăng so với ngày thường.

Trên thực tế, lâu nay một số doanh nghiệp cũng đã yêu cầu người chơi game online phải khai báo thông tin cá nhân, bao gồm họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại không có điều kiện (kết nối với kho dữ liệu quản lý nhân khẩu) để xác nhận các thông tin cá nhân này có đúng hay không.

Các công ty kinh doanh game online trong nước như VNG, VDC, VTC Game, VGG… đã có hệ thống ghi nhận thông tin cá nhân của người chơi từ khá lâu. Thông tin này cũng nhằm để đảm bảo quyền lợi của người chơi, khi xảy ra tranh chấp “tài sản ảo”, quyền quản lý tài khoản của người chơi…

Đồng thời, theo Thông tư 24, các nhà phát hành game phải tự phân loại trò chơi theo độ tuổi người chơi như sau: game dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu 18+); cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, 12+); cho mọi lứa tuổi (00+). Thông tin về xếp loại game phải được thể hiện rõ trong trò chơi, người chơi phải nhìn thấy thông tin này trong game, trong các mẫu quảng cáo, giới thiệu game…

[box type=”bio”] Phân loại trò chơi điện tử trên mạng (Nghị định 72)

* G1: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ quản lý game.

* G2: Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ.

* G3: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ.

* G4: Trò chơi điện tử được tải về qua Internet (ví dụ như các game di động không kết nối online), không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ. [/box]

Quá gấp rút

Từ lúc có Thông tư 24 được ban hành cho đến thời gian có hiệu lực chỉ vào khoảng 1,5 tháng. Đây là một thử thách không đơn giản đối với các doanh nghiệp kinh doanh game online trong nước. Nếu không thể đáp ứng các điều kiện về giờ chơi, phân loại game, thông tin cá nhân… sắp tới sẽ có khá nhiều game online bị “thổi phạt”.

Ông Hồ Minh Tú, Trưởng phòng truyền thông của Công ty cổ phần VNG, cho biết Thông tư 24 có nhiều quy định mới, hơn nữa được ban hành và có hiệu lực trong thời gian cận tết nên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh game trong nước. Đồng thời, có một số quy định thuộc diện khó thực hiện, đòi hỏi phải có thời gian tiến hành, chuẩn bị các yếu tố kỹ thuật, nhân sự, hệ thống…

Chỉ tính riêng quy định quản lý ba giờ (180 phút) chơi game, các doanh nghiệp phải cài đặt hệ thống quản lý, phát thông báo nhắc nhở người chơi… Doanh nghiệp sẽ phải chạy phần mềm hệ thống theo dõi giờ chơi của nhiều game (cùng một nhà phát hành) nhằm đảm bảo người chơi bị giới hạn trong 180 phút chơi.

Theo một số nhà phát hành game online trong nước, các doanh nghiệp sẽ cần thời gian chuẩn bị và phải có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện cho đúng theo tinh thần Thông tư 24. Họ sẽ cần đến các buổi tư vấn pháp lý, hướng dẫn chi tiết các quy định bắt buộc… cho doanh nghiệp.

Nhìn từ phía người chơi game

Những người chơi game online lớn tuổi hoan nghênh việc xếp loại game theo độ tuổi và giới hạn độ tuổi khi chơi một số game được xếp loại người lớn (18+). Điều này giúp họ tránh những sự bất tiện khi giao tiếp với người chơi chỉ bằng tuổi con cháu mình.

Ông Đoàn Tuấn, nhà ở quận 10, một người chơi game online lâu năm nhận xét nên xếp loại game theo độ tuổi để hạn chế các em nhỏ, còn đi học chơi game online.

Tuy nhiên, hiện tại có khá nhiều trẻ em chơi game online bằng tài khoản của anh chị hoặc cô chú mình. Điều này dẫn tới khả năng quy định giới hạn độ tuổi chơi game (theo phân loại game) sẽ bị “vô hiệu hóa” vì những người chơi lớn tuổi sẽ tặng tài khoản để con em mình được chơi game.

Ông chủ một tiệm game online ở quận 4 thì cho rằng, kiểm soát người chơi game online độ tuổi, chứng minh nhân dân cũng không mấy khả thi, bởi các em vẫn dễ dàng đăng ký tài khoản bằng CMND của cha mẹ, anh chị trong nhà với tên thật hẳn hoi.

Trong trường hợp cơ quan nhà nước cứ áp dụng “cứng nhắc” các quy định kể trên thì sẽ có hai tình huống xảy ra: một là doanh nghiệp kinh doanh game online “bỏ của chạy lấy người”, không phát hành game; hai là người chơi game chuyển qua chơi game lậu, máy chủ đặt ở nước ngoài. Sân chơi game online sẽ rơi vào tay của các nhà phát hành game ở nước ngoài vì với môi trường Internet, làm sao cấm được người ta chơi game ở nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người kể những câu chuyện thần thoại thế giới qua game

0
(SGTT) - Với ai đó ở thế hệ 8x, 9x sẽ hiểu được rằng một đứa trẻ đam mê điên cuồng chơi trò chơi...

Chơi game chuyên nghiệp trên thiết bị di động

0
Không chỉ chơi game trên thiết bị di động với màn hình cảm ứng, những người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) còn...

Xem chơi game cũng hái ra tiền

0
Video trong video game (trò chơi điện tử) bỗng nhiên trở thành ngành kinh doanh có quy mô hàng tỉ đô la khi đầu...

“Nên hướng trẻ đến những niềm vui thực tế!”

0
Gần đây nhiều phụ huynh lo lắng về việc con mình “nghiện” các thiết bị công nghệ, đặc biệt là máy tính bảng (MTB)...

Kết nối