Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

“Chiếc bánh” nhiều người muốn

Ngọc Hùng

Nếu trước đây, thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam là chiếc bánh mà “người ăn” chủ yếu là các tên tuổi lớn như Trung Nguyên, Vinacafé Biên Hòa và Nestlé Việt Nam thì nay, “chiếc bánh” đó đã phải chia cho nhiều người hơn. Gần 30 sản phẩm cà phê hòa tan đã có mặt trên thị trường.

Những tên tuổi mới

Anh Lưu Thanh Hiếu (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết trước đây anh hay uống cà phê loại pha phin nhưng nay đã chuyển sang uống cà phê hòa tan. Sự chuyển hướng đó bắt nguồn từ công việc của anh thay đổi và không có nhiều thời gian để ngồi đợi cà phê phin nhỏ từng giọt. Với anh giờ đây, cà phê là pha nhanh, uống nhanh. Anh kể rằng anh hay uống loại cà phê hòa tan do vợ mua và nghĩ rằng cũng có ít loại cà phê để chọn. Nhưng trong một lần đi siêu thị cùng vợ tại Big C, anh đã thốt lên rằng “quá choáng” khi cả một góc siêu thị có hàng chục nhãn hàng cà phê hòa tan được trưng bày hàng hàng lớp lớp.

Theo liệt kê dựa theo trí nhớ của anh Hiếu, đó là cà phê hòa tan của Công ty TNHH Gold Roast, Ajinomoto, Đào cà phê, MacCoffee, Highlands Coffee, Archacafé, Đắk Hà, Phin Deli… Trong những sản phẩm mà anh Hiếu kể, có thể thấy những thương hiệu mới như Gold Roast một nhãn hàng riêng của siêu thị Big C; còn Đào cà phê là loại cà phê được trồng tại Lào, do Công ty Ngôi sao xanh TPHCM nhập khẩu và phân phối… Giá của những sản phẩm cà phê này gần như tương đương nhau.

Theo một chuyên gia trong ngành cà phê, việc có nhiều công ty chen chân vào thị trường cà phê hòa tan do một phần đây là phân khúc mang lại lợi nhuận lớn. Đơn cử, nếu nhìn vào báo cáo tài chính của Vinacafé Biên Hòa sẽ thấy, lợi nhuận của công ty này luôn ở mức cao và cao hơn cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo tài chính của công ty này, trong chín tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt hơn 1.927 tỉ đồng, tăng 491 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2013. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là hơn 250 tỉ đồng, trong khi, cùng kỳ năm trước là gần 110 tỉ đồng.

Các chuyên gia của Nestlé Việt Nam trong một buổi nếm thử cà phê.
Các chuyên gia của Nestlé Việt Nam trong một buổi nếm thử cà phê.

 Ít tiền nên khó

Công ty Cà phê Đắk Hà, một công ty con của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), do ông Nguyễn Hòa Chính làm giám đốc hiện đã được giao nhiệm vụ sản xuất cà phê hòa tan bán trong nước thay vì xuất khẩu cà phê nhân cho các công ty nước ngoài. Ông Chính cho biết, khi bắt tay vào việc thì mới thấy khó khăn cỡ nào. Theo đó, ngày trước để bán 200 tấn cà phê nhân chỉ cần một cuộc điện thoại là bán được, còn nay, để bán hết một tấn cà phê hòa tan là khó vô cùng khi thương hiệu chưa được người tiêu dùng biết đến.

Ông Chính cho biết, công ty mới thành lập từ năm 2012 và đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa có lời. Trong thời gian tới, công ty cũng vẫn phải chấp nhận lỗ để phát triển thị trường. Cái khó khăn của những công ty nhỏ khi tham gia vào thị trường cà phê hòa tan là ít vốn và không có đủ nguồn tài chính lớn để có những chương trình quảng cáo, tiếp thị dài hơi.

Khó khăn mà ông Chính nhìn nhận cũng là cái khó mà hầu như thương hiệu cà phê mới nào cũng gặp. Họ không có thị trường rộng lớn, nhà phân phối chưa nhiều. Do những công ty lớn có nguồn tài chính dồi dào nên việc quảng bá xuất hiện mọi nơi, trên mọi phương tiện. “Trên truyền hình cũng thấy họ, trên báo cũng thấy họ và… ra vào sân bay cũng thấy họ. Như thế, khi người tiêu dùng chọn mua sản phẩm thì họ chọn mua của những thương hiệu lớn dù bên cạnh đó là sản phẩm cùng loại của một công ty khác, vốn chưa có thương hiệu trên thị trường”, ông Chính nói.

[box type=”bio”] Theo Vicofa, do nhu cầu cầu tiêu thụ các sản phẩm cà phê hòa tan trên thị trường nội địa đang tăng mạnh nên đã có nhiều công ty có kế hoạch nâng dây chuyền sản xuất các loại cà phê hòa tan, dự kiến trong năm 2015, tổng công suất đạt 168.400 tấn/năm, tăng thêm 72.200 tấn so với năm 2013. Con số này, Vicofa chỉ căn cứ vào số liệu báo cáo của tám công ty có dây chuyền chế biến từ 1.000 tấn/năm trở lên, chưa bao gồm những công ty mới tham gia vào lĩnh vực này.[/box]

“3 trong 1” và “N hương vị”

Cách đây hơn một tuần tại TPHCM, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã tổ chức ngày hội nếm thử cà phê. Mục đích của Vicofa được xem là tìm cách hỗ trợ những công ty đang có thị phần lớn cũng như những công ty mới xâm nhập thị trường giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Và ở ngày hội này, người tiêu dùng có thể nếm thử, uống thử những sản phẩm cà phê “nhiều thứ trong một” chứ không phải như những gì họ đã từng uống bấy lâu nay.

Nếu nhìn vào những sản phẩm cà phê hòa tan của những công ty mới gia nhập thị trường, người tiêu dùng sẽ nhận thấy những công ty này đưa ra những loại sản phẩm khác nhau, đa dạng chứ không chỉ có “cà phê 3 trong 1” (gồm cà phê, sữa, đường) hoặc “2 trong 1” (gồm cà phê và đường); ví dụ cà phê hòa tan hương sầu riêng, espresso, original… Cũng có những sản phẩm cà phê hòa tan “đánh” trực tiếp vào yếu tố sức khỏe như dòng cà phê hòa tan collagen (được quảng bá là kết hợp làm đẹp), sanok (dùng cho người ăn kiêng)… Một vị đại diện công ty cà phê cho rằng, đó là công thức “N trong một” mà nhiều công ty đưa ra vì “hai trong một” hay “ba trong một” giờ quá phổ biến và rất đơn giản.

Với ông Chính, công ty ông đưa “vũ khí cạnh tranh” vào sản phẩm cà phê là vị chua đặc trưng. Theo ông, khi công ty giới thiệu sản phẩm cà phê hòa tan Đắk Hà, nhiều người tiêu dùng sau khi dùng thử và nhận xét cà phê có vị chua. Ông Chính lý giải rằng công ty ông làm ra sản phẩm cà phê hòa tan theo đúng mùi vị nguyên mẫu của nó và đánh vào phân khúc thị trường dành cho những người thích uống cà phê có vị chua. “Chúng tôi tìm kiếm phân khúc thị trường ở hương vị này hơn là đưa ra sản phẩm có mùi vị gần giống như các công ty lớn vì lo ngại cạnh tranh không được”, ông Chính nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cà phê viên nén muốn bung mạnh

0
HÙNG THU -  Thời gian qua, cà phê viên nén (dùng cho máy pha cà phê mini siêu tốc) được các nhà cung cấp tích...

Kết nối