Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Châu thổ Cửu Long: Đất – nước – và người

Lê Anh Tuấn (*) -

Vùng châu thổ Cửu Long, hay vùng hạ lưu sông Mekong ở Việt Nam hình thành qua quá trình tích lũy chất trầm tích của sông Mekong và trầm tích biển Đông qua các thời kỳ dài luân chuyển sự thay đổi mực nước biển.
Các dấu tích Hang Cá Sấu, Thạch Động, Hòn Đất, di tích Óc Eo vùng Kiên Giang – An Giang có thể minh chứng một phần các quá trình kiến tạo địa chất này. Các vùng đất tương đối xa sông, xa biển như vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, vùng U Minh, vùng Hậu Giang là những nơi ít nhận chất trầm tích hơn, trở nên các vùng lung trũng, úng lụt và ngập triều. Cao độ các nơi này thấp, phổ biến từ 0-1,5 mét, mang đặc điểm của vùng đất ngập nước, vùng trầm thủy, đầy chướng khí.

Từ thuở đi khai hoang

Vào thế kỷ 16-18, các nơi này vẫn là các vùng đất hoang sơ, vắng người, ẩm thấp, lầy lụt, phổ biến các loại thực vật ái thủy, chịu úng ngập. Từ cửa biển là các loại chịu mặn như cây mắm đen tiên phong giữ đất, sau đó là vẹt, đước, rồi hàng chục loại cây tự nhiên nước lợ và nước ngọt như cốc, ráng, sú, bần, dừa nước, mái dầm, ô rô… Các vùng trũng phèn là các khu rừng tràm bạt ngàn, năn lát, cỏ, lúa ma, sen súng... Các động vật hoang dã bao gồm các loài cọp, khỉ, heo rừng, cá sấu, chuột bọ, các loài cá nước ngọt, rùa, trăn, rắn, rái cá, ếch nhái, chim nước, côn trùng, muỗi mòng, đỉa vắt… Khí hậu gió mùa, nóng và ẩm, mỗi năm có hai mùa mưa-nắng, là một trong các đặc điểm tự nhiên vùng châu thổ phương Nam tổ quốc.

Theo tài liệu Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, cư dân Việt Nam phổ biến có mặt ở vùng châu thổ vào khoảng thập niên 1630. Sự di dân của người Việt như một cuộc nam tiến mở rộng quá trình “di dân – khai hoang – lập ấp”.

Sự thích nghi với thiên nhiên của người dân vùng châu thổ trong quá trình chinh phục miền đất mới đã hình thành “văn minh sông nước”. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thập niên 1750, sau khi xây dựng ban đầu các cơ sở hạ tầng hành chính gồm các đạo, châu… vua quan triều đình nhà Nguyễn nghĩ ngay đến việc xây dựng các tuyến giao thông thủy tạo điều kiện đi lại, thoát lũ và khai thác tưới tiêu. Khi người Pháp xâm chiếm, kiểm soát và thống trị hoàn toàn vùng phía nam, họ thấy ngay tầm quan trọng của việc tạo ra các thủy đạo và hệ thống thủy nông cho khu vực để khai thác nông nghiệp và các nguồn lợi nông – lâm – thủy sản khác.

Do đặc điểm và tâm lý của người di dân khai hoang, người Việt đến đất phương Nam mau chóng kết thành những tập thể nhỏ, không phân biệt địa phương, thành phần giai cấp khi đến vùng đất mới. Phương tiện đi lại duy nhất là ghe xuồng, di chuyển dọc theo hệ thống sông dựa theo quy luật thủy triều của biển Đông. Sự hình thành các trung tâm hành chính, các vùng đô thị, thị xã dọc theo hệ thống sông ngòi với hình ảnh quen thuộc “trên bến dưới thuyền”, có khoảng cách tương đối đều là 60 km, mang tính độc đáo mà không nơi nào khác có được.

Nước gắn kết con người

Thời ấy, câu nói “Tứ hải giai huynh đệ/Nhân nghĩa hữu tương phùng” trở thành truyền miệng khi người miền Nam kết bạn cùng với người người lưu lạc. Trên đường đi, bạn dễ dàng gặp những lu sành chứa nước mưa mát lạnh, có nắp đậy và cái gáo dừa để trước nhà để khách bộ hành khát nước có thể tự uống mà không cần xin phép hay cám ơn gia chủ. Những người có đất gần bờ sông, lung đìa bao giờ cũng sẵn lòng mở một đường nước qua một phần đất của mình cho những người có ruộng sâu hơn bên trong. Đây là một truyền thống giao tiếp, mang ý nghĩa chia sẻ tài nguyên nước. Trên bàn thờ ông thiên trước nhà, ngoài bình cắm nhang, một cành bông trang, bông vạn thọ hay bông huệ, vài món cây trái theo mùa thì không thiếu một ly nước như một hình thức giao hòa giữa con người và thiên nhiên qua những sản vật mà đất trời đem đến cho họ. Ngày giao thừa, đón ông bà, người xưa thường chọn thời điểm con nước lớn như hồi sinh tiền, ghe xuồng đưa con người đi theo dòng triều. Qua tết, khi tiễn ông bà cũng vào lúc nước lớn để tổ tiên ra đi.

Vào mùa nước nổi, khi không canh tác lúa được, người dân đổ xô đi bắt cá. Mọi người, dù có đất hay không có đất đều có quan niệm không văn tự rằng “điền tư – ngư công”, nghĩa là đất đai, ruộng vườn có thể thuộc về cá nhân, tư hữu, nhưng con cá, con cua, con ốc, ngọn rau trôi theo dòng nước ngập hàng năm là thuộc về mọi người, ai cũng có thể bắt để sinh nhai, dù đi xuồng trên đất của người khác.

Nhờ quan niệm như vậy, người nghèo trong xã hội cũng không lo cái đói, họ vẫn có thể đủ dinh dưỡng tối thiểu. Sau ngày mùa, người nghèo vẫn có thể mót lúa, chăn vịt thả đồng từ cánh ruộng này sang cánh ruộng khác.

Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Có một nền “văn minh sông nước”

Con kinh đầu tiên được đào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là kinh nối liền giữa Vũng Gù (Tân An) đến rạch Mỹ Tho. Theo nhà văn Sơn Nam, kinh này do quan Nguyễn Cửu Vân cho đào năm 1705. Đến năm 1819, vua Gia Long cho nạo vét mở rộng và đặt tên là kinh Bảo Định (còn có tên là Bảo Định Giang). Di tích bia đá Kinh Bảo Định hiện còn ở ấp Phú Kiệu, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Từ đó, công cuộc đào kinh ở miền Nam lần lượt mở rộng. Nổi bật là công trình kinh đào Vĩnh Tế (Châu Đốc – Hà Tiên) dài 87 km do vị khai quốc công thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy kéo dài suốt từ năm 1819 đến 1824.

Kinh Vĩnh Tế được xem là kinh đào đa mục tiêu đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa có chức năng an ninh, quốc phòng, vừa có chức năng thoát lũ sông Mê Kông về phía biển Tây, đi lại giữa Châu Đốc – Hà Tiên, vừa có chức năng xả phèn vùng tây nam Kiên Giang và cung cấp nước ngọt cho người dân hai bên bờ. Sau đó một số kênh vừa dùng để xả lũ vừa tưới cho mùa khô đã được đào như kênh Trà Sư (1830-1850), kênh Thần Nông (1882).

Người dân Việt vốn tôn kính các nhà yêu nước và những người có công mở rộng bờ cõi, dù họ có xuất thân từ quan lại hay giới bình dân, nông phu. Khi họ mất hoặc bị giặc sát hại, người dân làm đền thờ để tưởng nhớ, hằng năm đều làm giỗ chạp cẩn thận. Đền thờ nằm ở một khu đất rộng, gần với cộng đồng, chung quanh trồng nhiều cây xanh và có giếng nước sạch cho cộng đồng sử dụng chung.

Thiên nhiên hào sản, nguồn nước hiền hòa, không gian châu thổ mở rộng làm tính cách người dân châu thổ phóng khoáng, gắn bó với sông nước. Xây dựng nhà cửa, người châu thổ xưa kia thường quay hướng nhà nhìn ra sông rạch, vừa thuận lợi cho sinh kế vừa phù hợp phong thủy. Trên các nẻo đường sông nước, khách thương hồ ai cũng biết vài ba câu hò, câu vọng cổ miền Nam để hát đuổi nhau khi mỗi trăng lên, vô hình đã tạo dựng cho một nét quê độc đáo mà ít có miền khác có thể so sánh được. Có thể nói chính là sự thích nghi với thiên nhiên của người dân vùng châu thổ trong quá trình chinh phục miền đất mới đã hình thành “văn minh sông nước”. 


(*) Đại học Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối