Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Châu Á trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã

Đã từ lâu, các nước ở châu Á được biết đến như là những trung tâm buôn bán và tiêu thụ các loại động vật hoang dã quý hiếm có tổ chức. Những nỗ lực gần đây của lực lượng chức trách thế giới đang đẩy cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã lên cao trào mới.

Tê tê châu Phi trong chuyến hàng buôn lậu động vật bị thu giữ ở sân bay Don Muang, Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.

Tháng 5/2018, chiến dịch mang tên “Sấm Sét” (Operation Thunderstorm) kéo dài một tháng do lực lượng cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phối hợp triển khai trên 92 quốc gia đã bắt giữ hàng loạt tổ chức tội phạm buôn lậu động vật hoang dã và thu giữ các tang vật bất hợp pháp. Đây là một chiến dịch cần thiết khi từ lâu việc buôn bán động vật hoang đã hoành hành, tưởng chừng như không kềm chế nổi. Động lực của hoạt động phi pháp này đến từ nguồn lợi nhuận khổng lồ, chỉ xếp sau các vụ buôn ma túy, rửa tiền, và buôn người.
Interpol cho biết chiến dịch đã xác định được 1.400 tổ chức và cá nhân buôn lậu động vật hoang dã đồng thời thu giữ hàng tấn tang vật, từ thịt, ngà voi, vảy tê tê. Ở Đông Nam Á, nhiều chuyến buôn rùa bị giữ lại tại Malaysia, và một nửa trong số 8 tấn vảy tê tê được hải quan Việt Nam phát hiện trên một chuyến tàu đến từ châu Phi.

Buôn lậu động vật chuyên nghiệp hoành hành

Kết quả của chiến dịch Sấm Sét rất ấn tượng, nhưng qua đó người ta thấy buôn lậu động vật hoang dã hoạt động mạnh nhất và có tổ chức nhất là tại các nước Đông Nam Á. Sheldon Jordan, Tổng giám đốc cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thuộc Bộ Môi trường Canada, cho biết thị trường buôn bán động vật hoang dã thế giới đã lên tới 150 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Vụ bắt giữ trùm buôn lậu Manivannan Murugesan người Ấn Độ tại Singapore vào đầu tháng 9-2017 cũng cho thấy hoạt động buôn lậu động vật quý hiếm đã vươn vòi bám rễ sâu rộng khắp thế giới, từ Thái lan, Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, đến Madagascar và các nước Đông Phi.

Hoạt động buôn lậu động vật hoang dã rất tinh vi và chuyên nghiệp, nhất là đối với những tổ chức lớn như của Murugesan. Những động vật quý hiếm đôi khi được chuyên chở bằng máy bay. Nhà chức trách Thái Lan đã khám phá ra những con báo con, khỉ đuôi sóc, vượn và cả gấu đen châu Á trong khoang hành lý tại phi trường Suvarnabhumi, Bangkok. Trước đó, vào tháng 5/2017, hải quan phi trường Senai ở Malaysia cũng bắt giữ hàng trăm con rùa hiếm được chở đến từ Madagascar.

Ngoài buôn lậu xuyên quốc gia, nhiều chủng loại động vật hoang dã mà nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng đang bị săn trộm ngay tại các nước Đông Nam Á, điển hình là loài hổ. Trong 13 nước còn hổ sinh sống tự nhiên thì có bảy nước Đông Nam Á là Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên loài này đang sụt giảm nhanh chóng vì quan niệm mê chuộng những bộ phận cơ thể hổ của những người giàu có tại đây.

Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu

Là nơi bảo tồn nhiều loài quý hiếm, cũng là nơi có những đường dây buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất thế giới, các nước Đông Nam Á đang đặt ra các luật lệ khắt khe hơn đối vớn bọn buôn trộm. Tại Việt Nam, mức án buôn lậu động vật hoang dã vừa được nâng từ 7 năm lên 15 năm.

Đầu năm 2018 đến nay, đã có nhiều trùm buôn lậu động vật hoang dã sa lưới pháp lực như tên Boonchai Bach ở Thái Lan, và Nguyễn Mậu Chiến tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tổ chức phi chính phủ như Education for Nature (ENV) cho rằng đây là bản án quá nhẹ. Bên cạnh đó họ còn kêu gọi sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các quốc gia trong khu vực

Tại Indonesia, quốc gia rộng nhất và đông dân nhất Đông Nam Á, tình trạng buôn lậu các loài chim quý hiếm hiện rất tồi tệ. Một cuộc điều tra của tổ chức TRAFFIC (Anh) kết luận 13 loài chim quý nhất hiện diện ở nước Anh đều đến từ Indonesia. Tình trạng đánh bắt những dòng chim quý hiếm nằm trong sách đỏ như chim ưng, vẹt mào, vàng anh cũng diễn ra thường xuyên tại Philippines. Cùng chung số phận với loài chim, các loài động vật biển như rùa biển và cá sấu biển cũng đang nằm trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng do bị săn bắt ráo riết.

Hiện nay, thị trường lớn nhất tiêu thụ động vật quý hiếm vẫn là Trung Quốc – điểm đến của những tên tội phạm buôn lậu động vật hoang dã cộm cán nhất. Các nước có biên giới chung với nước này nhiều khi tỏ ra bất lực trước khả năng ngăn chận các đoàn buôn lậu hướng đến Trung Quốc. Myanmar là một thí dụ, các tên buôn lậu coi thường lệnh cấm của nước sở tại và nhiều loài trong sách đỏ như voi rừng châu Á vẫn bị giết hại tràn lan và buôn bán gần như công khai. Nơi vùng biên giới nước này còn có cả những trại nuôi những con vật con mua được từ các nước khác, rồi đem bán qua biên giới đến các ông chủ người Trung Quốc. Các nhóm buôn lậu thường tạo nên những ‘làn sóng’ truy lùng động vật hiếm, thí dụ như săn đồm độp hay đĩa biển trên bãi biển Việt Nam. Những đợt truy lùng này không những làm cạn kiệt các loài hoang dã mà còn khiến môi trường sinh sống của chúng bị hủy hoại, không thể phục hồi.

Hoàng Xuân Phương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món đậu que xào...

0
(SGTT) – Đậu que giòn sần sật xào cùng thịt tôm ngọt thanh mang đến bữa cơm trưa thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho...

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Kết nối