Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Cách sử dụng đúng nước sát khuẩn bề mặt

(SGTT) - Để bảo vệ bản thân giữa mùa Covid-19, những người buộc phải làm việc hoặc cần đến nơi đông người cần thực hiện nhiều phương pháp tự bảo vệ mình. Trong đó, việc sát khuẩn nhanh bề mặt nơi học tập, làm việc là điều cần làm. Tuy nhiên thị trường sản phẩm sát khuẩn này chưa đa dạng.

Chúng ta hầu như ai cũng dành tám tiếng nơi công sở. Vì vậy việc bảo vệ sức khỏe ở nơi làm việc cũng vô cùng quan trọng. Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu có thói quen tốt là vệ sinh sạch sẽ bàn tay được nhưng còn bàn làm việc, chỗ ngồi thì sao?

Chủ yếu dùng cho bệnh viện

Hàng tuần nên khử khuẩn định kì sàn nhà, kệ tủ, đồ chơi trẻ em. Ảnh: CBS Detroit.

Hiện nay, thị trường chưa có nhiều sản phẩm tiệt trùng, sát khuẩn bề mặt chuyên dùng cho đời sống hằng ngày. Các sản phẩm nước tẩy rửa đa năng như Seventh Generation 946 ml, 3M Stainless Cleaner hay 3M Glas Cleaner chủ yếu nhấn mạnh vào khả năng tẩy rửa, đánh bay vết bụi, dầu mỡ, công dụng sát khuẩn ít được nhắc tới hoặc gần như không có.

Trái lại, một số sản phẩm có khả năng sát khuẩn nhưng không phù hợp sử dụng trong đời sống hằng ngày. Ví dụ viên khử khuẩn Presept 2,5 gram có thể diệt khuẩn nhanh, phổ tác dụng rộng đối với tất cả các loại vi khuẩn sinh dưỡng, nấm, virus, nha bào, sử dụng để khử khuẩn bề mặt, đồ vải, đồ thủy tinh và các thiết bị y tế. Tuy nhiên, viên khử khuẩn này cần pha theo hướng dẫn nên không tiện mang theo.

Dung dịch phun khử nhanh bề mặt Aniospray 1 lít có khả năng diệt khuẩn, vi khuẩn lao, nấm và virus nhưng cần cẩn thận khi sử dụng như đeo khẩu trang, không hút thuốc khi phun, chờ bề mặt khô để tránh da và niêm mạc tiếp xúc với dung dịch.

Theo khảo sát của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, một số sản phẩm có khả năng diệt khuẩn nhanh, phù hợp để sử dụng cho cá nhân.

Đầu tiên là khăn lau sát khuẩn bề mặt. Sản phẩm này được thiết kế theo dạng bịch rút (giống loại giấy ướt thông thường) hoặc đóng hộp để rút khăn từ trong hộp sử dụng dần. Sản phẩm khăn lau sát khuẩn của thương hiệu Bossklein (Anh) có hai loại, loại có cồn và loại không cồn, được giới thiệu là có khả năng diệt nhiều loại virus, men và nấm như viêm gan siêu vi B, H1N1, E-Coli…, với tác dụng chỉ sau 30 giây khi lau.

Thành phần của khăn chứa 55% Ethanol và 19% Isopropanol. Giá một hộp 200 chiếc khăn lau sát khuẩn Bossklein là 360.000 đồng loại không cồn và 250.000 đồng đối với loại có cồn.

Còn loại khăn lau sát khuẩn Septalkan của công ty Alkapharm (Pháp) cũng có tác dụng diệt khuẩn, vi sinh vật và bào tử trong vòng 5 phút. Loại này có thành phần thân thiện với môi trường, không chứa cồn và có độ pH trung tính. Giá sản phẩm khăn làm sạch và khử trùng bề mặt Septalkan là 240.000 đồng/gói 100 chiếc.

Ngoài bán loại khăn lau, cả hai thương hiệu Bossklein và Septalkan còn có bình xịt sát khuẩn. Dung dịch xịt của Bossklein có dung tích 500ml. Loại không chứa cồn có giá bán là 280.000 đồng, chứa cồn là 240.000 đồng. Dung dịch xịt của Septalkan có dung tích 750ml, giá bán là 200.000 đồng. Hiện tại, mặt hàng này của công ty CPVMED đang hết hàng nhưng sẽ được nhập trở lại trong vòng một tuần nữa (khoảng 9-3). Nhân viên tư vấn của hai công ty phân phối sản phẩm Bossklein và Septalkan tại Việt Nam cho hay, khách hàng của họ thường là các phòng khám, bệnh viện hay phòng răng nên chất lượng sản phẩm phải đảm bảo diệt khuẩn được không gian tại đây. Tuy nhiên, các công ty này cũng bán cho khách hàng cá nhân để sử dụng trong hộ gia đình hoặc đem theo vệ sinh nơi làm việc, học tập.

Cách sử dụng vật dụng sát khuẩn bề mặt

Sau khi lau bề mặt với khăn lau Bossklein và Septalkan, có thể để khô tự nhiên hoặc lau lại bằng khăn khô. Theo nhân viên tư vấn, người sử dụng có thể cầm trực tiếp khăn lau sát khuẩn này để lau bề mặt bởi hóa chất trong các sản phẩm không gây nguy hiểm. Loại hóa chất trong khăn lau sát khuẩn của Septalkan còn an toàn với bề mặt vật chứa thực phẩm.

Còn sau khi sử dụng dung dịch sát khuẩn bề mặt, người sử dụng lau lại bằng khăn lau sát khuẩn. Nếu không sử dụng sản phẩm khăn lau nói trên để lau lại, phải sử dụng một chiếc khăn sạch để lau nếu không sẽ không còn tác dụng diệt khuẩn.

Nhiều người chưa có thói quen sát khuẩn bề mặt

Các sản phẩm tẩy rửa bề mặt như 3M Glass Cleaner chủ yếu làm sạch chứ không có công dụng sát khuẩn. Ảnh: Walmart.

Một nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) với 100 mẫu nghiên cứu là các văn phòng khắp nước Mỹ đã phát hiện, bàn làm việc chứa số lượng vi khuẩn gấp 400 lần bồn cầu nhà vệ sinh. Nguyên nhân của sự thật đáng sợ này là do thói quen ăn uống ngay tại bàn và ít quan tâm đến việc vệ sinh bàn làm việc.

Sát khuẩn các bề mặt quan trọng là thế nhưng chưa có nhiều người có thói quen vệ sinh bàn làm việc. Chị Kim Huệ (nhân viên truyền thông, quận 1) làm việc tại một văn phòng chia sẻ (co-working space) cho biết, do công việc bận rộn, chị không thường xuyên lau bàn làm việc. Để bảo vệ sức khỏe khi không gian làm việc có nhiều người lui tới, chị chỉ rửa tay thường xuyên với nước rửa tay và tránh không chạm tay lên mắt, mũi, miệng.
Tương tự, chị Nghiêm Hương (nhân viên ngân hàng, quận 1) cũng phải tiếp xúc với khách hàng thường xuyên. Song, chị cũng ít có thói quen vệ sinh bàn làm việc do nhiều giấy tờ và tính chất công việc phải tiếp xúc khách hàng liên tục, không có thời gian. Chị Hương chỉ vệ sinh bàn khi nào có nhiều bụi bẩn, giấy vụn.

Hiện vẫn đang trong thời gian nghỉ học, tuy nhiên, chị Thanh An (sinh viên Đại học RMIT, quận 7) chia sẻ, sắp tới khi đi học trở lại, chị thường xuyên đến thư viện có đông người để học bài. Chị Thanh An dự định mang theo chai nước rửa tay và đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân.

Khi được chia sẻ về các sản phẩm vệ sinh bề mặt, chị Thanh An nhận định có thể sẽ không sử dụng bởi khi đi học đã mang theo nhiều vật dụng nên mang theo chai xịt hay hộp khăn giấy sẽ bất tiện. Theo chị, lau bằng giấy ướt thông thường rồi chú ý rửa tay là đã đảm bảo hạn chế tiếp xúc vi khuẩn.

Nơi ở cũng phải khử trùng, diệt khuẩn

Dung dịch và khăn sát khuẩn bề mặt Bossklein. Ảnh: dentech.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM từng có bài viết chia sẻ về cách sử dụng dung dịch khử khuẩn tại nhà đăng tải trên trang web của Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TPHCM. Rõ ràng, không phải đợi đến khi có dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, chúng ta mới quan tâm đến việc vệ sinh, diệt khuẩn không gian sống mà việc diệt khuẩn, vệ sinh nơi làm việc và nhà cửa cần thực hiện định kỳ, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Trong bài viết nói trên, Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Nga chia sẻ nên vệ sinh hằng ngày các bề mặt sàn nhà, mặt bàn, kệ tủ với nước tẩy trắng quần áo (javel) nồng độ thấp.

Hằng tuần, bác sĩ khuyên nên khử khuẩn định kỳ sàn nhà, kệ tủ, đồ chơi trẻ em bằng các dung dịch sát khuẩn. Một chất sát khuẩn thông dụng có bột cloramin B 25% và các loại nước tẩy trắng.

Cách pha chế các dung dịch này khá đơn giản, ai cũng có thể thực hiện tại gia đình. Bác sĩ Hồng Nga hướng dẫn, đối với bột cloramin B, chúng ta pha một muỗng cà phê cán dài với một lít nước để vệ sinh nhà. Đây cũng là dung dịch mà nhiều trường học và phòng gym đã sử dụng để khử khuẩn không gian nên các gia đình có thể an tâm về hiệu quả diệt khuẩn.

Sau khi sử dụng, cần bảo quản cloramin B kỹ, đậy nắp kín, đựng trong chai lọ sẫm màu để tránh tiếp xúc ánh sáng. Đối với nước javel, chúng ta có thể pha chế bằng cách gấp đôi tỷ lệ hướng dẫn để tẩy quần áo trên vỏ bao bì. Ví dụ, nếu trên bao bì hướng dẫn pha hai nắp chai vào một lít nước để tẩy trắng quần áo thì để khử khuẩn chúng ta pha bốn nắp chai cho một lít nước.

Theo Sở Y tế TPHCM, nước javel bản chất là dung dịch Natri Hypochlorid - một hóa chất sát khuẩn được thế giới công nhận, nên hoàn toàn có thể sử dụng để khử khuẩn. Tuy nhiên, chỉ nước tẩy trắng quần áo mới có tác dụng này, nước tẩy quần áo màu sẽ không làm được. Ưu điểm của khử khuẩn bằng nước javel là không có mùi khó chịu như nước pha cloramin B.

Khi vệ sinh sàn nhà, cần lau sạch bụi bẩn bằng nước và dung dịch lau nhà trước. Sau đó, chuẩn bị hai xô, một xô nước thường, một xô dung dịch khử khuẩn. Sau khi lau nhà bằng dung dịch khử khuẩn mà giẻ lau bị bẩn, cần giặt sạch trong xô nước thường rồi mới nhúng vào xô nước dung dịch khử khuẩn để lau tiếp.

Đồ chơi của trẻ em cũng cần được khử khuẩn nhưng phải cẩn thận hơn. Sau khi ngâm đồ chơi trong dung dịch khử khuẩn, cần vớt ra rửa lại bằng nước thường thật sạch, đem phơi khô rồi mới cho các bé chơi bởi trẻ em có thói quen ngậm đồ chơi, nếu còn tồn dư hóa chất sẽ gây nguy hiểm cho các bé.A

Nơi mua các vật dụng sát khuẩn bề mặt

Dentech

  • Trang web: http://www.dentech.vn/
  • Địa chỉ: 133 Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM
  • Điện thoại: 090 418 3483

CPVMED

  • Trang web: http://cpvmed.com/
  • Địa chỉ: Số 16-18, đường 12C, quận 4, TPHCM
  • Điện thoại: 090 302 0601 - 0366 929 249

Thiên Nhiên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối