Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Các cụ lên “phây”

NGUYỄN HUỆ NGHI –

Chị hối hận vì đã trót làm cho bố mình một tài khoản trên mạng xã hội Facebook. Ban đầu, bố lắc đầu nguầy nguậy: “Tao già rồi, mạng mùng làm chi”. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, thấy bố lúc nào cũng “sáng đèn” trên “phây” (từ lóng chỉ Facebook), thậm chí, mất ăn mất ngủ vì mạng xã hội. Mới biết, Facebook đâu chỉ gây nghiện cho người trẻ.

Có những cụ già lên mạng xã hội, ban đầu với mục đích là quản lý con cháu, coi con cháu nó nói gì, làm gì. Cái nhu cầu hiểu con cháu bằng mọi cách đã “xui khiến” không ít người lọ mọ với chuyện “mạng mùng”. Vào để xem tụi nhỏ làm gì, nói gì, bạn bè thế nào…, mọi chuyện xuất phát từ chỗ đơn giản là bọn trẻ bây giờ về nhà ít quan tâm hay đối thoại với ông bà, cha mẹ, mà cứ dán mắt vào điện thoại thông minh hay iPad, máy tính. Những lời giáo huấn khô khan từ người già, hiếm đứa chịu ngồi nghe. Hoặc giả có ngồi nghe, gật gật thì có lẽ cũng chỉ để cho qua chuyện. Tụi nó có đời sống khác.

Old-man

Xã hội thay đổi càng nhanh chóng thì hệ giá trị sống càng biến đổi vội vàng và như thế, khoảng cách thế hệ trong một gia đình càng lớn. Cố gắng gạt bỏ định kiến để tìm cách tiếp cận con cháu là điều ít người già nào làm được, vì càng lớn tuổi người ta càng dễ bảo thủ. Rồi sau đó, đơn giản, chuyện thể chất (già thì mắt mờ tay run, đầu óc cũng kém hoạt bát) cũng là một cản trở. Nhưng cuối cùng thì não trạng lại là cản trở lớn nhất. Đơn cử, nhiều người chỉ nhìn thấy chuyện nhí nhố, nực cười của bọn trẻ khi tham gia vào mạng xã hội nên thay vì tìm hiểu, đã vội vã cấm đoán hay đay nghiến con cháu bằng những lời lẽ khó nghe. Những luận điệu kiểu: “Thời của ông bà là… không như bây giờ…”, thường chỉ đào sâu khoảng cách và đó là những “luận điệu” bọn trẻ có thể đoán ngay ra được; thường thì để gió thoảng tai nọ sang tai kia.

Nhưng sẽ thú vị biết bao nếu một hôm, một cô cậu choai choai chợt thấy bà ngoại mình cũng lên mạng tán gẫu với mình đủ thứ chuyện trên đời. Ngạc nhiên chưa. Khi đó những lời giáo huấn đạo đức có nghiêm khắc cỡ nào xem ra cũng dễ nghe. Vì ít ra, những cuộc đối thoại đã diễn ra trong cùng một “tần số phương tiện”, đó là mạng xã hội. Nhưng như đã nói, không phải “bà ngoại” nào cũng đủ sức làm và làm được điều lạ lùng đó.

Đó cũng là lý do mà bố của người bạn mà tôi đã nêu trong phần đầu bài viết cố gắng gia nhập vào thế giới mạng xã hội. Ông bỏ hàng giờ để trò chuyện với mấy đứa cháu ở gần lẫn ở xa, từ chuyện bạn trai bạn gái của tụi nó, chuyện học hành, chuyện giận hờn ba mẹ… Từ việc nhấn like hầu hết hình ảnh và những status ất ơ nhất của bọn cháu chắt nhí nhố để cốt thâm nhập và hiểu về thế giới của bọn nhỏ. Chỉ bấy nhiêu cho thấy ông già bảy mươi còn “chịu chơi” chán!

Nhưng rồi một hôm, thấy ông thức khuya lọ mọ chat qua Facebook với đứa cháu, trong ngày, những giờ làm ở công ty mở Facebook lên vẫn thấy ông online trò chuyện với một ai đó hoặc có khi viết cả những status ôn lại kỷ niệm xưa với một người bạn cũ nào đó, chị mới giật mình: lý do bố ghiền Facebook ngoài chuyện để gần con cháu, thì còn là để giải quyết nỗi cô đơn tuổi già.

Like, comment, đưa ra những status kèm hình ảnh kỷ niệm xưa nào đó tìm thấy trong album gia đình; hay đôi khi là những dòng bàn luận một chuyện thời sự nào đó đọc được trên trang báo sáng… khiến cụ mất thì giờ và tâm sức cho “mạng mùng”. Cụ tận tụy và chăm chút cho không gian Facebook, không để sót một comment nào không trả lời. Trong khu phố, bạn bè vong niên của cụ già trên, cũng có một số cụ lập Facebook, hỏi ra mới biết, các cụ bài bản trong việc tổ chức bạn bè trên mạng lắm. Này hội khiêu vũ, này hội thái cực quyền, này hội đọc sách, hội chơi hoa lan, hội thơ người cao tuổi ở phường… đủ thứ loại hội nhóm sở thích ngoài đời của các cụ cũng được “bê” lên mạng tha hồ bàn luận rồi offline sinh hoạt.

Một vài lần, chị định lòng nói với bố, hay là bớt bận tâm tới những gì trên mạng. Nhưng rồi chị nhận ra gốc rễ vấn đề: trong gia đình, bọn trẻ cũng suốt ngày sống trên Facebook, cả chị nữa, đều dành phần lớn thời gian để lướt, tán gẫu trên “phây”. Thì biết làm sao, khi cả chuyện các cụ “lậm” vào mạng xã hội cũng thành một liệu pháp để tránh đi cảm giác một mình đơn độc, thoát khỏi mặc cảm bị bỏ rơi hoặc không hòa nhập được vào đời sống con cháu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Công ty mẹ của Facebook mở gian hàng bán hàng quần...

0
Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, sẽ ra mắt gian hàng bán quần áo kỹ thuật số cao cấp từ các thương hiệu...

Facebook thực hiện chiến dịch truyền thông “Tiêm vắc xin –...

0
(SGTT) - Bộ Y tế phối hợp với Facebook phát động chiến dịch truyền thông “Tiêm vắc xin - Vững niềm tin”. Đây là...

Facebook khởi kiện một nhóm người Việt với cáo buộc ‘lừa...

0
Trên trang thông tin chính thức của Facebook ngày 29-6 có bài của Jessica Romero, Director of Platform Enforcement and Litigation (tạm dịch Giám...

Đề phòng nguy hiểm trên Internet bằng những thủ thuật đơn...

0
(SGTT) - Diệt virus, hạn chế sử dụng Internet công cộng, wifi miễn phí, đăng xuất tài khoản sau khi sử dụng là những cách...

Facebook hạn chế chia sẻ đường dẫn, người dùng sẽ ra...

0
(SGTTO) - Từ ngày 1-10-2020 sắp tới, Facebook có thể gỡ bỏ hoặc chặn những nội dung có thể gây ra rủi ro pháp...

Nhộn nhịp mua bán trên mạng xã hội

0
(SGTT) - Hoạt động kinh doanh hàng trực tuyến trên các nền tảng di động ở Việt Nam đang ngày càng sầm uất. Thay vì...

Kết nối