Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Cá ngừ “bơi” sang Nhật: Đường quá dài

Đầu tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên những con cá ngừ đại dương Việt Nam đã xuất hiện trong phiên đấu thầu tại chợ cá Osaka (Nhật Bản). Số cá này do ngư dân Việt Nam đánh bắt với công nghệ Nhật Bản. Dù chỉ có chín trên tổng số 37 con đạt tiêu chuẩn được chọn đi Nhật nhưng đây được xem là tín hiệu vui cho ngành đánh bắt thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để có nhiều hơn cá ngừ Việt Nam “bơi” được vào thị trường Nhật Bản, những người trong cuộc cho rằng đó là một chặng đường khá dài.

Không hề đơn giản

Để có lô hàng này, việc đánh bắt cá có sự tham gia của ba đơn vị tại Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, đầu tiên là nhóm tàu khai thác, kế đến là Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifishco) và cuối cùng là Công ty Kato Office (Nhật Bản). Trong đó, nhóm tàu khai thác gồm năm tàu câu cá ngừ đại dương, tham gia mô hình với vai trò đánh bắt. Mỗi tàu được trang bị một bộ dây câu gồm máy tạo xung, máy thu câu tự động. Tổng chi phí cho năm bộ dây câu là 1,3 tỉ đồng. Đồng thời, năm tàu này được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ cải tạo hầm bảo quản cá ngừ với tổng chi phí 150 triệu đồng.

Ngoài nhóm tàu đánh bắt, hai đơn vị còn lại cũng có nhiệm vụ rõ ràng. Cụ thể, Bidifishco đóng vai trò là nhà thu mua, xuất khẩu. Giá mua cá mà Bidifishco đưa ra đối với cá ngừ đại dương trong chương trình này cao hơn giá thị trường 20%. Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (Kato Office) có chức năng là đại lý độc quyền của Bidifishco tại Nhật Bản.

Sau khi đánh bắt, 37 con cá ngừ được đối tác của Kato là Công ty Daiki Suisan và Trung tâm Đấu giá cá ngừ Osaka (Nhật Bản) cử nhân viên kiểm tra lựa chọn. Tuyển chọn xong, những con cá này được đưa lên máy bay đến Osaka, tham gia sàn đấu giá.

Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, đây là lần đầu tiên cá ngừ của Việt Nam tham gia đấu giá ở sàn đấu giá cá ngừ Osaka. Tuy nhiên, do ngư dân vẫn chưa làm chủ được công nghệ đánh bắt của Nhật nên trong số 37 con cá ngừ đánh bắt được chỉ có 10 con đem đi đấu giá ở Osaka. Trong số 10 con cá này, một con không đạt chuẩn làm sushi nên chỉ được bán với giá bình thường tương đương 52.000 đồng/kg. Các con cá còn lại đã được bán với giá 156.000-437.000 đồng/kg.

Còn khá nhiều việc phải làm để con cá ngừ tăng giá trị khi tham gia sàn đấu giá ở nước ngoài. Ảnh: Ngọc Hùng
Còn khá nhiều việc phải làm để con cá ngừ tăng giá trị khi tham gia sàn đấu giá ở nước ngoài. Ảnh: Ngọc Hùng

[box type=”download”] Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong sáu tháng đầu năm 2014, Nhật Bản bỏ ra 1 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu cá ngừ các loại. Dẫn đầu về thị phần là Đài Loan với 18,5% trong khi Việt Nam có thị phần chưa đến 1%.[/box]

Tăng giá trị cho cá ngừ

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng việc cá ngừ Việt Nam đem đi đấu giá ở nước ngoài là tín hiệu đáng mừng. Tuy số lượng cá đạt chuẩn xuất khẩu còn thấp nhưng ít nhất ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam cũng biết là nếu bảo quản tốt và tuân theo kỹ thuật đánh bắt của Nhật thì cá ngừ đại dương sẽ được bán giá cao. Theo số liệu từ VASEP, mỗi năm Việt Nam đánh bắt khoảng 15.000 tấn cá ngừ đại dương và lượng này chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp thường nhập khẩu cá ngừ từ Philippines, Indonesia để chế biến thành sản phẩm đóng hộp xuất khẩu mà chưa có doanh nghiệp nào nghĩ đến việc đem đi đấu giá.

Giải thích về vấn đề này, đại diện một công ty thủy sản 100% vốn nước ngoài có nhà máy tại Bình Dương chuyên chế biến các loại cá biển đóng hộp xuất khẩu cho rằng, do lâu nay ngư dân Việt Nam quen với cách đánh bắt bằng đèn, thậm chí bằng đèn cao áp, cùng với việc bảo quản bằng đá dài ngày trong tàu vỏ gỗ nên chất lượng cá thấp. Với cách đánh bắt và bảo quản lâu nay, nếu doanh nghiệp đem cá ngừ đi đấu giá ở một sàn nổi tiếng như Osaka thì khả năng thua lỗ rất lớn. “Để những công ty như Bidifishco có thể có lãi từ việc đem cá ngừ đại dương đi đấu thầu ở Nhật Bản thì chúng ta phải đầu tư xây dựng một đội tàu với công nghệ đánh bắt và bảo quản theo công nghệ của Nhật Bản”, vị này nói.

Theo ông Vũ Đình Đáp, chi phí đầu tư để có thể đánh bắt cá ngừ đại dương theo tiêu chuẩn Nhật Bản là khá cao. Theo đó, chi phí mua năm bộ dây câu cho năm tàu là 1,3 tỉ đồng, trong khi, bộ dây câu đang được ngư dân dùng để câu cá ngừ đại dương hiện nay vào khoảng 20-30 triệu đồng. Kế đến, hệ thống đông lạnh, bảo quản cá trên tàu cũng là một vấn đề đối với các tàu đánh bắt Việt Nam.

Theo đại diện Bidifishco – đơn vị xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam – thì giá bán tại sàn Osaka phải từ 300.000 đồng/kg mới có lãi. Tuy nhiên, tính trung bình, cả 10 con cá được mang vào Nhật lần này, giá trị chỉ đạt 249.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, do đây mới là mô hình thí điểm với số lượng tàu tham gia hạn chế. Vì vậy, để đảm bảo sản lượng xuất khẩu thường xuyên và lâu dài, cần phổ biến nhân rộng mô hình này lên. “Để cá ngừ có thể tham gia đấu thầu ở Osaka thì phải đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Quy Nhơn, kết hợp áp dụng công nghệ bảo quản CAS (Cell Alive System) của Nhật chuyển giao cho Việt Nam”, ông Lâm nói.

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ăn một… cái nhìn!

0
NGUYỄN VINH -  Về Phú Yên, Bình Định – cái nôi của nghề đánh bắt cá ngừ đại dương mà chưa được thưởng thức chén...

Được mùa cá ngừ đại dương

0
Ngư dân thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, tháng 7 năm nay, họ trúng mùa cá ngừ bởi mỗi lần ra...

Kết nối