Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa cùng tuyến buýt số 1

(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5 như hội quán Tam Sơn, hội quán Nhị Phủ, hội quán Nghĩa An, hội quán Quỳnh Phủ.

Theo Báo Dân tộc và Phát triển, hội quán của người Hoa khu vực Chợ Lớn có quá trình lịch sử lâu dài, gắn liền với bản sắc, văn hóa cộng đồng người Hoa tại TPHCM. Trước đây, hội quán thường sinh hoạt theo cộng đồng bang, hội, làm ăn, kinh doanh.

Hiện nay, những hội quán đóng vai trò gìn giữ bản sắc văn hóa, liên kết cộng đồng. Một số hội quán trở thành những di sản văn hóa kiến trúc cấp quốc gia.

Hội quán Tam Sơn

Khung cảnh bên ngoài Hội quán Tam Sơn. Ảnh: Lạc Hà

Tọa lạc tại số 118 Triệu Quang Phục, quận 5, Hội quán Tam Sơn là một trong những hội quán lâu đời của người Hoa ở vùng Chợ Lớn xưa.

Một góc kiến trúc bên trong Hội quán Tam Sơn. Ảnh: Lạc Hà

Nơi đây được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa kiều gốc Phúc Kiến vào khoảng năm 1839. Hội quán Tam Sơn có lối kiến trúc của người Hoa xưa với tường màu đỏ, gạch ngói ống, có sân bên trong nhà.

Hội quán Nhị Phủ

Hội quán Nhị Phủ là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm. Ảnh: Lạc Hà

Hội quán Nhị Phủ hay còn gọi là Miếu Ông Bổn, nằm tại số 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TPHCM. Khuôn viên hội quán Nhị Phủ rộng hơn 2.500 m², sân trước chiếm phần lớn diện tích. Nằm sâu trong hội quán là Điện Ngọc Hoàng.

Điện Ngọc Hoàng nằm sâu trong khuôn viên Hội quán Nhị Phủ. Ảnh: Lạc Hà

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 5, bên phải hội quán là trường học cơ sở Trần Bội Cơ, nguyên là trường trung học Phúc Kiến do Hội quán Nhị Phủ xây dựng.

Một góc sân của hội quán. Ảnh: Lạc Hà

Hàng năm, Hội quán Nhị Phủ tổ chức nhiều ngày cúng tế, thu hút người dân đến chiêm bái. Hai ngày lễ tế chính là ngày sinh và ngày mất của Ông Bổn vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám Âm lịch. Vào những ngày này, hội quán diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như múa lân sư rồng, biểu diễn nhạc cổ Phước Kiến…

Hội quán Nghĩa An

Hội quán Nghĩa An hay chùa Ông nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, đã có tuổi đời hơn 200 năm. Hội quán có kiến trúc truyền thống của người Hoa, phần mái được tạo thành từ gạch ống với phần đỉnh được chạm khắc tinh xảo.

Nét nổi bật trong kiến trúc của hội quán là mái nhà cong hình thuyền, có trang trí phù điêu rồng, cá chép được ghép lại bằng những mảnh sứ rất công phu. Ảnh: Lạc Hà

Năm 1993, hội quán Nghĩa An được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) trao bằng công nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia.

Bước vào không gian bên trong hội quán, du khách có thể chiêm ngưỡng những bức phù điêu sắc sảo. Ảnh: Lạc Hà

Hội quán được trùng tu nhiều lần và lần gần đây nhất là vào năm 2010. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, nét kiến trúc và các tác phẩm điêu khắc trong hội quán vẫn được bảo tồn tốt.

Hội quán Quỳnh Phủ

Khung cảnh bên ngoài Hội quán Quỳnh Phủ. Ảnh: Lạc Hà

Hội quán Quỳnh Phủ  tọa lạc tại số 276 đường Trần Hưng Đạo B, quận 5. Hội quán được xây vào khoảng năm 1824, do cộng đồng Hoa kiều gốc Hải Nam đến sinh sống ở Chợ Lớn đóng góp tiền bạc mua đất xây dựng.

Ảnh: Lạc Hà

Theo ghi chép trên các bia đá, nơi đây đã trải qua hơn chục lần trùng tu mở rộng, trong đó có 6 lần trùng tu quy mô lớn thì mới có diện mạo như hôm nay. Năm 2001, hội quán Quỳnh Phủ được công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa” cấp quốc gia.

Ngoài 4 điểm trên, trong hành trình “Buýt vi vu” cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể ghé thăm các điểm tham quan khác như chợ Bến Thành, nhà thờ Chợ Quán - nhà thờ cổ xưa nhất TPHCM, thánh đường Jamiul Islamiyah, chùa bà Thiên Hậu...

Tuyến xe buýt số 1 hoạt động từ 5:00 đến 20:30, mỗi chuyến cách nhau từ 10-15 phút, thời gian di chuyển khoảng 60 phút cho cả lộ trình. Xe khởi hành từ trạm xe buýt Bến Thành đến bến xe Chợ Lớn và ngược lại.

“Buýt vi vu” là chuỗi nội dung Sài Gòn Tiếp Thị gợi ý cho độc giả những hành trình đi du lịch bằng xe buýt khám phá TPHCM. Theo đó, trong mỗi bài viết, “Buýt vi vu” sẽ cung cấp cho bạn độc thông tin về lộ trình của một tuyến xe và gợi ý các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh… trên lộ trình đó.

Lạc Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối