Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Biệt thự cổ qua lời kể của vị kiến trúc sư yêu Sài Gòn

(SGTTO) – Những ngôi biệt thự cổ trên các tuyến đường quận 3 luôn nằm trong những bài giảng của Kiến trúc sư Nguyễn Khiêm tại trường Đại học Kiến Trúc TPHCM. Là người yêu kiến trúc cổ, ông luôn muốn truyền đến sinh viên về lòng yêu thích của mình với vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống hòa quyện cùng kiến trúc du nhập thời Pháp và Mỹ thuộc.

KTS Nguyễn Khiêm tham gia tư vấn thiết kế kiến trúc cho công ty của Anh trong các dự án liên quan đến bảo tồn và trùng tu di sản 10 năm nay. Do đó, những ngôi biệt thự cổ ở TPHCM đối với ông là một kho tàng thông tin để nghiên cứu và giảng dạy.

Một biệt thự cổ còn được giữ lại nguyên vẹn kiến trúc ngày đầu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Ảnh: Thành Hoa
“Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát”
Những công trình kiến trúc mang giá trị di sản văn hóa của một thành phố không những giúp thành phố đó giữ được cái hồn và bản sắc trong quá trình phát triển. Nét riêng này sẽ thu hút du khách các nơi trên thế giới đến tìm hiểu thành phố. Đây là  “kinh tế di sản’’, cần được quan tâm bảo tồn cho đến thế hệ sau, theo KTS Nguyễn Khiêm. Ảnh: Thành Hoa

KTS Nguyễn Khiêm có cả bộ sưu tập về bản đồ quy hoạch vùng TPHCM từ năm 1815, trước đó còn là thành cổ hình thành từ tập quán “đất lành chim đậu”. Theo những gì ông nghiên cứu thì TPHCM hình thành từ một đô thị sông nước từ thuở sơ khai. Vào thời nhà Nguyễn, nơi này được gọi là tỉnh Gia Định nằm bên cạnh con sông Sài Gòn hiền hòa, yên bình.

Các nền văn hóa khác nhau như Việt, Hoa, Ấn… từ các nơi về đây giao thương với nhau, chung sống yên bình. Chính điều đó cũng tạo nên tính cách người Nam bộ cởi mở, hào sảng và phóng khoáng.

Căn nhà cổ này đang được sử dụng như một nhà hàng hạng sang tại quận 3. Ảnh: Thành Hoa

KTS Khiêm có thú vui gắn những tác phẩm âm nhạc vào cảm xúc khi cảm nhận vẻ đẹp của kiến trúc Sài thành xưa. Ông tâm đắc các căn biệt thự thời Pháp thuộc và lại gắn cùng tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, bài hát “Trả lại em yêu”. Trong bài hát có câu “Trả lại em yêu khung trời đại học. Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát”.

KTS Khiêm nói: “Trong ca từ về những mối tình thời sinh viên Văn Khoa ngày ấy, nhạc sĩ Phạm Duy đã nhắc đến những con đường rợp lá và những biệt thự cổ mà ai yêu Sài Gòn cũng biết, cũng nhớ khi đi xa”.

Theo ông, khi người Pháp đến đặt chân tại vùng đất này, họ đã nhận ra vị trí chiến lược của nơi này không chỉ giao thương trong nước mà còn có thể mở rộng ra khu vực châu Á và thế giới. Do đó, họ quyết định quy hoạch nơi này từ vùng đất sình lầy sông nước và kinh tế chỉ dựa vào nông nghiệp. Theo tầm nhìn chiến lược lâu dài của người Pháp, họ muốn đưa Sài Gòn lên thành một đô thị kiểu mẫu châu Âu đầu tiên ở Đông Dương. 

Một căn biệt thự cổ ở quận 3 giờ đang được sử dụng như quán cà phê. Ảnh: Thành Hoa

Mở tấm bản đồ từng thời kỳ năm 1829, ông Khiêm mô tả về quận 3, nơi người Pháp quy hoạch là nơi tập trung cư dân cao cấp. “Khi đó, khu vực quận 3 được quy hoạch chức năng để ở, dựa trên học thuyết quy hoạch cổ điển phương Tây. Tại đây, các làng biệt thự và khu nhà thấp tầng theo ô bàn cờ được quy hoạch để thành khu dân cư cao cấp”, ông nói.

Theo ông Khiêm, ở thời điểm đó, làng biệt thự này được quy hoạch đạt tiêu chuẩn hiệu quả sử dụng đất và hài hòa cảnh quan cây xanh dành cho đô thị Sài Gòn và chứa tối đa khoảng 300.000 dân. KTS Khiêm chia sẻ: “Trải qua bao thăng trầm, những ngôi biệt thự với con đường cây dài bóng mát ở quận 3 này gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố đã đi vào thơ ca, âm nhạc”.

Truyền thống hòa cùng nét hiện đại

Quận 3 ngày nay, vẫn còn đó những kiến trúc xưa, vẫn giữ được nét kiến trúc hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại.

Đứng tại ngã tư Trần Quốc Thảo và Nguyễn Đình Chiểu, KTS Khiêm chỉ tay về phía các ngôi biệt thự cổ nằm bình yên sau những tán cây xanh đã hơn trăm tuổi: “Người Pháp đã từng đặt mỹ danh cho Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông để mô tả vẻ yêu kiều của một thành phố xứ Đông Dương. Đến nay, quận 3 vẫn còn giữ được nét yêu kiều của kiến trúc thời này”. Xung quanh trục đường này, vẫn còn nhiều biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần, Ngô Thời Nhiệm và Bà Huyện Thanh Quan…

Các biệt thự cổ được đưa vào những con hẻm để tách bạch không gian sống với bên ngoài. Ảnh: Thành Hoa

Ông Khiêm cho hay, từ năm 1898, các kiến trúc cổ này đã hình thành một bản sắc riêng dựa vào kiến trúc nhiệt đới và hoa văn trang trí của người Việt lúc bấy giờ. Khi người Pháp thiết kế xây dựng các căn biệt thự, họ không chỉ thiết kế công trình mang nét cổ điển kiểu Pháp mà còn biến đổi nó phù hợp khí hậu vùng nhiệt đới. Cụ thể là việc thiết kế hàng hiên thông thoáng, mái ngói, chi tiết hoa văn hoa gió mang đậm bản sắc phương Đông, tạo nên  phong cách riêng gọi là “Kiến trúc Đông Dương”.

Trên những trục đường này, ít có hàng quán vỉa hè, xe cộ qua lại cũng thưa thớt nhờ cách bố trí giao thông đường một chiều. Các ngôi biệt thự dù được thiết kế bởi kiến trúc Pháp thời trước nhưng vẫn tôn trọng văn hóa người Việt. Từ các hoa văn trên cửa sổ, mái ngói của đình chùa dù được biến tấu thế nào cũng vẫn giữ được hồn của nhà mái ngói đỏ của Việt Nam.

Theo KTS Nguyễn Khiêm, những cải tiến mà các kiến trúc sư thời đó mang lại là dùng bê tông cốt thép để xây dựng kết cấu nhà cao và rộng hơn. Những điểm nhấn như ban công sắt, vòm cổng cong, những lối đi trong sảnh rộng và những ô cửa liên tiếp mới là những điểm mới du nhập từ nước ngoài về. Còn hình dáng cột trong nhà, ngay cả họa tiết của bờ tường che nắng giữ được hồn quê của người Việt. 

Con hẻm trên đường Ngô Thời Nhiệm tập trung nhiều nhà cổ, một số căn đang được trùng tu. Ảnh: Thành Hoa
Cả một thế giới sáng tạoTrong những ngôi biệt thự cổ ở quận 3 là cả một thế giới sáng tạo. Như ngôi biệt thự cổ tại 110–112 Võ văn Tần, còn được gọi là biệt thự Phương Nam, nhiều tác phẩm trên tường đã lộ ra khi người ta cạo lớp sơn để trùng tu. Những tác phẩm dường như gắn với những chuyến đi của người chủ, những bức tranh trên tường là những tác phẩm lột tả các nền văn hóa phương Đông. Phong cách kiến trúc cổ điển với các vật liệu được tìm thấy ở Đông Dương thời điểm đó và phù hợp khí hậu nhiệt đới dù trải qua gần 100 năm tuổi.Căn biệt thự này nằm trong danh sách biệt thự có giá trị lịch sử văn hóa và thẩm mỹ kiến trúc cần được bảo tồn nguyên vẹn theo hiện trạng ban đầu. Đối với KTS Khiêm, những căn biệt thự cổ này không chỉ là một di sản văn hóa mà còn mang lại giá trị kinh tế và là nền tảng cho kiến trúc thành phố sau này. 

Mỹ Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM dự kiến sắp xếp 80 phường thành 38 phường mới

0
(SGTT) - Theo tờ trình về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 tại TPHCM, dự...

TPHCM đặt mục tiêu GRDP tăng 7,5-8% trong năm 2024

0
(SGTT) - Thông tin tại Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM diễn ra ngày 2-12, thành phố đặt...

WEF sẽ phát triển Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0...

0
(SGTT) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang phối hợp với UBND TPHCM để chuẩn bị xây dựng Trung tâm Cách mạng...

TPHCM: Điều chỉnh giao thông để giảm ùn tắc trên đường...

0
Sở Giao thông Vận tải TPHCM điều chỉnh giao thông một số tuyến đường khu vực quận 4 và quận 7 để giảm ùn...

Điều chỉnh chiều lưu thông nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM

0
Sở Giao thông Vận tải TPHCM điều chỉnh nhiều đoạn đường từ 2 chiều thành 1 chiều để giảm ùn tắc và thí điểm...

TPHCM lên kế hoạch cải thiện chỉ số cải cách hành...

0
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch về cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và nâng cao sự hài lòng...

Kết nối