Những gốc tre thô cứng tưởng là đồ bỏ đi nhưng qua bàn tay của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ đã trở thành những tác phẩm điêu khắc ấn tượng, được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
- Nhu cầu lao động thủ công có kỹ năng thấp ngày càng giảm
- Người trẻ trải nghiệm cùng nghề thủ công trăm năm tại Hội An
Phố cổ Hội An nổi tiếng là điểm đến du lịch có kiến trúc đẹp và còn đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Người dân nơi đây rất chịu khó làm ăn kiếm sống và theo cách riêng của mình vẫn góp sức vào việc gìn giữ mảnh đất nuôi sống họ. Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ, người con của Hội An, là một người như thế.
Bén duyên với tre nhờ… lũ
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ còn được gọi với cái tên gần gũi là “chú Đỏ gốc tre”, xuất thân từ gia đình có truyền thống nghề giáo nhưng lại đam mê với điêu khắc nghệ thuật. Năm 16 tuổi, anh bắt đầu tìm và theo học nghề chạm khắc gỗ. Chàng trai trẻ năm ấy với niềm đam mê mãnh liệt vẫn luôn đau đáu tìm kiếm con đường gìn giữ nghề chạm khắc truyền thống của quê hương.
Cuối năm 1999, Quảng Nam cũng như các tỉnh miền Trung phải hứng chịu những trận mưa rất lớn kéo dài, gây ra lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều huyện, thị trong đó có thành phố Hội An. Ngồi trong nhà nhìn nhiều gốc tre trôi dạt theo dòng nước, anh vớt lên rồi nảy sinh ý tưởng thử chạm khắc gốc tre như cách từng làm trên mặt gỗ bao lâu nay, cũng chỉ với mục đích “giết thời gian” trong những ngày mưa lũ dầm dề.
Sau lũ, anh mang những gốc tre ấy ra phố cổ bán với giá 40.000 đồng/gốc tại các quầy hàng lưu niệm trên đường phố Hội An. Tất cả 8 gốc tre nghệ thuật của anh được mua nhanh chóng. Sau lần đó, nhiều người tìm đến anh để yêu cầu làm với giá cao hơn. Anh bén duyên với nghề làm gốc tre nghệ thuật từ đó.
Với niềm đam mê mãnh liệt, anh luôn tự tìm tòi, học hỏi cải tiến gốc tre, mang cho chúng nhiều dáng vẻ của một tác phẩm nghệ thuật hơn, nhìn bắt mắt hơn và hàm ý nhiều câu chuyện có ý nghĩa. Cũng các gốc tre tua tủa rễ, mắc tre gai góc thô ráp đó nhưng qua bàn tay khéo léo của anh Đỏ đã thành những râu, tóc, chân mày… cho những hình tượng nhân vật được khắc họa.
Không ngừng sáng tạo
Dù với kinh nghiệm điêu khắc gỗ 11 năm, khi chuyển sang “thổi hồn” vào gốc tre, anh thừa nhận bản thân chưa bao giờ ngừng cố gắng sáng tạo, để sản phẩm tới tay khách hàng là những hình tượng mang ý nghĩa độc đáo riêng.
“Làm những sản phẩm nghệ thuật này phải thật sự tập trung, đặt cả tâm hồn vào đó. Nhiều hôm tôi phải đợi đến đêm muộn mới lấy đồ nghề ra làm vì khi ấy mới có không gian yên lặng, kích thích trí sáng tạo của mình”, anh Đỏ chia sẻ.
Năm 2004, tận dụng mặt bằng sẵn có của gia đình trong lòng Hội An, anh chủ động mở cho mình một cửa hàng riêng. Mỗi tác phẩm gốc tre nghệ thuật đều được tạc thành những khuôn mặt độc đáo, những nhân vật lịch sử, nhân vật trong truyền thuyết như tượng Phật, Phúc Lộc Thọ, Quan Công, Thần Tài… với ý nghĩa tôn thờ, mang lại sự may mắn cho người sở hữu. Đó cũng là ý tưởng sáng tạo của anh Đỏ khi muốn mang những nguyên liệu thô sơ nhất tạo nên những hình tượng mang tầm ý nghĩa cao nhất.
Cứ thế, từng tác phẩm gốc tre được chạm khắc đều mang một đường nét độc đáo riêng bởi chúng hoàn toàn được làm thủ công bằng tay. Chú Đỏ bộc bạch: “Trước đây, rất nhiều người tranh cãi, so sánh sản phẩm của tôi với những sản phẩm công nghiệp làm từ máy móc. Quả thật, không có máy móc nào có thể khiến cho một tác phẩm trở nên có hồn được, đặc biệt với sự thô kệch từ chính đặc tính của gốc tre lại càng khó. Mình phải tính đúng tỷ lệ trong kiến thức mỹ thuật mới thể hiện được cảm xúc của từng khuôn mặt”.
Bằng tất cả nỗ lực của mình, đến nay, gốc tre chú Đỏ Hội An được biết tới nhiều hơn. Nhắc đến hàng điêu khắc ở Hội An, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến những gốc tre nghệ thuật và người đàn ông với lòng nhiệt thành, nụ cười đôn hậu với danh xưng thân thương “chú Đỏ”.
Hiện nay, nhiều khu du lịch của các địa phương như Huế, Sapa cũng đặt hàng sản phẩm của anh về bày bán. Cả nước có không dưới 10 đại lý bán tượng gốc tre của anh cho du khách. Trung bình mỗi tháng, anh bán từ 300-400 tượng gốc tre. Hiện những tác phẩm gốc tre chú Đỏ là thành viên của OCOP House, nơi chuyên cung cấp các sản phẩm OCOP và đặc sản xứ Quảng; anh Đỏ còn nhận được rất nhiều sự quan tâm khắp nơi thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… với hình ảnh mộc mạc bên những gốc tre.
Đưa gốc tre Việt Nam đến với thế giới
Trải qua hành trình đầy chông gai với hơn 34 năm chạm khắc gỗ và 23 năm gắn bó cùng nghề chạm khắc gốc tre nghệ thuật, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ đã có công đưa những gốc tre Việt Nam tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi tới nhiều thị trường từ Đông Nam Á đến những thị trường cao cấp hơn.
Không chỉ du khách trong nước mà nhiều khách nước ngoài khi đến với Hội An cũng rất ấn tượng với cửa hàng chú Đỏ. Từ sự thích thú của những tác phẩm gốc tre độc đáo đến sự niềm nở, mến khách của anh đã khiến nhiều du khách không thể không dừng chân tại gian hàng, sở hữu những tác phẩm này.
Từ trước đến nay, hình ảnh rễ tre cắm sâu vào lòng đất, sống bền bỉ ở mọi địa hình luôn gắn liền với quê hương, đất nước, con người, được xem là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Nay nhờ óc sáng tạo, bàn tay tài hoa và những triết lý nhân sinh quan của chú Đỏ, gốc tre Việt Nam đã chu du theo chân du khách đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Có những du khách nước ngoài, đã mua tác phẩm một lần, sau nhiều năm vẫn quay lại Hội An tìm chú Đỏ.
Đây không chỉ là thành công trong việc quảng bá sản phẩm, mà còn là thành công trong công cuộc lan tỏa, thể hiện văn hóa của dân tộc Việt đến với bạn bè năm châu nhờ “vị đại sứ gốc tre” này.
Một du khách người Pháp sau khi chiêm ngưỡng và quyết định mua tác phẩm của chú Đỏ chia sẻ: “Những hình tượng này được xây dựng rất độc đáo, tôi thích nó vì được trực tiếp xem ông ấy chế tác tại đây, rất thú vị. Ông ấy còn nói cho tôi biết ý nghĩa của mỗi hình tượng ở đây để quyết định mua sao cho đúng sở thích của mình”.
Được đón nhận, được yêu thích, được “xuất ngoại” là thế, chú Đỏ vẫn luôn đau đáu, mong mỏi những tác phẩm của mình cùng với nghề điêu khắc gốc tre này sẽ còn lưu truyền mãi về sau. “Hiện giờ tôi vẫn đào tạo cho vợ và các con tôi cái nghề điêu khắc gốc tre này cùng nhiều học trò nữa để kế nghiệp mình. Tôi mong muốn được đào tạo cho thế hệ trẻ, vừa để tiếp nối nghề, vừa kết hợp được kinh nghiệm của mình với sự sáng tạo của thế hệ trẻ để tạo nên nhiều sản phẩm cải tiến hơn. Hy vọng rằng, thành phố cùng Trung tâm Văn hóa – Du lịch Hội An tạo điều kiện để tôi có thể xây dựng một làng nghề hướng nghiệp cho thế hệ trẻ nhằm phát triển bền vững hơn; cũng là để cho nhiều người nước ngoài biết gốc tre Việt Nam có thể làm nên rất nhiều sản phẩm ý nghĩa”…
Cáp Kim - Lệ Thành
Theo Kinh tế Sài Gòn Online