Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Biến chiếc điện thoại thành thẻ thanh toán

Vân Ly –

Mã vạch ma trận QR (quick response code) là phương thức thanh toán mới, được dùng thay cho mã vạch truyền thống. Một số ngân hàng và doanh nghiệp đang đi theo xu hướng này, bắt đầu cung cấp giải pháp thanh toán tích hợp trên điện thoại di động cho khách hàng.

Bước đầu tiếp cận

Với một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan, công nghệ này đã được áp dụng khá phổ biến, nhưng ở Việt Nam nó còn tương đối lạ lẫm với nhiều người. Song nói như ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), việc thanh toán bằng mã QR trên điện thoại di động đang hình thành, dần được nhiều người biết đến.

Mới đây, ngân hàng TPBank đã ra mắt ứng dụng thanh toán và chuyển tiền bằng mã QR trên điện thoại di động. Ứng dụng này giúp cho người dùng có thể chuyển tiền hay thanh toán chỉ với chiếc điện thoại, không cần cầm theo thẻ hay tiền mặt.

Để thanh toán, người dùng chỉ cần mở ứng dụng, đăng nhập, quét mã QR và quét vân tay hoặc nhập mã cá nhân để xác nhận thanh toán. Tất cả chỉ diễn ra trong vài giây mà không cần nhập nhiều thông tin như lâu nay người dùng vẫn phải làm trên các ứng dụng ngân hàng điện tử khác. Để dùng ứng dụng này, khách hàng dù đã có hay chưa có tài khoản tại ngân hàng TPBank chỉ cần nhập họ tên, số chứng minh thư, số điện thoại và nhập mã kích hoạt để đăng ký sử dụng.

Nhân viên ngân hàng đang hướng dẫn cho khách hàng cài đặt sử dụng ứng dụng thanh toán bằng mã QR.  Ảnh: Vân Ly
Nhân viên ngân hàng đang hướng dẫn cho khách hàng cài đặt sử dụng ứng dụng thanh toán bằng mã QR. Ảnh: Vân Ly

Trong tháng 10 vừa qua, VinaPhone đã trở thành nhà mạng đầu tiên công bố áp dụng hình thức thanh toán cước di động cho các thuê bao qua mã QR. Theo đó, tất cả các hoá đơn cước của VinaPhone sẽ được tích hợp thêm trên mã QR. Khách hàng chỉ cần tải ứng dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng cài trên điện thoại, quét mã QR trên hoá đơn của VinaPhone là có thể hoàn thành việc thanh toán trong vòng vài giây.

Trong giai đoạn đầu áp dụng hình thức thanh toán này, VinaPhone hợp tác với ngân hàng VietinBank. Trong thời gian tới, hình thức thanh toán này sẽ được VinaPhone áp dụng cho tất cả các dịch vụ viễn thông và được mở rộng tới toàn bộ hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam, qua đó mọi khách hàng đều dễ dàng tiếp cận với hình thức thanh toán hiện đại này.

Dịch vụ thanh toán bằng mã QR được ngân hàng đầu tiên cung cấp cách đây hơn hai năm, nhưng đến nay đã có 12 ngân hàng tham gia. Được biết một số ngân hàng cũng đang chuẩn bị cung cấp giải pháp thanh toán mã QR cho khách hang.

Bùng nổ xu hướng?

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc ngân hàng VietinBank, cho rằng đây là hình thức thanh toán có nhiều lợi ích. Với khách hàng, ngoài việc không cần đem theo tiền mặt hay thẻ ngân hàng, thông tin được bảo mật vì không phải đưa thẻ ngân hàng cho người bán hàng khi thanh toán. Người bán hàng tiết kiệm được các chi phí đầu tư cho hoạt động thu ngân, kiểm tiền hay chi phí lắp đặt, đầu tư thiết bị đọc khi thanh toán thẻ. Còn các ngân hàng thì tiết giảm được chi phí đầu tư cho ATM.

Theo ông Lân, chính vì những ưu điểm trên, việc thanh toán sử dụng mã QR đang được phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia mà thiết bị di động thông minh được sử dụng phổ biến như ở Trung Quốc và Ấn Độ.

“Tại Việt Nam, tiềm năng thanh toán qua mã QR rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh”, ông Lân nói. Ông cho biết thêm, tính từ đầu năm tới hết tháng 9-2017, thanh toán qua mã QR tăng trưởng 120%, với số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán mã QR tăng lên tới gần 5.000 điểm. Dự báo đến hết năm 2018, số điểm giao dịch sẽ là 50.000 điểm (theo tính toán từ công ty VnPay).

Ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc ví điện tử Moca, cũng cho rằng chất xúc tác cho sự bùng nổ thanh toán di động là mã QR. Thanh toán bằng thẻ vật lý khó phát triển vì sự thiếu hụt máy POS do vấn đề chi phí. Ví dụ, để trang bị máy POS cho 1.000 xe taxi sẽ cần đầu tư khoảng 300.000-500.000 đô la Mỹ. Trong khi đó, gắn mã QR cho 1.000 xe taxi này sẽ chỉ cần in sticker với tổng chi phí khoảng 10-20 triệu đồng.

Ông Nam cho rằng mã QR rất phù hợp với thanh toán di động, nhờ tiết kiệm chi phí. Mã này có thể được thể hiện đơn giản trên các loại bề mặt như giấy, sticker, decal, tấm mica và cả màn hình điện thoại, máy tính. Vì vậy, không chỉ taxi, các cửa hàng lớn nhỏ, trang web thương mại điện tử, hoá đơn điện nước hay hoạt động giao hàng thu tiền, đều có thể ứng dụng QR vào thanh toán.

Theo ông Nam, giải pháp thanh toán di động thế hệ mới an toàn hơn các hình thức thanh toán điện tử truyền thống, như thẻ nhựa hay ví điện tử, bởi nó giúp hạn chế rủi ro lộ thông tin thẻ khi thực hiện các dịch vụ thanh toán. Công nghệ này áp dụng phương thức bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm thông qua cách thay số thẻ bằng một chuỗi số khác – gọi là token. Token này không thể bị lần ngược trở lại để tìm ra thông tin thẻ. Khi người dùng liên kết thẻ thanh toán với ứng dụng ví điện tử, hệ thống phía ngân hàng sẽ cung cấp một token ứng với dữ liệu của thẻ của người dùng.

Ông Nam cho biết, ví điện tử chỉ lưu giữ và sử dụng token này để xử lý các giao dịch thanh toán. Thông tin thẻ thực của người dùng hoàn toàn không được lưu trên điện thoại hay trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử. Và khi thực hiện giao dịch, nó được sử dụng thay cho số thẻ. Thêm vào đó, trong thanh toán bằng mã QR, việc người mua quét mã của người bán cũng không có nghĩa ứng dụng thanh toán gửi dữ liệu của khách sang phía người bán.

“So với việc nhập thông tin thẻ trong thanh toán điện tử truyền thống, hay đưa thẻ nhựa cho nhân viên thu ngân ở cửa hàng, việc thanh toán qua ứng dụng di động an toàn hơn nhiều. Bên cạnh đó, các ứng dụng thanh toán di động hiện đại cũng bắt đầu hỗ trợ tính năng xác thực bằng vân tay. Phương thức này đem đến trải nghiệm đăng nhập, xác thực thanh toán nhanh chóng và an toàn. Vì thế, thanh toán di động đang trở thành cơ hội tốt nhất cho thanh toán điện tử ở Việt Nam,” ông Nam nhận định.

Ông Lực cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội giúp thanh toán di động phát triển mạnh mẽ, khi thị trường bán lẻ đang tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và smartphone ngày càng trở nên phổ biến. Đồng thời, sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính cũng làm cho thị trường thanh toán di động trở nên sôi động hơn.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay Việt Nam có gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, thay đổi thói quen dùng tiền mặt như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Trưa nay ăn gì: Thưởng thức bánh canh khô, món ăn...

0
(SGTT) – Trong văn hóa ẩm thực vùng miền, bánh canh khô là món ăn đặc trưng của người dân xứ Huế. Khi nấu...

Buýt vi vu: Khám phá những mảng xanh ở TPHCM cùng...

0
(SGTT) - Trên hành trình vi vu từ quận 1 đến bến xe An Sương (huyện Hóc Môn) cùng xe buýt số 65, du...

Kết nối