Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Bệnh than có dấu hiệu gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc

Theo báo cáo từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ ngày 5-5 đến ngày 30-5-2023 trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (1 ổ dịch than), xã Xá Nhè (2 ổ dịch than). Tất cả các trường hợp mắc bệnh hiện đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế và hiện chưa có trường hợp nào tử vong.

Theo Bộ Y tế, bệnh than còn gọi là bệnh nhiệt thán, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm của các loài động vật máu nóng (gia súc, động vật hoang dã), có thể lây truyền từ động vật sang người qua việc tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia súc đặc biệt là trâu, bò, ngựa bị bệnh, ốm chết hoặc tiếp xúc với môi trường, đất có vi khuẩn than.

Bệnh than là bệnh lưu hành địa phương, thường xảy ra ở nơi có ổ dịch cũ. Những người mắc bệnh chủ yếu ở thể da, thường lành tính và rất hiếm khi lây trực tiếp từ người sang người.

Qua điều tra và xét nghiệm các trường hợp mắc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều liên quan tới việc tham gia giết mổ và sử dụng thịt của trâu, bò ốm chết do bệnh than. Hiện tại 119 người có liên quan tới ổ dịch (người tham gia giết mổ, ăn thịt trâu, bò ốm chết) đã được lập danh sách, theo dõi sức khoẻ và hiện tại sức khoẻ ổn định.

Theo Bộ Y tế, các ca bệnh than trên người mới ghi nhận ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đều là những xã đã từng xuất hiện ổ dịch than trước đây.

Theo nhân định của Bộ Y tế, so với trung bình số mắc 5 năm gần đây, bệnh than hiện đang có dấu hiệu gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc, do các nguyên nhân sau:

  • Một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam là những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở khiến việc tiếp cận thông tin liên lạc và hoạt động giám sát, phòng chống dịch khó khăn.
  • Mầm bệnh tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc và từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người.
  • Tại khu vực ổ dịch, người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp cận với truyền thông về các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế do các rào cản về địa lý, phong tục, tập quán, ngôn ngữ. Từ đó, dẫn đến các hành vi nguy cơ như giết mổ, ăn thịt gia súc chết... hoặc không khai báo cho chính quyền địa phương và bán thịt gia súc ốm, chết cho người dân ở địa phương khác dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh than trên người trong thời gian tới có thể xảy ra.

Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ, ngay sau khi nhận được thông tin về các ổ dịch bệnh than tại Điện Biên, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn gửi Sở Y tế tỉnh Điện Biên và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị tiến hành các biện pháp giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh than trên người.

Theo báo Sức khoẻ & Đời sống, bệnh than có nhiều tổn thương, khi bệnh than tiến triển có thể gây sốc, suy đa tạng, viêm màng não... Và điều quan trọng, vi khuẩn gây bệnh than có thể ngủ dưới dạng các bào tử. Ở môi trường đất thích hợp, bào tử có thể tồn tại ở dạng tiềm sinh trong vài thập kỷ. Chính vì thế bào tử vi khuẩn bệnh than được một số nước dùng làm vũ khí sinh học. Tất cả những gen độc lực của B. anthracis đều xuất phát từ sự nảy mầm của bào tử trong cơ thể. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh than là một bệnh truyền nhiễm với nỗi lo vũ khí sinh học và căn bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm ở người.

Nhã Lý

Theo cổng thông tin Bộ Y tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối