Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Bất chấp Covid-19, bán lẻ phục hồi nhanh hơn kỳ vọng

Kết quả kinh doanh cuối năm 2020 cho thấy nhiều nhà bán lẻ quy mô lớn tiếp tục phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập người dân và sức cầu mua sắm.

Phục hồi nhanh hơn kỳ vọng

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và lan rộng đã khiến cho thị trường bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng từ những đợt giãn cách xã hội, sự hạn chế đi lại và sức cầu giảm do  thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm. Tuy nhiên, vào cuối năm 2020, kết quả kinh doanh của nhiều chuỗi bán lẻ cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp này đang tiến triển nhanh hơn kỳ vọng.

mua sẵm tết
Siêu thị sẽ thực hiện giảm giá, khuyến mãi sớm cho mùa mua sắm tết năm nay. Ảnh: Nam Bình.

Chẳng hạn, báo cáo mới đây của Thế Giới Di Động cho biết doanh thu và lợi nhuận trong tháng 11 đều tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ. Còn lũy kế 11 tháng đầu năm thì doanh thu đạt 99.300 tỉ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch; trong khi đó lợi nhuận đạt xấp xỉ 3.600 tỉ đồng, đã vượt 4% kế hoạch năm. Doanh thu chủ yếu đến từ chuỗi điện máy và điện thoại chiếm tỷ trọng lớn nhất (lần lượt là 53,5% và 27,2%), còn lại đến từ chuỗi cửa hàng bách hóa.

Tương tự, doanh thu bán lẻ của PNJ, nhà sản xuất kim hoàn, đạt mức tăng trưởng ấn tượng với con số 21,7% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu bán buôn giảm 18,4%. Theo chia sẻ mới nhất thì doanh thu bán lẻ vẫn tiếp tục tăng tốt trong tháng 12 vừa qua.

Đánh giá của Công ty chứng khoán SSI cho thấy doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ được hỗ trợ nhờ các chương trình khuyến mại liên tục trong tháng (với mức giảm giá tới 40% đối với một số sản phẩm trang sức vàng gắn đá).

Một trường hợp khác cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của sức mua trong đại dịch là hệ thống bán lẻ VinCommerce mà Masan nhận chuyển nhượng từ Vingroup vào cuối năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm, chuỗi cửa hàng VinMart+ ghi nhận doanh thu tăng 56,5% so với cùng kỳ, còn VinCommerce tính chung đã đóng góp hơn mức 1 tỉ đô la, chiếm 42,5% tổng doanh thu toàn hệ thống Masan.

Kết quả cập nhật gần đây cho thấy doanh số trên mỗi mét vuông sàn của điểm bán lẻ tăng trưởng 11,2%, còn giá trị trung bình mỗi hóa đơn tăng 18,1%, dù số lượt khách mua hàng giảm do ảnh hưởng bởi Covid-19. Trước đó, lãnh đạo Masan cho biết lợi nhuận đang tiến dần đếm điểm hòa vốn trong quí 4 của năm 2020 vừa qua.

Trong báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết vào đầu tháng 12 vừa qua, đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính FiinGroup đánh giá rằng hai ngành hàng tiêu dùng là thực phẩm – đồ uống và bán lẻ được dự báo tiếp tục tăng trưởng doanh thu, đồng thời duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nhờ nhu cầu tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể hơn, ngành thực phẩm và đồ uống có EBIT (Lợi nhuận trước thuế và lãi vay) tăng 15,9%. Nếu không tính đến Masan, lợi nhuận kế toán của các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống tăng 30,8% trong khi EBIT tăng 20,8% so với cùng kỳ, dẫn đầu là Vinamilk, GTNFoods, Mía đường Thành Thành Công – Biên Hòa, Hàng tiêu dùng Masan, Masan MeatLife, KDC và Vilico.

Theo Công ty chứng khoán VNDirect, doanh số bán lẻ đã phục hồi mạnh mẽ trong quí 3-2020 sau khi đợt bùng phát dịch thứ hai ở Việt Nam được kiểm soát, với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 4,5% trong quí 3 so với cùng kỳ. “Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam được duy trì trong bối cảnh đại dịch”, báo cáo của VNDirect đánh giá.

Kích hoạt chế độ đặc biệt

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi ngành bán lẻ ngay từ khi xuất hiện vào tháng 3, bằng những đợt giãn cách xã hội. Nhưng ngay sau đó, các nhà bán lẻ lập tức “kích hoạt” chế độ đặc biệt.

Theo Công ty chứng khoán VCBS, các chuỗi bán lẻ đang tái cấu trúc dưới sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điển hình như Thế giới Di động đóng cửa chuỗi Điện thoại siêu rẻ, tăng cường chuyển đổi mô hình cửa hàng Điện thoại di động sang Điện Máy Xanh. Trong khi đó, PNJ đóng cửa các cửa hàng shop-in-shop trong trung tâm thương mại.

Tại một sự kiện trước đó, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, chia sẻ rằng đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải nhanh chóng chuyển đổi và tìm cách “thích nghi” với những thay đổi nhanh chóng của thị trường. Trong năm qua, PNJ đã số hóa nhiều hơn về kênh bán hàng, không chỉ đẩy mạnh sự phủ sóng của trên các trang thương mại điện tử mà còn tăng cường quảng cáo theo những phong cách mới thay vì cách làm truyền thống.

Trong khi đó, VinCommerce ứng phó bằng cách tái cấu trúc hệ thống theo kiểu “đóng mở”. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tập đoàn đã đóng cửa 433 siêu thị và cửa hàng không hiệu quả và mở mới 58 điểm bán. Lãnh đạo Masan cho biết việc đã điều chỉnh lại mô hình hoạt động và hình bài trí cửa hàng ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở khu vực TPHCM.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), mô hình bán lẻ cũng đang thay đổi dần khi các cửa hàng bách hóa phải đối mặt với hiện trạng biên lợi nhuận sụt giảm do lượng khách sụt giảm, chi phí vận chuyển và đầu vào đều chịu áp lực tăng. Trong khi đó nhóm sản phẩm thiết yếu bao gồm ngành hàng tiêu dùng- thực phẩm được ưu tiên chi tiêu hơn, đặc biệt là nhóm thực phẩm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Thay vào đó, các kênh hiện đại và trực tuyến tăng trưởng mạnh hơn đáng kể.  Trong tương lai, dù dịch bệnh sẽ được kiểm soát, thị phần bán lẻ vẫn sẽ có sự dịch chuyển đáng kể theo xu hướng mới đã thay đổi.

Lạc quan về năm 2021

Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), trong cuộc hội thảo gần đây với các học viên của trường, đánh giá rằng Việt Nam phải hứng chịu cả hai cú sốc về cung và cầu dưới tác động của dịch Covid-19. Theo đó, cú sốc phía cung dẫn tới sự xáo trộn về sản xuất thì cú sốc cầu ghi nhận năm 2020 là năm đầu tiên tiêu dùng của dân cư giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì thu nhập thực tế giảm.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế Giới Di Động trước đó nhiều lần tỏ rõ sự nghi ngại, cho rằng ảnh hưởng của đại dịch chưa thể đến ngay trong ngắn hạn, mà sẽ còn ảnh hưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, theo kế hoạch kinh doanh năm 2021 mà Thế giới Di động vừa công bố, lại cho thấy sự lạc quan của đế chế bán lẻ tỉ đô.

Theo đó, kế hoạch đặt ra cho năm sau là doanh thu thuần 125.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỉ đồng. Trong đó, hoạt động bán lẻ thiết bị di động và điện máy là trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp khoảng 75% tổng doanh số.

Ban lãnh đạo cũng công bố định hướng triển khai mạnh mô hình Điện máy xanh supermini (cửa hàng có diện tích dưới 150 m2) và đặt mục tiêu mở 1.000 cửa hàng vào cuối năm sau. Ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu tiếp tục được kỳ vọng nâng tỷ trọng đóng góp từ 19-25% nhờ tăng độ phủ, mở rộng mô hình cửa hàng diện tích lớn và đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Không chỉ có Thế Giới Di Động, chuỗi bán lẻ VinCommerce cũng đặt tham vọng mở rộng nhanh trong thời gian tới. Hệ thống này đặt mục tiêu mở rộng nhanh về cửa hàng trong năm 2021 với mục tiêu sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+ phủ sóng 63 tỉnh thành.

Tại hội nghị Hội nghị Đối tác năm 2020 và công bố chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025 mới đây, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty VinCommerce cho biết sẽ quy hoạch “Top 100” đối tác chiến lược cùng đồng hành, đi kèm theo những đặc quyền giành riêng cho nhóm này.

Theo đánh giá của VNDirect, lực tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi trở lại về mức tăng trước trước đại dịch với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 8,5-9% so với cùng kỳ trong năm 2021. “Chúng tôi cho rằng các nhà bán lẻ sẽ được hưởng lợi chính từ sự phục hồi tiêu dùng trong nước”, báo cáo nhận định.

Dù sự phục hồi của bán lẻ có nhanh hơn kỳ vọng, nhưng sự trở lại của sức mua thực tế vẫn còn là một dấu hỏi. VCBS dự báo sức mua của người tiêu dùng sụt giảm so với năm trước, không chỉ do tâm lý lo ngại về tình hình dịch bênh trên thế giới, mà còn bởi thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng bị sụt giảm vẫn chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng doanh thu bán lẻ được kỳ vọng phục hồi nhờ thu nhập cải thiện trong năm 2021 nhờ duy trì tăng trưởng GDP danh nghĩa và lạm phát thấp; sự trở lại của ngành du lịch, tiêu dùng sau khi các chuyến bay quốc tế được khai thác; sức tiêu thụ và công nghệ của dân số trẻ; quá trình đô thị hóa tiếp tục tăng tốc. Theo đó, VCBS kỳ vọng hoạt động bán lẻ sẽ phục hồi mạnh vào giữa quí 2-2021 với tốc độ tăng trưởng đạt gần 14,5%.

Dũng Nguyễn

Theo TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mùng 2: Hàng loạt siêu thị, cửa hàng mở cửa

0
(SGTT) - Trong tết Giáp Thìn này, nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại TPHCM và Hà Nội đã mở cửa đón...

Sức mua yếu ‘kích hoạt’ cuộc đua giá xuống đáy của...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì cuộc đua bán hàng hóa giá cạnh tranh, giá thấp, tại...

Siêu thị TPHCM tăng giờ mở cửa phục vụ người dân...

0
Sở Công Thương TPHCM cho biết, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi đã có phương án...

Kiểm soát chất lượng rau nhập vào siêu thị: cơ quan...

0
(SGTT) - Qua vụ việc một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP để bán cho các hệ thống...

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi tung khuyến mãi dịp lễ...

0
Nắm bắt cơ hội kinh doanh từ việc sức mua tăng cao trong kỳ nghỉ lễ 2-9, các siêu thị, trung tâm thương mại...

Giá gas tháng 5 quay đầu giảm, mức giảm 29.000-31.000 đồng/bình...

0
Giá gas đã giảm trở lại vào ngày 1-5, giá bán lẻ đến người tiêu dùng tùy nhãn hiệu còn 487.000 – 507.000 đồng/bình...

Kết nối