Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Bản đồ ẩm thực: Về Hải Phòng nhớ thưởng thức món quà vặt đường phố gây nhớ nhung

(SGTT) – Bánh mì là thực phẩm phổ biến có mặt hầu hết ở mọi tỉnh, thành của đất nước hình chữ S. Theo đó, thành phố hoa phượng đỏ cũng đã kịp điền tên mình vào “bản đồ bánh mì” với món bánh mì cay Hải Phòng thơm ngon, gây nhớ nhung cho những ai đã thưởng thức qua.

Qua thông tin báo đài, bánh mì đã theo chân người Pháp vào Việt Nam từ thế kỷ 19 với nguyên mẫu là ổ bánh mì Baguette to dài. Chắc có lẽ lúc ấy họ sẽ chẳng thể ngờ có ngày bánh mì lại được Việt hóa và trở thành nét đặc trưng của ẩm thực Việt, liên tục có mặt trong các bảng bình chọn món ăn ngon nên thưởng thức khi du lịch Việt Nam.

Mỗi địa phương mà bánh mì Việt ghé chân lại biến tấu theo một kiểu khác nhau và tạo nên thương hiệu riêng. Chẳng hạn như bánh mì xíu mại Đà Lạt, bánh mì cay Hải Phòng, bánh mì bột lọc Đà Nẵng, bánh mì chả cá Nha Trang…

Trong số đó, xét về ngoại hình thì bánh mì cay Hải Phòng là em út nhất hội. Bánh mì cay đôi khi còn được gọi là bánh mì que, chắc vì vẻ ngoài thuôn đuột nhỏ xíu như cái que của nó, chỉ dài cỡ một gang tay và rộng gần hai đốt tay. Ăn một cái đương nhiên chẳng bõ bèn gì, sơ sơ cũng phải năm cái trở lên mới lưng lửng bụng, đã cái cơn thòm thèm.

Điều đáng nói là bánh mì cay cực kỳ đơn giản, không chả thịt nhiều nhưng vẫn gây “nghiện”. Độ hấp dẫn của món ăn nằm ở lớp vỏ ngoài được nướng qua trên than hoa vừa đủ lửa để bánh giòn rụm mà không cháy, bên trong vẫn mềm thơm, xốp, hòa quyện giữa vị thơm nồng từ pate và vị the cay từ tương ớt.

Linh hồn của bánh mì cay đến từ lớp pate gan béo bùi. Theo đó, gan được sơ chế kỹ càng rồi ngâm sữa tươi cho hết chất bẩn, thải bớt độc và mềm hơn. Pate gồm cả nạc lẫn mỡ phần theo một tỷ lệ rất khéo, nhiều mỡ quá sẽ ngấy mà ít mỡ quá thì pate lại dễ khô.

Khi tất cả nguyên liệu đã sẵn sàng thì người nấu đem xay nhuyễn, thêm ít vụn bánh mì và các loại gia vị khác rồi chế biến, thế là có thành phẩm pate mềm mịn, thoang thoảng mùi gan, beo béo thịt mỡ, thơm thơm vị tiêu. Bánh mì cay thường dùng kèm với pate nguội; nhưng nếu lúc nào đó bạn thử thưởng thức pate mới ra lò béo ngậy, thơm phức với bánh mì que be bé, cũng khó mà cưỡng nổi.

Nói về cái tên bánh mì cay thì đương nhiên vị cay không thể thiếu. Mỗi hàng quán lại nắm giữ cho mình cách pha chế sốt tương ớt riêng biệt để níu chân thực khách. Tương ớt dùng cho món bánh mì cay thường loãng hơn các loại tương khác nhưng vẫn sóng sánh, cay nồng và hắt lên màu đỏ tươi quyến rũ.

Theo đó, tương ớt ở Hải Phòng còn gọi là chí chương. Nhiều người bảo rằng cái tên “chí chương” xuất phát từ những người gốc Hoa sống ở đây, phiên âm tiếng Trung là “Zhī jiāng”, phát âm na ná giống chí chương (chíu chương). Cũng như nhiều vùng miền khác, nguyên liệu chính để làm chí chương là ớt tươi, cà chua, tỏi, muối, đường nhưng lại có bí quyết pha chế riêng để tạo nên nét đặc trưng. Món chí chương cay ngon tê lưỡi, có thể cho trực tiếp vào bánh mì hoặc để một chén riêng rồi chấm khi thưởng thức.

Khi nào đến thành phố hoa phượng đỏ, bạn nhớ ghé một quán bánh mì cay ở vỉa hè, gọi mấy que bánh mì để thưởng thức, rồi nhẩn nha ngắm phố phường. Nhớ phải chấm tương ớt thật nhiều, vừa nhấm nháp các hương vị hòa quyện trên đầu lưỡi, vừa xuýt xoa vì cay mà nhớ mãi đất Hải Phòng, bạn nhé!

Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngọt dẻo món mè xửng, đặc sản đất cố đô Huế

0
(SGTT) - Mè xửng là đặc sản không thể tách rời trong biểu tượng văn hóa đất cố đô Huế. Nhiều người nói vui,...

Những câu chuyện ẩm thực thú vị về món chè hé...

0
(SGTT) - Nếu có dịp du lịch Đà Lạt, người ta thường hay rủ nhau thưởng thức bánh căn, bánh mì xíu mại, lẩu...

Trứng chiên ngải cứu – món ăn vị thuốc quen thuộc...

0
(SGTT) – Tuy không nổi bật như bún chả, phở gà, bún thang… nhưng trứng chiên ngải cứu lại có riêng những thực khách...

Về Đà Nẵng nhớ thưởng thức 5 món ăn, đặc sản...

0
(SGTT) - Ẩm thực Đà Nẵng như một bức tranh với nhiều sắc màu của văn hóa miền Trung nước ta. Khám phá những...

Thơm ngon tô bún mực Đại Lãnh xứ biển Khánh Hòa

0
(SGTT) - Được thiên nhiên ưu ái cho vùng biển trải dài, cát trắng mịn màng, nước trong xanh, Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh...

Thổn thức cá rầm kho lá nghệ thôn quê xứ Quảng

0
(SGTT) - Quê tôi nằm bên bờ sông Yên (Đại Lộc, Quảng Nam), một vùng trũng thấp, khiến những cơn mưa lớn đầu mùa...

Kết nối